Hàng nghìn bệnh nhân bị bệnh viện trả kết quả xét nghiệm giả
Trong những ngày nhàn rỗi vì hầu như không có việc, bác sĩ xét nghiệm Hoàng Thị Nguyệt phát hiện mỗi ngày khu xét nghiệm ở tầng 1 đón đến 300 bệnh nhân mà vẫn trả hết kết quả trong buổi sáng. Nghi ngờ nhen nhóm trong chị.
Vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) đã bị phanh phui. Ít ai biết để phơi bày việc động trời này ra ánh sáng, bác sĩ Nguyệt cùng với những đồng nghiệp có tâm đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Hơn hai chục quyển sổ khám, video cận cảnh nhân bản kết quả xét nghiệm, 400 phiếu kết quả trùng lặp, những phong bì phân chia tiền... là bằng chứng mà bác sĩ Nguyệt dày công thu thập trong suốt một năm qua.
Từ tháng 7/2012 đến nay, Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) bắt đầu chia tách khoa Xét nghiệm thành hai nơi. Nhóm ở tầng 2 gồm 3 kỹ thuật viên có kinh nghiệm trên 20 năm, làm xét nghiệm bằng máy nhà nước. Ngày cao nhất chỉ có khoảng 20 bệnh nhân, có ngày không bệnh nhân nào. Bác sĩ Nguyệt được phân làm việc ở khu này.
Nhóm còn lại ở tầng 1, ngoài trưởng khoa và một kỹ thuật viên được giao làm "bán chuyên môn" thì những nhân viên còn lại gồm toàn điều dưỡng, trung cấp dược. Mỗi ngày ở đây có từ 200 đến 300 bệnh nhân.
"Mâu thuẫn là ở tầng 1 đông bệnh nhân như vậy nhưng không hiểu sao trong buổi sáng tất cả bệnh nhân đều được trả hết kết quả xét nghiệm", bác sĩ Nguyệt lý giải về điều khiến chị bắt đầu nghi ngờ.
Thông thường một ống máu của người bệnh chỉ cho ra một kết quả xét nghiệm. Kết quả này phụ thuộc vào tình trạng lúc khỏe hay lúc bệnh, tuổi thấp, tuổi cao và không ai giống ai.
|
Nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp có lương tâm, chị Nguyệt dần phát hiện ra chân tướng sự việc: Các kết quả xét nghiệm được trả nhanh bất thường vì bị "nhân bản". Có hai cách thức nhân bản kết quả: Thay vì mỗi lần chạy một ống máu qua máy in một kết quả, kỹ thuật viên lại nhấn lệnh in cho ra vài tờ kết quả. Đôi lúc nhân viên ở phòng này còn cho ống máu chạy nhiều lần. Dù theo cách nào và cho ra nhiều phiếu kết quả, thì tất cả các phiếu kết quả đều chung chỉ số (
nghe lời kể của bác sĩ Nguyệt).
Hình ảnh từ một clip mà chị Nguyệt thu thập được cho thấy, có một quyển sổ nhỏ cặp một tập vài chục kết quả được in sẵn. Nhân viên y tế xòe công thức máu ra như bộ bài, tùy lựa chọn một tờ rồi gắn vào phiếu xét nghiệm huyết học trả cho bệnh nhân. Dùng không hết, người này cầm kéo cắt phần ghi ngày, giờ, tháng trên phiếu để dùng cho ngày hôm sau.
"Vì tờ kết quả không có tên tuổi, chỉ có ngày tháng, giờ nên nếu để sang hôm sau, họ đều cắt sạch phần ghi ngày, tháng", bác sĩ Nguyệt giải thích.
|
Chị Hoàng Thị Nguyệt bên vô số bằng chứng đã thu thập trong gần một năm qua. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Từ việc ghi nhận nhiều bệnh nhân cùng chung một công thức máu, chị Nguyệt đã phát hiện thêm rằng, đội ngũ nhân viên phòng xét nghiệm này "ngay từ đầu đã có chủ đích lấy máu bệnh nhân vứt đi".
Chẳng hạn, 3 bệnh nhân chung một kết quả xét nghiệm gồm bé Đạt (3 tuổi), bé Khải (12 tuổi) và anh Thụ (40 tuổi). "Mẹ cháu Đạt cho biết khi đưa bé vào phòng lấy máu, nhân viên y tế đã chích máu từ đầu ngón tay con chị vào lam kính. Ở bệnh viện chúng tôi, nếu đã thử huyết học, sinh hóa thì phải lấy máu ở ven mới đủ lượng máu để phân tích. Còn lấy máu từ ngón tay vào miếng kính, trong ngành gọi là lam kính, chỉ dùng cho việc thử máu đông, máu chảy", bác sĩ Nguyệt phân tích.
Cũng theo chị Nguyệt, cậu bé Khải - người chung kết quả xét nghiệm với bé Đạt và anh Thụ - cũng bị chích máu từ đầu ngón tay vào lam kính.
Trong những ngày âm thầm thu thập chứng cứ, chị Nguyệt cùng với đồng nghiệp vừa đặt máy quay, vừa tìm cách sao chép sổ sách.
"Mình làm việc đúng lương tâm nhưng lại giống như kẻ cắp vậy. Nhiều lần cô ấy phải than đến đau tim khi làm những việc này", bác sĩ Nguyệt cho biết về người đồng nghiệp đã cùng chị tiến hành công việc điều tra mạo hiểm này.
Người kỹ thuật viên cộng tác cùng chị Nguyệt tiết lộ: "Máy quay nay đặt chỗ này, mai đổi hướng khác. Hôm nào quay chưa rõ thì hôm sau quay lại cho chuẩn khung hình hơn. Hôm thì mượn cớ cắm sạc điện thoại, hôm lại treo nhờ cái túi xách. Bí quá phải giả vờ căng dây điện để thu được cảnh quay chuẩn".
Clip bác sĩ Nguyệt cùng đồng nghiệp quay lén việc làm giả xét nghiệm
Quá trình thu thập hơn 20 quyển sổ ghi bệnh nhân từ tháng 7/2012 đến tháng 5 năm nay và hơn 400 tờ phiếu xét nghiệm cộng nhiều bằng chứng khác, chị Nguyệt cũng khó khăn không kém.
Ban đầu những quyển sổ ghi bệnh nhân xét nghiệm chỉ thể hiện tên, tuổi, nơi ở bệnh nhân mà không hề có các chỉ số xét nghiệm. Nhiều lần bác sĩ Nguyệt đưa vấn đề này ra giao ban, thậm chí dùng áp lực mới yêu cầu được nhân viên ở phòng này ghi chỉ số vào. Từ đó, việc theo dõi, phát hiện trùng lặp mới dễ dàng hơn.
"Buổi trưa chúng tôi không ăn cơm mà tranh thủ toàn bộ thời gian photo lại danh sách khám trong ngày, sau đó về đối chiếu, lọc kết quả. Nhiều lúc quàng chân lên cổ photo thật nhanh để kịp trả cho bệnh nhân", người dũng cảm đứng đơn tố cáo cho biết.
Trong cái rủi có cái may, tính chất công việc được giao của bác sĩ Nguyệt "chỉ ngồi chơi", còn người đồng nghiệp tuy có trình độ nhưng chỉ được giao nhiệm vụ chính là làm sổ sách, lấy hóa chất... Do vậy các chị có nhiều thời gian và có điều kiện dễ dàng sao chép bằng chứng hơn.
"Trong một năm qua, tôi thường xuyên cảm thấy rất cô độc trong 'cuộc chiến' của mình. May nhờ chồng con luôn ở bên ủng hộ. Giờ đây, tôi đã có được giấc ngủ trọn vẹn", bác sĩ Nguyệt tâm sự.
Phan Dương