(TNO) Mặc dù đã có quy định của pháp luật về việc không được cản trở báo chí hoạt động nghề nghiệp hợp pháp nhưng trên thực tế vẫn diễn ra nhiều vụ nhà báo bị tấn công, gây bức xúc trong dư luận, nhiều vụ việc không được xử lý nghiêm minh.
Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng Quản lý Báo chí T.Ư, Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) về vấn đề này
* Trong thời gian qua tại Hà Nội liên tiếp xảy ra tình trạng phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp, ví dụ như tại các vụ cháy tòa nhà Keangnam, vụ sập giàn giáo tại tòa nhà Mulberry Lane thuộc khu đô thị Mỗ Lao, vụ cháy tại công trường xây dựng Lotte Center Hà Nội… Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Trong trường hợp các vụ việc liên quan đến lợi ích công, tức là việc đưa tin là phục vụ lợi ích của cộng đồng, thì báo chí cần được biết và cần thông tin về các vụ việc đó. Nếu các vụ việc là vấn đề thuộc về cá nhân, riêng tư thì họ có thể không cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, nếu vấn đề cá nhân, riêng tư đó có liên quan đến lợi ích công thì báo chí có quyền biết, tham gia đưa tin, phản ánh sự việc, vấn đề đó.
* Xin ông cho biết các hành vi cản trở hoạt động của báo chí sẽ được xử lý như thế nào?
- Nghị định 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí - xuất bản đã quy định rõ các hình phạt liên quan đến hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động báo chí.
Cụ thể, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo khi đang hoạt động nghiệp vụ đúng pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, hành vi cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo hoặc hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu như thanh tra chuyên ngành TT-TT chưa có vụ xử phạt đối với các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp.
Thường khi xảy ra các vụ việc cản trở, phía báo chí thường tìm sự hỗ trợ từ phía cơ quan công an. Có vụ việc phải xử lý ở mức độ hình sự. Nhưng cũng có vụ việc chỉ xử lý hành chính. Thực tế cơ quan công an cũng chưa xử lý nhiều các vụ việc như vậy.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan công an và các sở TT-TT cũng chưa chặt chẽ. Do vậy xảy ra tình trạng vụ việc được báo cáo với cơ quan công an nhưng cơ quan công an không xử lý được do không thuộc thẩm quyền nhưng cũng không chuyển qua cho sở TT-TT giải quyết. Về phía các sở TT-TT cũng ít khi có thông tin về các vụ việc để xử lý.
Các nhà báo, cơ quan báo chí khi bị cản trở thì tùy từng tình huống, mức độ để sử dụng các công cụ can thiệp khác nhau nhưng cần lưu ý là cơ quan có thẩm quyền xử lý là thanh tra ngành TT-TT. Nếu bị cản trở tác nghiệp các nhà báo nên ghi lại đầy đủ các bằng chứng để có thể đề nghị sở TT-TT xử phạt các đối tượng.
* Tại một số hội thảo liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng nên đưa vào luật quy định hành vi cản trở nhà báo cũng tương tự như hành vi cản trở người thi hành công vụ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo ý kiến cá nhân của tôi, báo chí là hoạt động đặc thù và cần có quy định cụ thể trong luật hình sự để có chế tài mạnh hơn đối với các hành vi cản trở báo chí. Chúng ta có thể đưa vào luật hình sự một điều khoản riêng chứ không nhất thiết coi việc cản trở báo chí là hành vi chống người thi hành công vụ.
* Theo ông, trong bối cảnh hiện tại, cần có những biện pháp gì để hạn chế những hành vi cản trở báo chí tác nghiệp?
- Trước mắt, về phía cơ quan quản lý nhà nước, các hội nghề nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật làm sao để xã hội nhận thức đầy đủ vai trò, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của báo chí để đảm bảo báo chí thực hiện quyền tác nghiệp của mình.
Mặt khác, tới đây cũng sẽ có những sửa đổi, điều chỉnh về mặt pháp luật, ví dụ như việc sửa đổi luật Báo chí, ban hành các văn bản dưới luật cụ thể hơn để bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo.
Về phía báo chí, các tòa soạn cũng như cá nhân các nhà báo cần nắm được các quy định của pháp luật để có thể tự bảo vệ mình. Đồng thời các phóng viên cũng cần trau dồi, tăng cường các kỹ năng ứng xử linh hoạt cho mọi tình huống. Cần làm sao để các đối tượng cản trở hiểu rõ mục đích của mình đang làm việc vì lợi ích công chứ không phải vì mục đích nào khác. Tránh xảy ra tình trạng khi bị cản trở, nhà báo có hành vi nóng nảy dẫn đến xung đột với các lực lượng bảo vệ, an ninh.
Xin cảm ơn ông!
Trường Sơn
(thực hiện)