01/04/2012 17:22:55 (Kienthuc.net.vn) - Theo một số chuyên gia, trước tình trạng dị thường của thời tiết, nhất là diễn biến khó lường của cơn bão số 1, cần phải xả hết nước của đập thủy điện Sông Tranh 2 để đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du.
Treo cái chết trên đầu cả vạn người GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, việc rút nước hồ trong thời điểm này có thể đảm bảo sự an toàn của đập cũng như tính mạng của hàng vạn người vùng hạ du. Tuy nhiên việc xử lý sự cố nứt đập một cách hiệu quả nhất, tốt nhất, chắc chắn nhất vẫn là phải giải quyết khâu chống thấm phía thượng lưu. Nếu chọn giải pháp xả lũ thì việc phải quan tâm là sự xuất hiện sớm của mùa mưa và những tác động của cơn bão số 1 đang đến. TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ & Quản lý TP HCM cho rằng, khi nhà thầu chưa thể trả lời chắc chắn về sự an toàn của sự cố thì buộc phải tiến hành xả hết nước ở hồ chứa để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân: "Với một dòng chảy 30 lít/giây thì không thể gọi là thấm mà phải gọi là nứt đập. Rồi họ bảo trận động đất kích thích vừa qua, đập vẫn yên ổn. Vậy họ còn trận động đất sắp tới nếu có thì sẽ thế nào? Trước đây, đập nước giống như một người lành lặn. Giờ nó đã là một "người què" thì liệu nó sẽ chịu đựng được động đất cấp mấy? Liệu khi động đất cấp 5 nó có vỡ không? Nhà thầu có thể khẳng định được không?". "Phải xả lũ ngay chứ không thể treo cái chết trên đầu cả vạn người. Việc xả nước sẽ nhanh nếu mở các cửa đập chính", TS Nguyễn Bách Phúc khẳng định. Nhà thầu đang xử lý không đúng kỹ thuật Việc trám các vết nứt phía hạ du của nhà thầu gần như không có tác dụng gì. Ngay cả cách xử lý của đại diện nhà thầu cũng không có cơ sở khoa học. Ông Giang dẫn giải: nhà thầu bảo do lúc thi công không làm đường ống dẫn nước từ đường hầm ra hạ du, giờ phải đục đường ống ngầm để nước thoát xuống hạ du. Cách làm này không giúp giảm lượng nước thấm mà chỉ khiến đường nước chảy được thông hơn. Nó cũng không giúp xử lý được thân đập vì những chỗ bê tông của đập bị nước thấm vẫn không giải quyết được sẽ là tác hại lớn. Đôi khi, nước được thông thì nó lại chảy càng mạnh hơn. Giải pháp chống thấm ở thân đập có thể làm khô hoặc làm ướt. Cách làm khô là có thể dán màng chống thấm, phụ vữa gia cố lớp bê tông bị nứt. Làm ướt là lặn xuống nước để dán màng chống thấm. Để làm khô thì phải rút hết nước ở hồ chứa. Cách làm này rất mất thời gian. Với dung lượng lớn đến 730 triệu mét khối thì chưa biết là bao nhiêu ngày sẽ xả. Phải xem cụ thể có bao nhiêu cửa xả sâu, lưu lượng chạy qua máy phát điện như thế nào. Khi rút hết nước như thế thì sẽ không vận hành thủy điện nữa. "Trong thời điểm mưa bão diễn biến phức tạp thế này thì tôi nghĩ nên sử dụng phương pháp khắc phục ướt", GS.TSKH Nguyễn Hồng Giang khẳng định. Phải mời chuyên gia nước ngoài "Hiện, công nghệ xử lý vết nứt này thuộc về các nhà khoa học Thụy Sỹ. Họ có máy móc, nhân lực và đã có kinh nghiệm nhiều chục năm rồi. Nếu chúng ta làm thì buộc phải mời họ chứ công nghệ trong nước hiện nay chưa làm được", GS.TSKH Phạm Hồng Giang cho biết. Cũng theo ông Giang, ở các đập thủy điện thông thường, người ta phải đặt thiết bị đo độ cao của dòng thấm. Nếu không may xảy ra sự cố thấm là sẽ biết ngay phạm vi cũng như đường thấm, lưu lượng thấm. Bất cứ khi nào có áp lực nước tác động là chiếc máy này hoạt động. "Tuy nhiên ở Sông Tranh 2 có được trang bị hay không thì tôi không rõ lắm". Việc tìm ra vết nứt trên bề mặt hay trong thân đập không khó. Với thân đập thì có thể dùng máy dò siêu âm, nó có thể vẽ được cả các vết nứt chi tiết và đánh giá được. Còn trong thân đập thì có thể dò theo dòng thấm của các khe để xác định chính xác.
Tô Hội |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog