Người gửi tiền xót xa nhìn lãi suất hạ
Bằng cách chuyển nhượng, chủ sổ sẽ tránh được việc phải nhận lãi không kỳ hạn cho số tiền rút sớm, trong khi người mua có thể được hưởng lãi suất cao hơn so với việc lập sổ mới.
Mẩu tin rao bán sổ tiết kiệm. Ảnh chụp màn hình. |
Gửi ngân hàng vài tháng trước khi lãi suất chưa hạ, nay lại có nhu cầu rút trước hạn, một số chủ sổ tiết kiệm tìm cách nhượng lại cho người khác thay vì tất toán với ngân hàng để phải chịu lãi suất không kỳ hạn (chỉ 2% một năm).
Trên một diễn đàn mạng khá nổi tiếng, một thành viên đang rao bán lại 2 sổ tiết kiệm (một sổ 500 triệu đồng và một sổ 60 triệu). "Trước khi lãi suất em tranh thủ mang ít tiền gửi tiết kiệm dài hạn để hưởng lãi cao giờ có việc cần tiền nên muốn bán lại sổ này. Hình thức mua bán = mệnh giá + phần lãi suất thuộc về em (thời gian từ lúc gửi đến lúc em chuyển nhượng). Người mua sẽ được hưởng lãi suất cho thời gian còn lại", thành viên "xxxthinker" viết.
Theo lời quảng cáo, cá nhân này cam kết sẽ đến ngân hàng chuyển sổ sang tên cho người mua (có xác nhận của ngân hàng). Người này cũng mô tả thêm, sổ 500 triệu gửi kỳ hạn một năm, lãi suất 9,8%. Còn sổ 60 triệu cũng gửi một năm, lãi suất 8% một năm.
Mẩu rao bán này ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi từ chính các thành viên của diễn đàn. Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên với loại "mặt hàng" mới này nhưng cũng không ít cho rằng, lãi suất trên cho kỳ hạn một năm không phải hấp dẫn. Bởi trên thực tế, lãi suất đã giảm mạnh trong vài tháng qua nhưng với kỳ hạn dài, từ một năm trở lên, lãi suất huy động được thả nổi. Tại hầu hết các nhà băng, lãi suất huy động vẫn có thể từ 8-9% một năm.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo nên cân nhắc kỹ trước khi mua lại những sổ tiết kiệm từ người lạ. Ảnh minh họa: Thanh Lan. |
Trao đổi với VnExpress, đại diện một ngân hàng cổ phần cho biết sổ tiết kiệm cũng là một tài sản nên có thể chuyển nhượng. Có 2 hình thức các ngân hàng đang áp dụng, một là ủy quyền cho người khác nhận tiền khi đến hạn, hai là cho - tặng sổ tiết kiệm. Vị này giải thích thêm, ở hình thức ủy quyền, ông A có thể ủy quyền cho bà B rút tiền tại sổ tiết kiệm của mình (lãi suất giữ nguyên) nhưng bà B chỉ được sở hữu số tiền này khi đáo hạn sổ. "Đây là một dạng ủy quyền nhận tiền thay khi đến hạn", vị này nói.
Trong khi đó, hình thức thứ 2, cho - tặng, quyền lợi của người nhận chuyển nhượng sẽ được đảm bảo và đầy đủ hơn. "Với cách này, coi như ngân hàng lập lại sổ tiết kiệm mới, nhưng tính từ ngày mở sổ của chủ cũ, cho người được tặng, lãi suất không thay đổi. Tuy nhiên, ngân hàng không quan tâm, xác minh thỏa thuận giữa hai bên là mua - bán mà chỉ thực hiện với hình thức cho - tặng", nhân viên giao dịch tại một ngân hàng cổ phần giải thích thêm. Như vậy, những tranh chấp về chuyện mua bán giữa chủ cũ và mới của sổ tiết kiệm, nếu có, sẽ không có sự xác nhận của ngân hàng.
Không bình luận nhiều về sự hấp dẫn thực sự của mức lãi suất chào mời này nhưng một chuyên gia tài chính cho rằng, đây có thể là một cách nhiều người đang làm để "bớt lỗ" khi muốn rút sổ tiết kiệm trước hạn. Theo ông, khách hàng cần hết sức cẩn trọng bởi mua lại sổ tiết kiệm kiểu này chưa chắc đã có lợi hơn (về lãi suất và các thủ tục). Vị chuyên gia này phân tích, lãi suất không nhỉnh hơn mấy là một chuyện nhưng quan trọng là có thể rủi ro vì rất khó xác định đối tác mua - bán là người như thế nào.
"Tốt nhất khi có tiền nên chủ động đi gửi và lựa chọn ngân hàng có lãi suất hợp lý. Ngoài ra, đừng quên lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn nên người gửi đừng quá ham lãi suất mà lao vào. Đó có thể là những ngân hàng không tốt, đang cần tiền nên mới chào lãi suất như vậy", một chuyên gia tài chính khuyến cáo.
Ngân Hà