THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 August 2013

Vì sao ngân sách nặng nợ?



TP - Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý phân tán các đầu mục nợ công đang chồng chéo, gây bất cập trong lập và trích chi trả nợ…
Mỗi người dân Việt phải gánh khoảng 800 USD nợ công, theo The Economist. Ảnh: Hồng Vĩnh
Mỗi người dân Việt phải gánh khoảng 800 USD nợ công, theo The Economist. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Gia tăng trả nợ thay
Kết quả kiểm toán công bố gần đây cho thấy, nợ công đến hết năm 2011 đã đạt 1.392 nghìn tỷ đồng, tương đương 54,9% GDP. So với năm 2010, nợ công đã tăng thêm 276.439 tỷ đồng (tương đương 13,2 tỷ USD). Về cấu trúc, nợ Chính phủ ở mức 1.090 nghìn tỷ đồng, nợ được Chính phủ bảo lãnh 285.375 tỷ đồng và nợ chính quyền địa phương là 10.884 tỷ đồng.
Nợ công tăng một phần do một số khoản tăng cao như: Vay của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo lãnh phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội, bảo lãnh vốn vay nước ngoài, vay nước ngoài, nợ của chính quyền địa phương.
Theo Kiểm toán Nhà nước, số nợ phải trả nước ngoài dùng để cho vay lại đến hết năm 2011 tương đương 12,55 tỷ USD, tăng 1,35 tỷ USD. Đặc biệt, việc ứng trả nợ thay cho các dự án được cấp bảo lãnh tiếp tục có xu hướng tăng. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy.
Bộ này đã lập kế hoạch ứng vốn trả thay cho các dự án Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài 400 tỷ đồng. Nhưng thực tế phải ứng trả thay cho các dự án Chính phủ bảo lãnh lên tới 602,9 tỷ đồng, tăng 202,9 tỷ đồng so với dự toán. Số tiền mà Bộ Tài chính phải ứng trả nợ thay cũng tăng tới 329,8 tỷ đồng so với năm 2010. Số tiền ứng trả nợ thay và số phải thu về Quỹ tích lũy trả nợ tăng tới 761,2 tỷ đồng và tăng 570,2 tỷ đồng nếu so với năm trước đó.
Ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa quản lý nợ ngoài nước với nợ trong nước, dẫn đến việc tổng hợp số liệu nợ công theo một đầu mối thống nhất gặp khó khăn và dễ gây sai sót. Như tại Bộ Tài chính, theo quy định Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại là đơn vị được giao thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế năm 2011 vẫn tổ chức quản lý nợ công phân tán giữa các đơn vị. Cụ thể, Vụ Tài chính Ngân hàng quản lý bảo lãnh phát hành trái phiếu trong nước, Vụ Ngân sách Nhà nước quản lý các khoản vay khác của ngân sách. Trong khi Kho bạc Nhà nước quản lý trái phiếu Chính phủ còn Cục Quản lý nợ chỉ trực tiếp quản nợ nước ngoài của Chính phủ và bảo lãnh vay vốn nước ngoài và trong nước.
Vô lý chuyện Chính phủ trả nợ thay
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Đức Thụ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mô hình quản lý nợ công của Việt Nam đang thực hiện theo thông lệ quốc tế. Riêng phần hạch toán bội chi ngân sách của chúng ta lại không theo thông lệ đó.
Theo ông Thụ, việc hạch toán bội chi ngân sách của ta có một số khoản được đặt ra ngoài, khiến con số thu chi ngân sách, thu chi nợ có sự khác biệt. Ở các nước, phần trả nợ gốc đối với ngân sách nhà nước hầu hết không đưa vào chi ngân sách trong cấu thành tổng chi. Của ta khi bội chi ngân sách của năm trước đã được tính vào chi, đến năm sau trả nợ cũng tính vào chi. Nếu xem xét niên độ ngân sách hằng năm thì không thấy bất cập. Nhưng khi xem ngân sách trung hạn lại thấy phần gốc tính 2 lần. Có nghĩa khi vay và chi đã tính rồi, phần trả nợ lại tính lần nữa thành ra 2 lần.
“Với trường hợp các doanh nghiệp được bảo lãnh vay, nhưng không đảm bảo điều kiện quy định là vi phạm, trái luật và dứt khoát phải xử lý. Quan điểm của chúng tôi, đã là luật thì phải tuân thủ vô điều kiện”, ông Thụ nói.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, để hạn chế sự gia tăng của nợ công, cần giám sát chặt chẽ hiệu quả đầu tư ở các địa phương. Cùng với đó, cần có biện pháp tái cấu trúc các khoản nợ cũng như phương cách hoạt động kinh doanh, đầu tư của các tập đoàn, tổng Cty để giảm bớt phần nợ mà Chính phủ phải bảo lãnh hằng năm. Nếu tiếp tục để tình trạng Chính phủ, bộ ngành phải đứng ra trả nợ thay cho các dự án đầu tư không hiệu quả (như thời gian qua) thì rất nguy hiểm.
Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại (Bộ Tài chính), mức nợ công tương đương 54,9% GDP năm 2011 vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế. Trên thực tế, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách hằng năm từ 14% đến 16%. Con số này trong năm 2011 là 15,6%, đã thấp hơn so với năm trước đó.
Dự báo trong những năm tới, do nhu cầu đầu tư phát triển (trong đó có đầu tư cho cơ sở hạ tầng tiếp tục tăng lên) nợ công dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng, nhưng vẫn phải đảm bảo tới năm 2015 không quá 65% GDP. “Hiện, Bộ Tài chính đang trong quá trình hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý nợ. Trong đó có vấn đề cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ để quản lý nợ công hiệu quả hơn”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Theo đồng hồ đo nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist hồi đầu năm 2013, tổng nợ công của Việt Nam là 71,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2012. Bình quân, mỗi người dân Việt Nam đang gánh khoản nợ công khoảng 800 USD.
Phạm Tuyên