THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 October 2012

Sài Thành mùa bì bõm: Nỗi lòng biết tỏ cùng ai!?


Chủ Nhật, 21/10/2012 08:38

(NLĐO) – Đến hẹn lại lên, khi những cơn bão, áp thấp nhiệt đới thay phiên nhau hoạt động ngoài biển Đông, khi nước lũ dâng lên ở miền Tây thì cũng là lúc TPHCM bước vào “mùa nước nổi”.

Vất vả mưu sinh giữa dòng nước. Ảnh chụp ngày 14-10 trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12

Sài Gòn đang đi mà chợt mát!

Có 2 nguyên nhân gây ngập ở TPHCM là mưa và triều cường. Từ hàng chục năm nay, 2 nguyên nhân này người dân thuộc nằm lòng đến mức đêm thấy mưa to thì cho giày vào túi, mang dép đi làm để phòng lội nước; chiều nghe có triều cường thì nấn ná ở cơ quan chờ nước rút. Nhưng vì cuộc sống, né tránh thế nào thì một sáng, một chiều nào đó cư dân TP cũng phải bì bõm lội. Cao điểm có lẽ từ đầu tháng 10 đến nay khi những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động liên tục ngoài biển Đông gây mưa lớn kết hợp với triều cường gây ngập trên diện rộng. Biết tỏ cùng ai nỗi khổ này, nhiều bạn đọc “khóc” cùng Người Lao Động.

Tôi muốn "chế" 2 cái phao gắn 2 bên xe (cái phao giống cái gối ôm, dài bằng chiều dài xe). Gắn thêm bộ phận bơm hơi mini, sử dụng bằng điện bình của xe. Cái van của phao tự đóng khi rút ống hơi bơm ra. Bình thường cái phao cất vào cốp xe. Khi đường ngập, lấy phao gắn vào 2 bên hông xe, gắn ống hơi vào phao, nổ máy xe, bật công tắc để máy bơm mini này bơm hơi vào phao. Sau đó chỉ việc đẩy xe qua chỗ ngập rồi xả hơi phao, cất vào cốp xe, tiếp tục hành trình về nhà. Tuy hơi bất tiện, nhưng khỏi bị bệnh tức. Tôi chỉ có ý tưởng thôi, có bác nào giúp tôi thiết kế không? (Cháu bác ba Phi)
 
Chiều nay lại mưa! Tôi chạy xe máy mà bị "sóng đánh" muốn ngã xe luôn, vậy là xe chết máy, chỉ còn cách dẫn bộ lội nước về nhà. Hu hu, sao mà nhớ "quê em mùa nước nổi" quá đi! (Kim Hường)

Sáng nay tui đi làm từ 6 giờ, quay ngược quay xuôi để tới nhiệm sở (ở quận 6) mà không làm sao tìm được đường tới trường. Kết quả mất 120.000 đồng tiền sửa xe (lau bu-gi và thay nhớt), chạy gần hết bình xăng 50.000 đồng và bỏ làm buổi sáng, rồi thế nào cũng bị bêu danh đây. Hu hu hu… (Anan)

Sáng nay đi từ KCN Tân Bình qua đường Kinh Dương Vương mà phải mất 2 giờ 30 phút. Cũng may là cái xe không bị chết máy trong làn nước đen ngòm, hôi thối. Không biết các vị lãnh đạo bên Trung tâm điều hành chống ngập nước TP  có phải ngâm trong nước như những người lao động nghèo hay không? (Bức Văn Xúc)

Mới làm về ngang qua Bàu Cát (quận Tân Bình), nước giăng lênh láng, xe xé nước như đi ca nô, người bì bõm như vịt lội đồng... Sài Gòn "chèm nhẹp" lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi! (Tào lao xích đế)

Chiều nay tôi cũng bì bõm ở đường Bến Phú Định (quận 8) đây. Thật là vất vả! (Đào Văn Điệp)
 
Nước mênh mông trên đường Hòa Bình, quận 11, sáng 26-9

Đoạn đường từ nhà tôi ở Tô Hiệu (Tân Phú) đến công ty ở Phú Nhuận thường ngày đi chỉ mất 30 phút, sáng nay phải mất 1 giờ 30 phút mà phải chạy vào con đường dọc bờ kênh Tân Hoá sình lầy chỉ đủ cho 1 chiếc xe chạy. Sống ở Sài Gòn này gần 20 năm tôi thấy cảnh nước ngập, kẹt xe càng ngày càng nghiêm trọng, không hiểu bao nhiêu tiền của bỏ ra chống ngập để được kết quả như thế này hay sao? Ai biết trả lời giùm đi? (Lam Ngọc)
 
 
 



Cụ già, học sinh khổ sở lội giữa dòng nước dơ bẩn do triều cường lên, chiều 17-10 ở đường Bến Phú Định (quận 8)
và Hồ Ngọc Lãm (Bình Tân)

Không chỉ chuyện tiền của, dự án chống ngập cũng làm người dân khổ sở trăm bề nhưng kết quả thì chẳng đến đâu làm người người bức xúc.
 
Bạn Lam Phuc Hoanh than: Hơn 10 năm qua có thể nói hầu hết các tuyến đường trong TPHCM đều bị đào xới, dựng lô cốt.... để phục vụ cho việc cải tạo các công trình ngầm trong đó có hạng mục chống ngập. Kẹt xe, khói bụi trễ nãi giờ làm việc, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, chúng tôi đã chịu hết và chỉ mong thế hệ mai sau không phải sống trong môi trường hiện tại. Nhưng rốt cuộc kết quả thì như thế nào ai cũng đều biết.

Cùng suy nghĩ trên, bạn đọc Khánh Ngọc đặt nhiều câu hỏi: Tưởng thời gian qua thi công đào cống để chống ngập để người dân bớt khổ, ai dè càng chống càng ngập và ngập nhiều hơn. Nước ngập dữ dội xém chút là tôi bị té chết vì sập phải ổ gà, nỗi khổ này tui biết phải đi kiện ai? Đóng thuế đầy đủ sao nhà nước không cho chúng tôi có được một con đường láng để đi?
 
Người dân đi sơ tán do triều cường gây vỡ bờ kè ở Bình Thạnh, chiều 17-10

Không có lời giải đáp thỏa đáng nào cho những câu hỏi trên. Thậm chí, lời khẳng định đến năm 2014, TPHCM cơ bản sẽ hết ngập của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cũng không làm bạn đọc tin tưởng. Bỡi lẽ, theo nhiều bạn đọc, căn nguyên của tình trạng ngập lụt ở TPHCM không phải do mưa hay triều cường mà là do quy hoạch đô thị thiếu bền vững.

Bạn đọc Hai Cali dẫn chứng: Những năm đầu thập niên 60, phía sau chợ Kim Biên còn có bến sông nhộn nhịp ghe thuyền. Vậy mà bây giờ không còn nữa. Chưa kể các bến sông vùng Chợ Lớn lần lượt ra đi... Như vậy, ngập nước là hệ quả tất yếu của sự thu hẹp dòng chảy.

Tỏ ra khá bi quan, bạn Lương Văn Anh nhận định: Do việc phát triển thành phố không theo định hướng và quy hoạch một cách khoa học, nhất là việc phát triển đô thị ồ ạt ở khu vực hạ lưu như huyện Nhà Bè, quận 7 không tính đến lợi ích chung của thành phố nên giờ này nói đến chuyện chống ngập là chuyện không tưởng.

Cũng như vậy, bạn Năm Xà Ben dự đoán: Với tình hình ngập lụt do triều cường hiện nay chẳng bao lâu thành phố chúng ta chẳng khác gì Venice bên Ý. Nếu có khác chỉ là không có thuyền gondola với các anh chèo thuyền hát nghêu ngao, thay vào đó là tiếng kêu trời, trách đất của người tham gia giao thông khi xe bị chết máy trong cái dòng nước cống nồng nặc.
 
Ngập nước, kẹt xe kinh hoàng trên đường Kinh Dương Vương, quận 6, sáng 1-10

Hãy giúp dân sống chung với... ngập!

Nói mãi, chống mãi ngập vẫn hoàn ngập, vì vậy, nhiều bạn đọc đề nghị mọi người chấp nhận tình thế và quan trọng nhất là nhà nước phải tìm cách giúp người dân sống chung với ngập hiệu quả nhất.

Xin nhắc nhở quý bạn đọc, đặc biệt là chị em phụ nữ. Khi đi xe máy bị ngập nước chết máy, không phải lau chùi bugi 10.000 đồng chạy được là xong. Ngay sau đó các bạn cần đến trung tâm bảo hành kiểm tra lại máy xe xem có bị vô nước hay không? Nếu máy bị vô nước mà không kiểm tra, làm sạch thì xe sẽ bị lột dên. (Ho Chi Thanh)

Bạn Hải An so sánh: Ở TPHCM khác Hà Nội. Tôi thấy mỗi lần Hà Nội ngập thì rất nhiều nhân viên công ty cấp thoát nước cùng các lực lượng trật tự xuống "sông" hướng dẫn, cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường, dùng xe kéo vận chuyển xe cộ cho người dân. Đợt này đường ở TPHCM thành sông nhưng sao không thấy ai giúp dân nhỉ?

Đồng quan điểm, bạn đọc Thế Dũng cho rằng, thời gian qua hình như nhà nước chưa thật sự chuẩn bị phương án để đối phó với triều cường, đợi triều lên rồi mới tùy cơ ứng biến. Bạn đọc này đề nghị, bên cạnh việc thông báo trên các phương tiện truyền thông, các ngành chức năng nên đặt biển báo ở những chỗ nguy hiểm trên các tuyến đường bị ngập, bật đèn đường sớm hơn, thêm đèn chiếu sáng…
 
Nhân viên thoát nước đô thi đang giúp đỡ các phương tiện xe chết máy thoát ra khỏi cảnh bế tắc, sáng 1-10 trên đường Kinh Dương Vương

Không chỉ khổ sở vì lội nước, người dân TP còn đối mặt với nạn chặt chém của những thợ sửa xe “đục nước béo cò” khi phải lau bu-gi với giá cắt cổ.

Vì vậy, bạn Thế Dũng đề nghị: Thôi nhà nước đừng lo chống ngập nữa mà hãy tổ chức các tổ dịch vụ lau chùi bu-gi, đẩy xe miễn phí cho người dân ở các đoạn đường bị ngập để người dân bớt khổ.

Trong khi đó, một bạn đọc khác thì đề nghị Thành Đoàn TPHCM thành lập lực lượng xung kích để hỗ trợ cho những người dân khỏi bị chặt chém khi xe ngập nước chết máy tại các điểm ngập thường xuyên, lấy phí rẻ, tạo nên nguồn quỹ sinh hoạt đoàn...
 
NLĐO