Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-10-20
Ngừng tích nước lâu dài để tiếp tục nghiên cứu tình hình động đất, tập huấn kịch bản vỡ đập để giảm nhẹ thiệt hại. Phải chăng Nhà nước đã lắng nghe những ý kiến phản biện của giới khoa học.
Đặt thiết bị đo động đất
Một trong ba thiết bị đo đạc động đất do Viện Vật lý Địa cầu lắp đặt ở khu vực Sông Tranh 2 đã hoàn tất hôm 19/10/2012. Trong khi đó 500 cán bộ các cấp của tỉnh Quảng Nam đã dự họp ở Tam Kỳ ngày 18/10 để nghe PGSTS Cao Đình Triều thuộc Viện Vật lý Địa cầu truyền đạt kiến thức về động đất và cách phòng tránh, ứng phó khi có động đất xảy ra.
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND Huyện Bắc Trà My xác nhận với chúng tôi về việc lắp đặt thiết bị đo đạc động đất theo ý kiến của chính quyền cũng như giới khoa học quan tâm:
Đấy là những máy ghi động đất, máy đặt ở trung tâm là máy dải rộng có khả năng ghi nhận toàn bộ động đất từ nhỏ tới lớn và ghi liên tục.TS Lê Huy Minh
“Đã thực hiện một trạm tại Huyện rồi, ngày 19 hôm ni bàn giao, còn lại tiếp tục xây dựng trong thời gian ngắn sắp tới.”
Trả lời chúng tôi vào tối 19/10, TS Lê Huy Minh phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết thêm chi tiết về các thiết bị đo đạc hết sức cần thiết. Ông nói:
“Đấy là những máy ghi động đất, máy đặt ở trung tâm là máy dải rộng có khả năng ghi nhận toàn bộ động đất từ nhỏ tới lớn và ghi liên tục. Máy này dự kiến nối mạng về Viện Vật lý Địa cầu, từ nay đến cuối tháng hy vọng làm xong thủ tục đặt trạm kéo được đường dây mạng và gửi dữ liệu trực tiếp về Viện Vật lý Địa cầu. Còn hai trạm kia thì ở hơi xa để gởi được số liệu về Viện thì sẽ phải mất một thời gian nữa.
Những máy khác rất nhiều với máy đo gia tốc ở đập thủy điện, đây là máy ghi động đất, còn máy trên đập thủy điện nó chỉ ghi gia tốc rung động thôi, gia tốc giao động phải đến mức nào đó thì nó mới ghi. Còn máy ghi động đất thì nó ghi được hết mọi động đất lớn bé, ghi được hết.”
Nhà nước lắng nghe
Điểm đáng chú ý, PGSTS Cao Đình Triều cũng là chuyên gia thuộc Viện Vật lý Địa Cầu nhưng ông thực hiện nghiên cứu này với tư cách cá nhân. Những nghiên cứu độc lập của nhóm Cao Đình Triều có thể tóm tắt là động đất ở khu vực Sông Tranh 2 có thể cao hơn ngưỡng thiết kế chịu đựng là 5.5 độ Richter, đập thủy điện có thể bị vỡ và phải tính đến trường hợp xấu nhất khi vỡ đập và thiết lập kịch bản sơ tán người dân trong vùng. Nhóm Cao Đình Triều cũng đề nghị khẩn cấp lắp đặt trạm quan trắc động đất trong khu vực Sông Tranh 2 và lân cận, cũng nghiên cứu tiếp tục một cách sâu rộng và mời các chuyên gia quốc tế tham gia.
GSTS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học nghiệm thu nghiên cứu đánh giá động đất Sông Tranh 2 của nhóm PGSTS Cao Đình Triều vừa qua, tỏ ra lạc quan về việc phản biện độc lập đã được lắng nghe. GS Hồng cho biết, phản biện gây được tiếng vang lớn và cũng có những ý kiến bình luận 2 chiều. Một phía từ các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thì người ta ủng hộ. Nhưng phía các đơn vị liên quan tới thiết kế thì người ta cũng có những ý kiến. Theo lời GS Hồng, hai bên có gặp nhau và tranh luận. GSTS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh:
Tôi được biết có dự kiến mời Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đóng góp ý kiến cho Quốc hội khi bàn tới vấn đề thủy điện Sông Tranh 2 sắp tới.GSTS Vũ Trọng Hồng
“Dù sao báo cáo này đã giúp cho Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam báo cáo với các bộ hữu quan để đề nghị việc dừng tích nước và điều này tôi được biết là chính phủ cũng đã hạ lệnh tạm dừng trong một năm để xem xét.
Tôi cho đấy là tiếng vang tốt, nhưng còn hiện nay tình hình như thế nào thì đặc điểm vùng này với điều kiện đới đứt gãy đang hoạt động thì cứ tích nước nó lại có hiện tượng động đất.
Tôi được biết mới đây lại có hiện tượng động đất nhưng không lớn như trước. Hiện nay vấn đề Thủy điện Sông Tranh 2 đang được nhà nước xem xét và theo tôi biết Quốc hội cũng sẽ đề cập tới vấn đề này.”
GSTS Vũ Trọng Hồng nói với chúng tôi là những nghiên cứu phản biện độc lập là điều không thể thiếu đối với những công trình quan trọng. Đáp câu hỏi đánh giá thế nào về phản ứng và sự lắng nghe của chính phủ, GSTS Vũ Trọng Hồng phát biểu:
“Đối với Thủy điện Sông Tranh 2, nhà nước cũng đã nghe ý kiến các nhà khoa học trong đó có những nhà khoa học độc lập, bởi vì báo cáo của PGSTS Cao Đình Triều là phản biện độc lập không lệ thuộc, không xin kinh phí cơ quan tài trợ.
Tôi cho đây là việc đáng mừng vì Nhà nước cũng rất quan tâm những vấn đề người dân bức xúc. Tôi được biết có dự kiến mời Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đóng góp ý kiến cho Quốc hội khi bàn tới vấn đề thủy điện Sông Tranh 2 sắp tới.”
Tập huấn kịch bản vỡ đập
“Thực ra phải nói rằng động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 là chuyện tương đối bất ngờ đối với cả khoa học cũng như quản lý nhà nước ở Việt Nam, phải nói thẳng là như thế. Nếu chả ai lường trước là động đất kích thích xảy ra ở đấy thì cũng không có chuẩn bị gì, thí dụ đặt máy móc ghi ở đấy là không có và bây giờ bắt đầu lắp đặt. Nói thật là cũng bị lúng túng về chuyện nghiên cứu động đất ở đấy và bây giờ thấy rằng tình hình cũng hơi phức tạp ở khu vực ấy thì buộc phải nghiên cứu một cách rất cẩn thận.
Còn việc chuẩn bị những kịch bản xấu nhất chúng tôi nghĩ đấy là những việc làm tốt, quản lý nhà nước hay nhà khoa học đều phải làm sao bảo đảm an toàn cho nhân dân ở đấy một cách tuyệt đối thì đấy là điều chính phủ Việt Nam cũng như các nhà quản lý luôn luôn tính tới.”
Công trình thủy điện Sông Tranh 2 ở Bắc Trà My trị giá hơn 5.000 tỷ đồng công suất 190MW. Đập thủy điện được thiết kế trên cao độ 100 mét so với hạ lưu với hồ chứa dung tích 730 triệu mét khối nước. Hàng trăm vụ động đất lớn nhỏ đã xảy ra ở Bắc Trà My sau khi đập bắt đầu tích nước từ cuối năm 2010. Động đất liên tục làm cho người dân hoảng sợ và chính quyền bối rối.