THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 September 2013

Lỗ gấp 9 lần sau soát xét báo cáo tài chính


 
 Nhiều doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng tiếp tục chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp điều chỉnh số liệu sau soát xét, không ít đơn vị lỗ gấp nhiều lần so với công bố ban đầu.
Trong báo cáo tài chính công ty mẹ 6 tháng đầu năm sau soát xét, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang (mã CK: LGL) cho biết mức lỗ thực là 43,67 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 9 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó.
Giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Long Giang cho rằng nguyên nhân khiến chênh lệch số liệu trong báo cáo tài chính bán niên 2013 sau soát xét  là ghi nhận thêm chi phí lãi vay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam 1,3 tỷ đồng. Đồng thời, công ty còn trích lập dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn vào Công ty cổ phần cơ điện và xây dựng Việt Nam 31,9 tỷ đồng và Công ty cổ phần Long Giang Sài Gòn 1,1 tỷ đồng.
dn-1378720592.jpg
Nhiều doanh nghiệp lỗ tăng gấp đôi sau soát xét. Ảnh: Hoàng Hà
Tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển thương mại Viễn Đông (Mã CK: VID), theo báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm, công ty lỗ 50,66 tỷ đồng, trong khi trước đó trong báo cáo tự lập của công ty chỉ lỗ 24,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong báo cáo soát xét đơn vị kiểm toán còn lưu ý về việc khả năng thu hồi khoản nợ phải thu số tiền bán hàng cho Công ty cổ phần thương mại Toàn Lực 232 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 87,27% trên tổng dư nợ phải thu khách hàng đến 30/6.
Tại ngày 30/06, dự nợ ngắn hạn của công ty đã vượt tài sản ngắn hạn hơn 56 tỷ đồng và lỗ hơn 50 tỷ đồng. Kiểm toán lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của công ty này.
Lỗ cũng tăng gấp đôi như 2 công ty trên, Công ty cổ phần Sông Đà I (Mã CK: SD1), trong báo cái soát xét 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp âm 21 tỷ đồng, trong khi đó, trong báo cáo tài chính quý II mà công ty tự lập chỉ âm 13 tỷ đồng.
Đột biến nhất là Công ty cổ phần xây dựng số 15 (Mã CK: V15) sau soát xét lỗ tăng gấp 9 lần. Cụ thể, trong báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận sau thuế lỗ 26,3 tỷ đồng. Trong khi trước đó, báo cáo tài chính quý II do công ty tự lập chỉ ghi nhận khoản âm 2,9 tỷ đồng.
Thêm vào đó, kiểm toán còn lưu ý đến khoản phải thu khách hàng đã quá hạn thanh toán trên một năm khoảng 86 tỷ đồng. Công ty kiểm toán nghi ngờ khả năng thu hồi đối với khoản phải thu này. Tuy nhiên, theo giải trình của công ty, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch là trích lập dự phòng các khoản phải thu đội thi công và tăng giá vốn hàng bán.
Tổng công ty phát triển Đô Thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC), sau soát xét báo cáo bán niên 2013, khoản lỗ sau thuế lên tới 53,9 tỷ đồng, thay vì ở con số 39,5 tỷ đồng như báo cáo tự lập trước đó.
Theo giải trình mới đây của công ty, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này là tính lại phần thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại ở công ty con là công ty cổ phần phát triển đô thị Sài Gòn-Tây Bắc.
Bênh cạnh nhiều doanh nghiệp lỗ tăng mạnh, năm nay số lượng doanh nghiệp đang lãi cao bỗng dưng bốc hơi nhiều tỷ đồng cũng không kém cạnh.
Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Tân Tạo (Mã CK:  ITA) công bố báo cáo tài chính soát xét hợp nhất 6 tháng đầu năm 2013 với doanh thu tăng lên nhưng lãi ròng “bốc hơi” hơn 6 tỷ đồng.
Doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm sau soát xét đạt 40,2 tỷ đồng, tăng 4% so với trước kiểm toán. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh làm cho lãi gộp của ITA giảm 5%, đạt 33,9 tỷ đồng. Do đó, lãi sau thuế sau soát xét 6 tháng đầu năm là 4,4 tỷ đồng, còn theo báo cáo tự lập lợi nhuận tới 10 tỷ đồng.
Cũng nằm trong danh sách lãi giảm mạnh còn nhiều công ty như Công ty cổ phần MTGas (Mã CK: MTG), CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (Mã CK: SDU), CTCP Thủy Điện - Điện lực 3 (Mã CK: DRL)...
Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích tại một quỹ đầu tư ở Hà Nội thở dài: “Nhìn chung tôi hơi thất vọng về mùa báo cáo năm nay, chất lượng đi xuống rõ rệt khi chênh lệch số liệu phát sinh quá nhiều giữa trước và sau kiểm toán. Thậm chí cả những doanh nghiệp quy mô vốn lớn, thuộc hàng blue-chip vẫn dính sai số”.
Theo vị này, trước đây chuyện chênh lệch trên báo cáo tài chính trước, sau soát xét xảy ra chủ yếu ở những công ty quy mô vốn nhỏ và hay làm giá cổ phiếu. Nhưng đến quý II năm nay, vấn đề sai số đã “xảy ra như cơm bữa” và nếu không có các đơn vị kiểm toán can thiệp, nhà đầu tư có thể gặp thiệt hại tương đối lớn. “Có lẽ sức khỏe doanh nghiệp hiện giờ cũng là vấn đề chung của toàn thị trường. Trước đây còn có những doanh nghiệp cố gắng trụ lại, nhưng sau 2 năm, chính những đơn vị này cũng có vấn đề nhưng không ai biết cho đến khi báo cáo được đưa ra trước công chúng. Chẳng hạn các doanh nghiệp xây dựng có hàng nghìn tỷ đồng tiền cho vay, phải thu của khách hàng, nhưng nhà đầu tư thông thường cũng không thể biết trong số hàng nghìn tỷ đó, chính xác bao nhiêu tiền là nợ khó đòi”, vị này cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Sỹ Bình – Trưởng phòng môi giới tại Công ty Chứng khoán VNDirect khẳng định, chuyện chênh lệch số liệu trên báo cáo tài chính ảnh hưởng rất lớn đến việc phân tích tình hình hoạt động doanh nghiệp và ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu công ty. Thông thường, mỗi công ty đều có lý do riêng giải thích cho vấn đề chênh lệch số liệu, nhưng nó vẫn tạo ra tâm lý không tốt cho nhà đầu tư, ông Bình chia sẻ.
Theo ông Bình, báo cáo tài chính chưa phải là yếu tố quan trọng nhất để phản ánh chất lượng kinh doanh, nhưng nó lại là thứ đầu tiên nhà đầu tư quan tâm khi tìm hiểu về một doanh nghiệp. Do vậy, để đề phòng những trường hợp “mất tiền oan” do sai sót số liệu, ông Bình cho rằng mỗi nhà đầu tư nên chủ động kiểm tra lịch sử sai sót của báo cáo tài chính, đồng thời chú trọng đến thương hiệu của công ty kiểm toán.
Hồng Châu -Tường Vi