Khánh An, phóng viên RFA
2012-12-10
Sự việc quầy hàng bán quần áo trẻ em với tấm biển “cam kết không bán hàng Trung Quốc” của hai vợ chồng cô Trịnh Kim Tiến ở Sài Gòn bị lực lượng chức năng tịch thu và không cho phép kinh doanh vào hôm 5/12 đã làm dấy lên những băn khoăn và tranh luận xung quanh vấn đề tẩy chay hàng Trung Quốc.
Bị dẹp tiệm vì “Cam kết không bán hàng Trung Quốc”?
Gần một tuần nay, em bán đồ trẻ em. Em nhập hàng Việt Nam và Thái Lan. Em có làm một chiếc biển là “Cam kết không bán hàng Trung Quốc” và em bày gian hàng ra trước cửa công ty em vào mỗi buổi chiều tối. Em bày ở vỉa hè bên trong hẻm. Em làm được một tuần rồi thì hai ngày nay người của phường đến dẹp và không cho bán nữa.
Lý do mà lực lượng chức năng của phường đưa ra khi tịch thu hàng của cô Trịnh Kim Tiến là “lấn chiếm lòng lề đường”. Tuy nhiên theo giải thích của cô Kim Tiến, phần vỉa hè phía bên hẻm của công ty là khu vực thuộc phạm vi sử dụng của chủ hộ. Cô nói:
Trên thực tế, công ty em có hai mặt tiền. Mặt tiền phía trước là dành cho người đi bộ, mặt tiền thứ hai là phía trong hẻm. Cái hẻm đó là vỉa hè nội bộ, nghĩa là người dân trong khu vực đó người ta bỏ tiền ra làm vỉa hè để bỏ đồ. Theo như việc kinh doanh ở trong các khu dân cư như thế này thì mỗi hộ kinh doanh có thể để ra được 1 mét tính từ nhà để để xe, thì trong khoảng 1 mét để xe đó bọn em không để xe mà bày ra để đồ và họ nói là lấn chiếm lòng lề đường, trong khi những quán ốc hay những người xung quanh bày ra vỉa hè rất nhiều
thì không có vấn đề gì cả.Em có làm một chiếc biển là “Cam kết không bán hàng Trung Quốc” và em bày gian hàng ra trước cửa công ty em vào mỗi buổi chiều tối. Em bày ở vỉa hè bên trong hẻm. Em làm được một tuần rồi thì hai ngày nay người của phường đến dẹp và không cho bán nữacô Trịnh Kim Tiến
Cô Trịnh Kim Tiến cũng cho biết từ khi mở quầy hàng với tấm biển “Cam kết không bán hàng Trung Quốc”, thường xuyên xuất hiện một số người theo dõi gian hàng của cô.
Sự việc xảy ra đối với cô Trịnh Kim Tiến khiến cho nhiều cư dân mạng bất bình, nhất là trong thời gian dư luận Việt Nam hiện đang sôi sục vì những hành động gây hấn mới đây của Trung Quốc.
Trước đây gần một tháng, blogger Ân Đỗ Nguyễn ở Sài Gòn cũng cho biết cô đã bị hai côn đồ đe dọa đòi đánh chết khi cô mặc chiếc áo có dòng chữ “Tẩy chay sản phẩm Trung Quốc” đi ra đường. Sự việc xảy ra đã khiến cô phải đặt câu hỏi: “Không biết mình đang sống trên đất nước Việt Nam hay Trung Quốc nữa?”.
Hành động tẩy chay sản phẩm Trung Quốc là một trong những hình thức phản đối Trung Quốc hiện đang lan rộng tại Việt Nam, đặc biệt là sau khi phong trào xuống đường biểu tình bị chính quyền đàn áp và kiểm soát chặt chẽ.
Blogger mẹ Nấm trong bài viết trên mạng vào ngày 10/10/2012 cho rằng việc tẩy chay hàng Trung Quốc thứ nhất nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của chính mình, thứ hai là để thể hiện thái độ của một công dân Việt Nam trước hành vi gây hấn, xâm lấn của người láng giềng phương Bắc. Cũng trong bài viết “Tẩy chay hàng Trung Quốc kém chất lượng, khó hay dễ?”, blogger này đã chỉ ra cách thức để người tiêu dùng có thể nhận biết hàng Trung Quốc trong trường hợp sản phẩm không ghi xuất xứ.
Trở lại với những sự việc xảy ra gần đây đối với những gương mặt được xem là tiêu biểu trong phong trào chống Trung Quốc gây hấn, nhiều người cho rằng cách thức mà chính quyền đàn áp, theo dõi hay gây khó dễ trong công việc cho những người yêu nước muốn bày tỏ chính kiến thì hoàn toàn chỉ mang lại bất lợi trong việc đối phó với Trung Quốc. Ngoài ra, nó cũng khiến cho nhiều người đặt câu hỏi về quan điểm thực sự của chính quyền trước thái độ lấn lướt của Trung Quốc. Chính vì những hành động đàn áp của chính quyền mà những người yêu nước phải liên tục sáng tạo ra những cách thức chống Trung Quốc khác nhau để tránh bị ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Một cách bày tỏ quan điểm của mình
Cô Trịnh Kim Tiến cho biết cô sẽ vẫn tiếp tục việc kinh doanh không bán hàng Trung Quốc vì đây cũng là cách cô bày tỏ quan điểm của mình.
em bán hàng đâu có gì là sai. Cái biển em để là “Cam kết không bán hàng Trung Quốc” là việc bình thường. Cái túi ny lông mà em sử dụng để cho khách hàng để hàng vào thì hai mặt có in chữ, một mặt là “Tẩy chay hàng Trung Quốc”, một mặt là “Người Việt dùng hàng Việt” thì cũng đâu có vi phạm pháp luậtCô Trịnh Kim Tiến
Em vẫn tiếp tục bày hàng ra bán tại vì em nghĩ là em bán hàng đâu có gì là sai. Cái biển em để là “Cam kết không bán hàng Trung Quốc” là việc hết sức bình thường. Cái túi ny lông mà em sử dụng để cho khách hàng để hàng vào thì hai mặt có in chữ, một mặt là “Tẩy chay hàng Trung Quốc”, một mặt là “Người Việt dùng hàng Việt” thì cũng đâu có vi phạm pháp luật.
Thật ra, việc tẩy chay hàng Trung Quốc thì đã có từ lâu mà cũng không phải do một mình em muốn, rất nhiều người cũng mong muốn (điều đó) và cái cách mà em tẩy chay hàng Trung Quốc lúc trước đơn thuần chỉ là việc em lựa chọn đồ cho mình làm sao để tránh không mua hàng Trung Quốc và không đem rác thải về nhà. Em muốn làm một việc gì đó có ích mà cũng góp phần vào việc tẩy chay hàng Trung Quốc, cho nên em đã đề ra một cái biển là “Cam kết không bán hàng Trung Quốc” để treo lên. Em muốn là nhiều người có thể nhìn được cái biển đó, biết được cái độc hại của Trung Quốc và cũng em hưởng ứng việc tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc, cùng nhau hướng về “người Việt dùng hàng Việt”.
Trên thực tế, hàng động tẩy chay hàng Trung Quốc đã xuất hiện từ trước, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới, do thông tin về các chất hóa học độc hại trong các sản phẩm của Trung Quốc liên tục được phát hiện và công bố khiến cho người tiêu dùng lo ngại và sợ hãi. Tuy nhiên, những hành động leo thang gây hấn trong vài năm gần đây của chính quyền Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền gần trọn khu vực Biển Đông càng khiến cho những người tiêu dùng yêu nước có thêm lý do để loại trừ sản phẩm của Trung Quốc.
Vào tháng 7 vừa qua, cộng đồng người Philippines tại Mỹ, đứng đầu là luật sư Loida Nicolas Lewis, đã vận động một chiến dịch rầm rộ kêu gọi người Phi tẩy chay hàng Trung Quốc. Để trả đũa cho hàng động này của bà Loida, truyền thông Trung Quốc sau đó đã kêu gọi công dân tẩy chay chuỗi 27 siêu thị tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, của một tập đoàn mà bà đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Theo dòng thời sự:
- Giảm lệ thuộc hàng hóa Trung Quốc quá khó
- Thị trường Việt Nam sẽ là “bãi phế thải” của Trung Quốc?
- VN không thể thoát gọng kìm TQ?
- Người dân Việt gian nan vì Trung Quốc
- “Sao không quản lý xuất nhập cảnh đối với Trung Quốc?”
- Trung Quốc đưa công nhân trái phép sang Việt Nam
- Nhà thầu Trung quốc bị phạt vì trồng cỏ lạ
- Việt Nam ngừng hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc
- Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế đến các quốc gia ĐNÁ
- Nhà thầu Trung Quốc bất chấp lệnh cấm thi công
- Làm ăn với Trung Quốc: Vụ Rio Tinto