Dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động quy định, lực lượng này được trang bị, sử dụng tàu bay, tàu thủy... để phục vụ hoạt động; xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu cho ý kiến về dự thảo Pháp
lệnh Cánh sát cơ động. Theo Thứ trưởng Công an Đặng Văn Hiếu, trong quá
trình nghiên cứu, xây dựng, Chính phủ nhận thấy, tên gọi "Pháp lệnh
Cảnh sát cơ động" chỉ phản ánh được một phương thức hoạt động và một bộ
phận trong cơ cấu tổ chức của lực lượng này.
Cơ cấu tổ chức của lực lượng này hiện bao gồm Cảnh sát cơ động, Cảnh
sát đặc nhiệm và các lực lượng tham mưu, nghiệp vụ khác. Vì thế, cơ quan
soạn thảo xin đổi thành "Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang" để phù hợp với
nhiệm vụ, chức năng đặc thù của lực lượng và phù hợp với thông lệ và
thuận lợi cho hợp tác quốc tế.
Dự thảo pháp lệnh gồm 5 chương và 26 điều này cũng quy định, các đơn vị
của lực lượng được trang bị, quản lý, sử dụng tàu bay, tàu thủy, phương
tiện bay, phương tiện thủy khác để phục vụ hoạt động. Theo ông Hiếu,
việc trang bị tàu bay, tàu thủy cho cảnh sát vũ trang là cần thiết.
Chính phủ cũng đã cho phép Bộ Công an lập đề án mua máy bay trực thăng
phục vụ chiến đấu.
Trong tình huống điều động lực lượng quy mô lớn hơn hoặc điều động các
đơn vị Cảnh sát vũ trang được trang bị, sử dụng tàu bay, tàu thủy phải
báo cáo và được sự đồng ý của Bộ trưởng Công an.
Cảnh sát Hà Nội trong một pha diễn tập chống khủng bố. Ảnh: Thái Thịnh. |
Ngoài ra, trong trường hợp sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang
thiết bị đặc chủng khi xảy ra bạo loạn, khủng bố, tập trung đông người
trái phép, biểu tình bất hợp pháp thì phải do Tư lệnh Cảnh sát vũ trang,
Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định. Nếu phải sử dụng vũ khí quân dụng
thì chỉ bộ trưởng và thứ trưởng thường trực Bộ Công an mới có quyền
quyết định.
Để trấn áp hành vi khủng bố, dự thảo pháp lệnh cho phép cảnh sát vũ
trang xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước và
nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, nhiều nhiều nội dung
trong pháp lệnh liên quan tới Hiến pháp, quyền cơ bản của công dân như
xâm nhập chỗ ở của công dân, người nước ngoài, quyền thống lĩnh lực
lượng vũ trang của Chủ tịch nước... Những trường hợp này phải được quy
định trong luật chứ không phải là pháp lệnh. Ông đề nghị những nội dung
này chưa thể thông qua khi chưa thông qua Luật Công an nhân dân (sửa
đổi).
Đối với vấn đề đổi tên pháp lệnh, ông Lý cho hay, điều đó thuộc thẩm
quyền của Quốc hội. Còn theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh
Hùng, nếu ngay cái tên pháp lệnh mà vẫn còn bàn luận thì có nghĩa là dự
thảo chưa ổn. Trong phần thảo luận, một số đại biểu cũng băn khoăn về
phương thức sử dụng, quản lý máy bay, tàu thủy...
Trước các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu cho hay, cơ quan
soạn thảo nhất trí với việc giữ tên dự thảo là Pháp lệnh Cảnh sát cơ
động. Còn máy bay, tàu thủy là những phương tiện sử dụng chung cho nhiều
lực lượng chứ không trang bị riêng cho cảnh sát cơ động. Đối với các
vấn đề khác, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu hoàn thiện trong lần trình
tiếp theo.
Nguyễn Hưng