THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

02 March 2012

Người Hà Nội ăn trong màn vì muỗi


Hơn 6h tối, bà Phương (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) đóng cửa, thả mành rồi cho cháu ăn cơm. Mới bón được 2 thìa, bà đã vỗ vào chân đen đét. Với tay lên chạn tủ, bà cầm cái vợt điện phẩy lia lịa. Chiếc vợt lóe sáng liên tiếp, khét lẹt. Nền nhà đen xác muỗi.

"Đóng cửa, bật quạt rồi vợt mỏi cả tay mà muỗi vẫn nhiều quá. Mỗi lần vợt đến cả bát muỗi nhưng được một lúc chúng lại kéo vào. Tôi cứ lơ một tẹo là khuôn mặt đứa cháu tấy đỏ vì muỗi cắn. Nhiều hôm bà cháu tôi ăn cơm, xem vô tuyến trong màn", bà Phương (63 tuổi, ở tổ 31, cụm 5) cho biết.

Hai con chị Hậu (tổ 31, cụm 5, Tứ Liên) phải chui vào màn ăn trưa hôm 1/3 vì quá nhiều muỗi. Ảnh: Lê Tùng.

Không chỉ gia đình bà Phương (63 tuổi, ở tổ 31, cụm 5) mà hầu hết người dân ở Tứ Liên đều đang sống trong cảnh ruồi, muỗi đặc kín nhà, không khí nặng mùi hôi thối và nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm.

Clip cuộc sống người dân Tứ Liên khổ vì muỗi

Đầu đầm Tứ Liên, mặc dù đã có biển cấm nhưng rác chất cao cả mét. Sau mỗi nhà dân là một đống rác trườn hết xuống đầm. Cứ cách vài mét là có một ống xả nước thải trực tiếp ra đầm. Đoạn gần chợ Tứ Liên, cái đầm biến thành dòng sông ngập rác, nước đen đặc. Hai bên bờ, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm vừa để ngăn muỗi, vừa để tránh mùi hôi xộc vào.

Ông Nguyễn Xuân Lan (72 tuổi) cho biết: "Đáng lý ra, cống dẫn nước thải từ các khu vực Nhật Tân, Quảng Bá chảy qua Tứ Liên, Yên Phụ và sẽ đổ ra sông Hồng. Nhưng do cống chỉ xây đến đầu đầm Tứ Liên thì dừng lại, đoạn Yên Phụ lại tắc nghẽn, còn người dân đổ rác vô tội vạ làm cho đầm trở thành một ao tù đầy rác".

Đầm Tứ Liên dài 2 km chảy qua cụm 1 và cụm 5, Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) bị ô nhiễm trầm trọng, trở thành ổ ruồi muỗi khổng lồ. Cái đầm tù đọng đang ngày một thu hẹp do nước thải, rác từ khu dân cư xung quanh xả xuống. Ảnh: Phan Dương.

Tình trạng muỗi bám thành từng mảng trên trần nhà không còn xa lạ trong các gia đình ở gần đầm Tứ Liên. Đang trong mùa đông nhưng đâu đâu người dân cũng phải khiếp sợ vì muỗi.

Ông Nguyễn Ngọc Hà (53 tuổi, Tứ Liên) nói: "Mới về đây một năm, tôi mua đến 4 cái vợt muỗi mà không lại với lũ hút máu này. Cả ngày phải đóng kín cửa. Buổi tối mở cho thoáng nhà nhưng cũng phải che rèm. Tôi đang đặt mua lưới thép về chăng quanh cửa sổ ngăn ruồi, muỗi chứ mùa hè mà phải đóng cửa thì cũng chết".

Cạnh bờ kênh, nhà có 4 đứa trẻ, ông Hà Văn Chinh (58 tuổi) chỉ còn biết nhốt các cháu trong phòng. Ông cũng dùng lưới thép, xốp và rèm che những lỗ thông lại.

"Mọi năm cũng có muỗi nhưng không nhiều như năm nay. Tháng trước tôi vừa nhờ người đến phun nhưng do không phun đồng loạt nên đâu lại vào đấy". Để chứng minh, ông Chinh đập tay vào chiếc áo móc trên tường, hàng nghìn con muỗi bay xối xả vào mặt.

Dù đã đóng kín cửa và che rèm nhưng mỗi ngày ông Hà (Tứ Liên) vẫn phải vợt muỗi ở phòng khách hơn chục lần. Ảnh: Phan Dương.

Ngoài việc dùng vợt, mua thuốc phun muỗi, hầu hết hộ gia đình ở đây đều thiết kế cửa nhà, cửa cổng bằng kính, tất cả cửa đều có rèm che và luôn đóng kín mít chỉ với mục đích ngăn muỗi. Rất nhiều nhà đã tính đến nước mua lưới thép chắn côn trùng để ngăn muỗi vào nhà.

Vừa sống trong ô nhiễm mùi, ruồi muỗi, người dân còn lo sợ về nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. "Nước máy ở đây ít lắm. Cả ngày mới chảy được một chậu. Chúng tôi dùng nước giếng khoan là chính nhưng cũng bất an vì đầm ô nhiễm thế cơ mà", ông Chinh nói thêm.

Ông Bùi Chân - Tổ trưởng tổ 31, cụm 5, Tứ Liên nói: "Mấy trăm hộ dân ở cụm 1 và cụm 5 đang ngày ngày phải gánh chịu ô nhiễm từ cái đầm này. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên nhưng chưa thấy giải quyết triệt để".

Cũng theo ông, trong dịp 1.000 năm Thăng Long, thành phố đã tiến hành vớt rác nhưng chỉ làm tình trạng trầm trọng thêm. "Vớt rác nhưng không khơi thông dòng chảy thì chỉ làm cho nước tù đọng bốc lên hôi thối", ông Chân nói.

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng ô nhiễm này là do người dân hai bên bờ xả rác và nước thải sinh hoạt ra con kênh một cách vô tội vạ. "Người ta đổ như vậy được lợi hai cái. Một là không phải đi đổ rác xa. Hai là đổ đến đâu, lấn được đất đến đó", một người dân nói.

Phan Dương