THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 April 2012

Tiền dưỡng liêm, đồng xu bị rơi và nội quy bệnh viện


01/04/2012 14:20:01
(Kienthuc.net.vn) - Việc Đà Nẵng chủ trương chi 5 triệu đồng/tháng/người cho cảnh sát giao thông để "dưỡng liêm" (thà cứ gọi là phụ cấp trách nhiệm như một số ngành đã làm còn hơn) khiến tôi nghĩ tới một câu chuyện.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Có cậu bé đánh rơi một đồng tiền trong rạp chiếu phim. Tìm mãi không thấy, cậu ngồi khóc. Người đàn ông bên cạnh thấy vậy liền cho cậu 1 đồng. Cậu bé không nín mà còn khóc to hơn. Người đàn ông ngạc nhiên hỏi lý do thì cậu bé nói, nếu không đánh mất thì giờ cháu đã có được 2 đồng. Chao ôi là cái lòng tham!

Một người không có lòng tham thì không có 5 triệu đồng đó chắc họ cũng không nhận phong bì. Còn một người đã tham thì nhận 5 triệu đồng đó họ lại muốn 5 triệu đồng nữa. Còn việc xử lý nghiêm, sẽ tước quân tịch, nếu làm được thì tốt quá. Nhưng vấn đề là liệu có làm được thật không.

Có lần tôi vào một bệnh viện thăm người nhà. Ở cánh cửa ra vào người ta dán bản nội quy ghi 10 điều bác sĩ, y tá phải thực hiện. Nào là không được gắt gỏng với bệnh nhân, không được nhận phong bì... Điều đáng nói là bản nội quy đó dành cho cán bộ của bệnh viện nhưng lại được dán phía ngoài cửa. Khi cửa đóng lại người nhà bệnh nhân được đọc rất rõ, còn bác sĩ không đọc được từ phía trong. Và phía ngoài cửa, khi xếp hàng chờ đến giờ vào thăm bệnh nhân, ai cũng chuẩn bị sẵn phong bì. Vậy nội quy đó để làm gì? Để người ta đọc cho vui lúc đứng xếp hàng chờ vào thăm?

Mà chuyện này thật đáng buồn là không phải cá biệt. Ngành nào, nghề nào cũng có những nội quy, những tiêu chuẩn, những quy định, những lời thề... rất hay. Nếu làm được đúng những điều đó thì dân sung sướng quá, chả cần được tăng lương vẫn sướng. Vì bác sĩ, thầy cô thì như mẹ hiền, cán bộ là công bộc của dân, cảnh sát như bạn dân... Vậy mà sao thực tế lại khác xa đến thế. "Mẹ hiền" thì đủ cách hành bệnh nhân, học sinh; "Công bộc" thì quát dân, "bạn" thì vòi tiền trắng trợn...

Thế nên sợ nhất là bệnh nói một đằng làm một nẻo.   
Minh Anh]