THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 May 2012

Mì Gấu Đỏ, Gấu Yêu và sự gian dối?



23/05/2012 22:15:42
Khi clip quảng cáo Mỳ Gấu đỏ - Kết nối yêu thương gây tranh cãi trong cộng đồng về việc kiếm lợi bằng cách đánh vào lòng trắc ẩn của người tiêu dùng chưa nguôi thì Công ty CP Thực phẩm Á Châu lại tung ra thị trường sản phẩm mới - Mì ăn liền Gấu Yêu, được quảng cáo là “3 không”: không sử dụng phẩm màu, chất bảo quản và chất điều vị... Nhưng đằng sau những công bố này là gì?
Đối với các sản phẩm, dù là hình thức marketing hay quảng cáo cũng cần phải xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với thương hiệu (ảnh minh họa)
Đối với các sản phẩm, dù là hình thức marketing hay quảng cáo cũng cần phải xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với thương hiệu (ảnh minh họa)
Từ sự thật “3 không”…

Trên bao bì sản phẩm mì Gấu Yêu của Công ty CP Thực phẩm Á Châu có thể dễ dàng bắt gặp dòng chữ được in nổi bật: “Không sử dụng chất bảo quản - Không sử dụng phẩm màu - Không sử dụng chất điều vị (tạo ngọt)” cùng với việc nhấn mạnh đây là sản phẩm mì “dành cho trẻ em”. Tuy nhiên, nhiều điều tréo ngoe đã bắt đầu từ đây.

Tuy quảng cáo là không sử dụng chất bảo quản, nhưng ngay trên chính bao bì sản phẩm có thể quan sát thấy sự hiện diện của 2 thành phần muối phosphate (451i, 452i). Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội, chất 451i có tên khoa học là Pentasodium triphosphate, thường được sử dụng như chất bảo quản trong hải sản, thịt, gia cầm, thức ăn chăn nuôi... Còn 452i là Sodium polyphosphate còn được dùng để thay thế hàn the trong sản xuất thực phẩm.

Theo Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm thì 2 chất này cũng được ghi rõ là cũng có chức năng bảo quản, điều vị, ổn định thực phẩm. Vậy phải chăng sản phẩm mì ăn liền Gấu Yêu cố tình sử dụng những phụ gia thực phẩm có công dụng tương tự để lập lờ về thành phần của sản phẩm?

Người tiêu dùng chắc hẳn chưa quên vụ việc xảy ra cách đây chưa lâu với một sản phẩm mì gói quảng cáo “Không chứa phẩm màu độc hại E102”. Sau đó, chiêu bài PR này đã bị lật tẩy khi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế lên tiếng rằng đây là một phụ gia thực phẩm an toàn đã được cho phép sử dụng tại Việt Nam. Giờ đây, dường như Gấu Yêu lại đang lặp lại “chiêu” này?
Sản phẩm mì Gấu Yêu.
Sản phẩm mì Gấu Yêu.
Điều đáng nói hơn nữa, tuy mì Gấu Yêu công bố là không sử dụng chất điều vị nhưng theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng phân tích mẫu gia vị trong gói mì này thì hàm lượng 2 chất Disodium Inosinate và Disodium Guanylate là 8,38g/1kg và hàm lượng bột ngọt (monosodium glutamate) là 0,49%.

Theo tài liệu Sinh hóa ứng dụng của PGS.TS. Đồng Thị Thanh Thu - Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) thì 2 chất điều vị Disodium Guanylate và Disodium Inosinate cùng với bột ngọt sẽ tạo ra một chất có vị ngọt gấp nhiều lần so với bột ngọt thông thường, hay còn gọi là siêu bột ngọt.

Đây là những phụ gia thực phẩm thuộc nhóm chất điều vị trong danh mục những phụ gia thực phẩm được phép sử dụng của Bộ Y tế. Vậy cớ sao mì Gấu Yêu phải lấp liếm về thành phần này trong sản phẩm bằng việc công bố không sử dụng chất điều vị?

Bên cạnh sự thật “3 không” được phơi bày, một điều tréo ngoe khác là có vẻ như chính Công ty CP Thực phẩm Á Châu đang đưa mình vào tình huống “gậy ông đập lưng ông”. Có trong tay những sản phẩm mì ăn liền khác của Á Châu đang bán rộng rãi trên thị trường như Hello Tôm chua cay, Gấu Đỏ Tôm chua cay, Gấu Đỏ Tôm và Gà sa tế hành, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi 3 nhóm chất được cho rằng không có mặt trong Gấu Yêu đều có mặt trong những sản phẩm này; ví dụ muối phosphate (chất bảo quản); annatto, tartrazine (phẩm màu tổng hợp); 621, 627, 631 (chất điều vị),...

... Đến những chiêu bài “vì trẻ em”

Chưa dừng lại ở đây, để tăng thêm sức mạnh và lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của mình, công ty đã sử dụng nhiều chiêu PR có thể nói là không lành mạnh với sự phát triển của thị trường mì ăn liền tại Việt Nam.

Theo bao bì sản phẩm được công bố, mì Gấu Yêu chỉ được phép ghi là “Không sử dụng chất bảo quản - Không sử dụng phẩm màu - Không sử dụng chất điều vị (tạo ngọt)”, nghĩa là không nhằm ám chỉ một chất phụ gia thực phẩm cụ thể nào đã được cho phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm trong giới hạn cho phép.
 
Tuy nhiên, nhằm tăng sức nặng cho thông điệp quảng cáo đến người tiêu dùng, trong những tờ rơi quảng cáo sản phẩm mì Gấu Yêu, công ty lại ghi rõ “Không sử dụng chất điều vị (tạo ngọt) = bột ngọt = mì chính”, trong khi chất điều vị gồm có rất nhiều chất  khác nhau nữa như inosinate, guanylate,...
 Kết quả phân tích mì Gấu Yêu.
Kết quả phân tích mì Gấu Yêu.
Kế đó, công ty cũng khởi sự một chiến dịch PR trên một loạt các trang báo lớn, kể cả ấn bản báo giấy và báo điện tử nhằm đả kích các sản phẩm có chứa 3 nhóm chất phụ gia phẩm màu, chất bảo quản, chất điều vị và mì chính.
 
Núp bóng dưới các bài viết với nội dung Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm dành riêng cho trẻ, Những phụ gia hại sức khỏe trẻ nhỏ hay Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh trong thực phẩm dành cho bé, nội dung chính của những bài PR này là đưa những thông tin tiêu cực về 3 nhóm chất bảo quản, phẩm màu và chất điều vị tới sức khỏe của trẻ nhỏ.
 
Phần quan trọng nhất trong những bài viết này là “lời khuyên”: Những bà mẹ nên chủ động lựa chọn các loại thực phẩm không chứa các chất phụ gia như không phẩm màu, không chất điều vị và không chất bảo quản.

Hẳn Công ty Á Châu không biết rằng những chiêu bài PR như thế này chỉ có thể đánh lừa người tiêu dùng, chứ không thể qua mặt được những chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm.
 
Và sẽ phải trả lời thế nào nếu “trẻ em” biết một số “người lớn” đang lừa dối mình để hưởng lợi?