TP - Cải tạo hơn 5.000 m2 đất trong gần 30 năm, nhưng khi thu hồi ông Lê Hồng Ngọc chỉ được bồi thường hơn 2 triệu đồng! Con trai ông được yêu cầu tạm nghỉ việc để về quê "vận động" bố chấp hành lệnh thu hồi...
|
Khu ruộng của ông Ngọc đã bị thu hồi làm đường. Ảnh: Minh Lê. |
Theo đơn khiếu nại, ông Lê Hồng Ngọc (trú tại thôn Lão Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) thấy đất trũng, nhiều người chê không cày cấy, từ năm 1982, gia đình ông đứng ra đắp bờ phân vùng, cải tạo đất.
Gần 30 năm trôi qua, khu đất trũng nhiều thùng vũng đã biến thành những thửa ruộng màu mỡ, cho năng suất cao. Trong xác nhận năm 2009, Chủ tịch xã Tiên Tân khi đó là ông Phạm Nguyên Quyền khẳng định, ông Ngọc nhận khoán đất từ năm 1982.
"Trước năm 1982 ruộng này khó làm, thùng vũng nhiều do máy cày lớn đào khoét sâu, không bằng phẳng, gia đình hàng vụ phải san lấp mặt bằng để canh tác, cấy trồng. Đề nghị Hội đồng GPMB của huyện xem xét giải quyết", ông Quyền kiến nghị.
Ông Ngọc chỉ được hỗ trợ vỏn vẹn 2,29 triệu đồng tương ứng với công đắp bờ cho khu ruộng, ông Ngọc đã liên tục khiếu nại trong suốt hai năm 2010 và 2011.
Ngày 2-10-2010 khi đoàn công tác với cả chục cán bộ chiến sỹ công an đến "bảo vệ thi công" cho tuyến đường chạy qua khu ruộng bị thu hồi nhà ông Ngọc thì ngay trước đó, anh Lê Hồng Yên là con trai cả ông Ngọc đang làm việc tại Cty Khai thác Công trình Thuỷ lợi huyện Duy Tiên đã bị Giám đốc mời lên phòng Tổ chức cán bộ đưa văn bản của huyện yêu cầu anh Yên tạm nghỉ việc để về "vận động" bố mình chấp hành lệnh thu hồi đất của huyện!
"Đúng là xã có thiếu sót không ký hợp đồng khoán thầu với hộ ông Ngọc nên chúng tôi phải đi giải quyết hậu quả. Huyện đang chỉ đạo rà soát lại toàn diện về quản lý đất đai vì còn nhiều bất cập"- Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên Phạm Hồng Thanh. |
Anh Yên đã rời cơ quan về nhà nghỉ một tuần cho đến khi việc thu hồi đất của ông Ngọc hoàn tất thì trở lại cơ quan làm việc.
Ông Vũ Trí Thức – Giám đốc Cty Thuỷ lợi Duy Tiên thừa nhận đã yêu cầu anh Yên "tạm nghỉ ít ngày" về vận động gia đình chấp hành việc thu hồi đất vì đó là yêu cầu của huyện và tỉnh. Ông Thức cho hay không nhớ rõ tên lãnh đạo huyện đã ký văn bản yêu cầu.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Hồng Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên cho biết, sẽ kiểm tra sự lại việc. Ông Thanh cho rằng, vì phần đất ông Ngọc canh tác nằm trong diện tích đất công ích của xã nên tiền đền bù đất UBND xã được hưởng 40.000 đồng/m2 và ông Ngọc chỉ được hỗ trợ hoa màu, công cải tạo đất.
Việc ông Ngọc bỏ công sức ra cải tạo đất, làm cho đất màu mỡ hơn, nhưng nhà nước lại không có quy định nào để tính hỗ trợ cho khoản này thì đúng là quy định còn bất cập. "Ông Ngọc kiến nghị phải công nhận đó là đất nông nghiệp giao ổn định lâu dài được cấp sổ đỏ, nhưng thiếu cơ sở pháp lý"-ông Thanh nói.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, UBND tỉnh Hà Nam cho rằng: "Đoàn công tác liên ngành của trung ương đã về làm việc với UBND tỉnh Hà Nam. Sau khi nghe báo cáo vụ việc, Đoàn công tác cơ bản thống nhất với việc giải quyết của tỉnh".
Tuy nhiên, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước có văn bản phủ nhận ý kiến của UBND tỉnh Hà Nam. Văn bản nêu rõ: Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ khi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam là kiểm tra việc giải quyết khiếu nại tố cáo phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, không đi sâu xem xét từng việc cụ thể.
Việc trả lời của UBND tỉnh Hà Nam tại văn bản 1737 ngày 21-12-2010 gửi Thủ tướng và các cơ quan Trung ương đối với vụ việc nhà ông Lê Hồng Ngọc là không đúng với tinh thần nội dung buổi làm việc ngày 16-12-2010 của Đoàn công tác với UBND tỉnh Hà Nam...
Nhóm PV Thời sự