Khu di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tồn tại trên 500 năm. Người dân trong làng sinh sống bằng nghề làm gốm truyền thống nên không có ruộng đất. Giờ đây, khi nghề gốm đã mai một, những người trẻ bỏ đi làm ăn tứ xứ, làng chỉ còn lại người già và trẻ con.
Nhà bà Lương Thanh Thị Hén bị mục nát ở mái nên phải căng bạt chống dột
Ảnh: QUANG NHẬT
Ảnh: QUANG NHẬT
Nhà cổ chờ sập
Tháng 6-2009, Phước Tích được công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Sau Đường Lâm (Hà Nội), đây là ngôi làng thứ hai ở nước ta vinh dự nhận danh hiệu này. Bà Nguyễn Thị Thanh Châu, cán bộ phụ trách quản lý bảo tồn của Ban Quản lý (BQL) Làng cổ Phước Tích, cho biết làng gồm 26 nhà cổ, trong đó có 2 nhà thờ tự tổ tiên. Những người lớn tuổi bám trụ lại làng rất ý thức trong việc giữ gìn căn nhà do tổ tiên để lại. Tuy nhiên, do người dân không có ruộng đất, đời sống còn nghèo khó nên việc đầu tư, bảo tồn nhà cổ chỉ biết trông chờ vào Nhà nước. Theo bà Thanh Châu, hiện 10 nhà cổ ở Phước Tích đang xuống cấp, trong đó có 4 nhà cần được tu bổ khẩn cấp.
Ông Lê Trọng Đào là đời thứ năm sống trong căn nhà cổ 3 gian, 2 chái ở làng cổ Phước Tích. Ông Đào cho biết căn nhà được xây dựng cách đây hơn 100 năm; vào năm 1996, gia đình ông bỏ ra 5 chỉ vàng sửa chữa lại. Vì thiếu tiền và vật tư nên hộ ông Đào chỉ có thể dùng gạch hoa lát nền thay vì gạch nung theo thiết kế dành riêng cho nhà cổ. Sau nhiều năm chống chọi với lũ bão, nay rui, mè, đòn tay, cửa ra vào của căn nhà đang bị mối mọt đục khoét. “Cách đây không lâu, một đoàn nhà khoa học từ Hà Nội vào khảo sát. Họ bảo đầu năm 2013 sẽ quay lại xử lý mối mọt cho cả làng nhưng đến nay chẳng thấy đâu, nhà tôi thì không có tiền để sửa chữa” - ông Đào than thở.
Cách nhà ông Đào vài ngõ, căn nhà của bà Lương Thanh Thị Hén (99 tuổi) đã xuống cấp nặng nề. Bà Hén có 2 người con đều đã vào TPHCM lập nghiệp nên mỗi mình bà sống trong căn nhà cổ. Căn nhà của bà đã trên 80 năm tuổi. Qua bao trận mưa bão, mái ngói bị cong vêu, nhiều nơi dễ bị tuột, phần gỗ ở trên mái đã mục nát. Ngay chỗ giường ngủ, bà Hén phải nhờ hàng xóm treo tấm bạt ni lông chống dột mỗi lần trời mưa. Gần đó, căn nhà cổ là nơi thờ tổ tiên của ông Lương Thanh Phong cũng bị mục nát nên không còn khả năng chịu lực. Mái ngói có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Châu, dự kiến tháng 7-2013, BQL sẽ tiến hành tu bổ căn nhà của chủ hộ Lương Thanh Thị Hén với kinh phí trên 550 triệu đồng. Các nhà khác hiện chưa có nguồn vốn để sửa sang lại.
Quay lưng với du khách
Tại Làng cổ Phước Tích, UBND huyện Phong Điền đã đầu tư mua sắm xe đạp, thuyền máy phục vụ du khách; tổ chức các tour cho du khách làm bánh, học làm gốm... Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và một số công ty du lịch, 4 hộ dân ở Phước Tích làm dịch vụ homestay - hình thức du lịch phục vụ khách lưu trú, ăn uống tại nhà cổ. Dù được đầu tư từ rất sớm nhưng theo BQL Làng cổ Phước Tích, lượng khách tới đây rất hạn chế. Cả năm 2012 chỉ đón 600 lượt khách, 4 tháng đầu năm 2013 chưa tới 400 lượt.
Trò chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động, người dân làng Phước Tích tỏ ra mệt mỏi bởi lẽ cuộc sống của họ còn chật vật, mất nhiều thời gian, tiền của nhưng chẳng được lợi ích gì trong việc làm du lịch. Mỗi năm, nhà ông Lê Trọng Đào đón từ 40-50 lượt khách tới tham quan nhưng hiếm khi được trả tiền. “Chúng tôi sống dựa vào khoản lương hưu ít ỏi và trợ cấp của con cháu, chỉ đủ sống. Khách đến tham quan lại phải mời nước, bỏ thời gian tiếp chuyện, dọn dẹp nhà cửa... nhưng mỗi lần tiếp khách xong, chúng tôi hỏi người dẫn đoàn thì họ mới đưa cho vài chục ngàn, không hỏi thì họ lơ luôn” - ông Đào phàn nàn.
Nhà bà Lê Thị Huê được đánh giá là ngôi nhà cổ đẹp nhất làng Phước Tích. Bà Huê là cựu giáo viên của huyện Phong Điền, còn chồng là một y tá nghỉ mất sức. Con cái ở xa, giờ chỉ còn vợ chồng bà trông coi nhà cửa. Năm 2008, bà ký hợp đồng với Công ty CP Du lịch Việt - Pháp để đưa khách về lưu trú, tham quan cảnh Làng cổ. Bà Huê cho biết: Công ty cũng đầu tư một số vốn để bà mua sắm giường chiếu, nhà vệ sinh làm dịch vụ lưu trú. Trước đây, khi có khách, công ty điện thoại trước cho bà chuẩn bị đón tiếp, sau đó nhận tiền ngay khi khách rời khỏi làng. Nay có BQL thì mọi việc phải thông qua BQL, thủ tục rất rườm rà, mệt mỏi. Hết năm nay, gia đình bà kết thúc hợp đồng với Công ty CP Du lịch Việt - Pháp nên cũng thôi làm dịch vụ homestay vì chẳng còn sức để chạy thủ tục, lo tiếp khách mà thu nhập chẳng đáng là bao.
Dù đã có quy định về giá vé tham quan nhưng đến nay, BQL Làng cổ Phước Tích vẫn chưa thể in vé. Ngoài ra, người dân cho rằng quy định trích 40% khoản thu từ tiền dịch vụ lưu trú của họ cho phí môi trường,
an ninh quốc phòng, chi phí lữ hành... nộp về BQL như hiện nay là quá nhiều. |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-5
Kỳ tới: Không hy sinh lợi ích của dân
QUANG NHẬT - NGỌC THẠNH