THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 February 2012

Phí lưu hành phương tiện: "Thực chất đánh vào người nghèo"


25/02/2012 09:44:43
 - "Tôi cho rằng mục tiêu của việc thu phí là tốt, nhưng chúng ta đánh đồng tất cả là không công bằng, thiếu tính nhân văn và giải pháp này hiệu quả thấp".
TIN LIÊN QUAN


Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Giao thông vận tải – Chuyên gia giao thông đô thị) nhận định về đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô vào nội đô của Bộ Giao thông Vận tải.

"Phí từ trên trời rơi xuống" 

Trước hết để xảy ra ùn tắc triền miên như vậy, theo tôi nguyên nhân chủ yếu là từ cơ quan quản lý, những người điều hành các cơ quan chức năng có liên quan.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy.
 
Nguyên nhân từ phía người dân cũng có nhưng chỉ là một phần nhỏ. Đã mấy chục năm nay việc đầu tư cho giao thông đô thị cho hạ tầng và giao thông công cộng quá yếu kém.

Chúng ta thử làm một phép so sánh, Hà Nội bây giờ có khoảng 1000 xe buýt/6 triệu dân, TP. Hồ Chí Minh 3000 xe buýt/8 triệu dân. Trong khi đó thủ đô Praha người ta có khoảng trên 100km tàu điện ngầm, hàng trăm km đường sắt đô thị và khoảng 2000 xe buýt, với chưa đầy 2 triệu dân. Vậy thì Hà Nội, hệ thống vận tải công cộng của thành phố 6 triệu dân như vậy là cực kỳ yếu kém.

Theo thống kê, phương tiện công cộng ở Hà Nội chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu, tức là 100 người chỉ có 8-10 người được đi xe buýt thôi còn 90 người chả có gì để đi cả.

Hạ tầng cực kỳ yếu kém thể hiện ở đường sá, đến 90% là đường 6,5m; 7,5m mặt cắt là 11m tất cả các ngã tư 90% là đồng mức, trong khi các nước các ngã tư lớn là lập thể hết (có đường cao, đường thấp không cắt nhau). Bên cạnh đường hẹp, mạng lưới không hợp lý, các trục chính, các trục hướng tâm, xuyên tâm, đường vành đai chưa đến đâu hoặc đang làm dở.

Đường quá chật , hạ tầng quá yếu kém thì không thể đổ hết tội ùn tắc cho nhân dân.

Chính từ hạ tầng quá yếu kém mới dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên và triền miên, các tuyến đường của Hà Nội đã quá tải từ 200-500%. Người dân đi vào đường mật độ quá đông, thì tất nhiên phát sinh ra vấn đề văn hóa.  

Chúng ta không thể dùng các phí như trên trời rơi xuống để bắt người dân nộp, "cấm" người dân đi lại. 100 người chỉ có được 10 người được đi xe buýt thì 90 người kia người ta đi bằng gì? 

Người ta phải mua xe máy, ô tô chứ.

Nếu tôi được đối chất với bộ trưởng tôi sẵn sàng nói rằng, mục tiêu của làm cầu làm đường thì trước sau là hiệu quả vốn đầu tư. Tôi cho rằng việc đầu tư tàu điện ngầm, đường sắt trên cao hiệu quả lớn hơn nhiều làm sân bay, đường cao tốc, những cái đó ta có thể làm từ từ.

Tàu điện ngầm, đường sắt đô thị mới là phương tiện tải khách trong giờ cao điểm, chứ xe buýt thì chỉ như muối bỏ bể so với nhu cầu thực tế thôi.

Tôi cho rằng, hiệu quả của giải pháp thu phí lưu hành phương tiện là rất thấp, chỉ giảm được khoảng 1 - 2% ùn tắc thôi. Tức là trong 100 người thì chỉ 1 đến 2 người thôi không mua xe nữa, nhưng rồi người ta cũng sẽ mua vì không mua thì lấy gì mà đi lại khi vận tải công cộng không đáp ứng được.

Đừng đứng ở vị trí người giàu mà nhìn xuống

Chúng ta nói đến hiệu quả cũng phải nghĩ đến hậu quả, bản thân tôi không giàu cũng không nghèo nếu mà thu tôi cũng không sợ. Nhưng mà chúng ta phải nhìn vào đại đa số người dân và phải thông cảm cho họ.

Thực chất chúng ta thu phí là dùng phương pháp kinh tế để "cấm" người dân đi lại. Tăng thuế, thu phí là để hạn chế xe như vậy là không cho người ta đi lại chứ còn gì nữa.

Các chuyên gia đánh giá, thu phí cũng không thật sự hiệu quả để giải quyết ùn tắc.
Các chuyên gia đánh giá, thu phí cũng không thật sự hiệu quả để giải quyết ùn tắc.
 
Thu phí đồng loạt là không đúng đối tượng, có người đi ô tô thường xuyên, có người chỉ thỉnh thoảng mới đi, thế mà chúng ta cứ đánh đồng đều là không hợp lý. 

Bên cạnh đó là vấn đề nhân văn, nhân dân ta còn nghèo, tôi xin nói là chỉ có vài người là ông chủ thôi, số người giàu còn ít, trung lưu thu nhập thấp chiếm số đông. Chúng ta cứ đánh đồng người nào có ô tô đánh phí 20 triệu đến 50 triệu/năm, xe máy "đánh" 500 nghìn như vậy là vô lý, không công bằng. 

Những người nghèo bỏ 500 nghìn theo tôi không phải là nhỏ đâu, tôi biết có những gia đình nông dân mỗi ngày không kiếm được vài chục ngàn. Vậy thì 500 nghìn không phải là ít nhưng cũng phải lao động cật lực vất vả mồ hôi nước mắt mới có được.

Thu phí đồng loạt như vậy thực chất đánh vào người nghèo vì người giàu không ảnh hưởng nhiều.

Mình đừng đứng trên góc độ người giàu nhìn xuống, đừng thấy số tiền 500 nghìn/năm là không đáng bao nhiêu, như vậy là không công bằng.

Tôi cho rằng, việc thu phí là hoàn toàn vô lý, thiếu nhân văn, thiếu cơ sở khoa học, hiệu quả thấp.
 

Ô tô phải gánh 11 loại phí và thuế

 

Theo số liệu thống kê, hiện nay ô tô đã phải chịu 8 loại phí và thuế nếu cộng thêm 3 loại phí đang đề xuất thì tổng cộng sẽ là 11 loại thuế và phí.

Tám loại phí, thuế ô tô bao gồm:
 
Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đăng ký biển số, phí bảo hiểm vật chất, phí bảo hiểm dân sự, phí xăng dầu. 
 
Ba loại phí ô tô có thể sẽ phải đóng thêm gồm:
 
Phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm.

 
Ngọc Tú (ghi)