Việc HĐND TP.Đà Nẵng quyết định "đóng cửa" với người nhập cư được các chuyên gia đánh giá là trái với luật Cư trú.
>> Quyền tự do cư trú
>> Đà Nẵng ra nghị quyết hạn chế nhập cư
Mỗi năm, TP.Đà Nẵng thu hút gần 100 sinh viên khá, giỏi từ các trường đại học trên cả nước, trong số này phần lớn là người ngoại tỉnh, không có nhà ở ổn định, được TP bố trí cho thuê nhà chung cư để ở. Nếu căn cứ vào nghị quyết của HĐND TP.Đà Nẵng tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, thì những đối tượng này sẽ không đủ tiêu chuẩn để được nhập khẩu. Ngoài ra, cũng có rất đông người lao động đang làm việc ổn định tại các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP cũng sẽ bị "cấm cửa".
Làm thủ tục đăng ký hộ khẩu tại Q.Liên Chiểu - Ảnh: H.T
|
"Cấm cửa thì chết mất"
Anh Th., cử nhân hiện đang công tác tại một sở ở Đà Nẵng, cho biết anh đang được người chị ở Q.Liên Chiểu bảo lãnh đăng ký thường trú. Thủ tục đã được công an quận đồng ý, Sở cũng đã có xác nhận anh đang làm việc ổn định tại sở này. "Mấy tuần qua, tôi chạy đôn chạy đáo để làm các thủ tục cắt - nhập khẩu từ Nghệ An vào Đà Nẵng. Bây giờ mà cấm cửa thì chết mất", anh Th. than.
|
| Tạm dừng một ngày là vi phạm một ngày. Tạm dừng không thời hạn là vi phạm không thời hạn | |
|
Luật sư Bùi Quang Nghiêm |
|
Đồng cảnh ngộ với anh Th. là chị N.Q.L, quê Quảng Bình. Chị N.Q.L hiện đang công tác tại VPĐD một cơ quan T.Ư đóng tại Đà Nẵng. Công việc ổn định, lương khá cao, nhưng do mới ra trường chưa tích lũy đủ tiền để mua nhà đất tại Đà Nẵng nên phải đi thuê để ở. "Vất vả mấy năm mới lận lưng được giấy tạm trú dài hạn với mong muốn được nhập hộ khẩu theo quy định. Bây giờ nhà đất giá cao không mua được thì đến bao giờ mới được nhập khẩu đây? Sau này còn con cái học hành, đau ốm, bệnh tật nữa...", chị N.Q.L lo lắng.
Không thể tùy tiện
Tuy "không liên quan" gì tới Đà Nẵng, nhưng là người hoạt động lâu năm trong ngành pháp luật, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cũng phải lên tiếng vì nghị quyết của HĐND TP.Đà Nẵng đang "đánh" trực tiếp vào những đối tượng như người nghèo, người có tiền án tiền sự...
Theo luật sư Nghiêm, một xã hội dù có phát triển đến đâu thì cũng vẫn có người nghèo, tội phạm. Chính quyền địa phương không thể dùng công cụ hành chính để hạn chế, thủ tiêu người nghèo hay loại trừ người có tiền án, tiền sự ở địa phương mình. Dưới góc độ pháp lý mà nói thì luật Cư trú do Quốc hội ban hành phải được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ ngày có hiệu lực. Người dân được tự do lựa chọn nơi cư trú phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ. Nghị quyết của HĐND TP.Đà Nẵng là văn bản pháp quy dưới luật thì phải tuân thủ theo tinh thần, nội dung của luật vì luật đang có hiệu lực thi hành; việc tạm dừng đăng ký hộ khẩu thường trú là không phù hợp, vi phạm quyền cơ bản của con người. Tạm dừng một ngày là vi phạm một ngày. Tạm dừng không thời hạn là vi phạm không thời hạn. Trong trường hợp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cục Kiểm tra văn bản pháp luật phải có ý kiến, ngăn chặn ngay.
Thường xuyên xảy ra quá tải tại các bệnh viện ở Đà Nẵng - Ảnh: D.Hiền
|
Không thể đưa ra mệnh lệnh hành chính
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cũng phân tích đối với một đô thị hay bất kỳ địa phương nào, lực lượng dân nhập cư đóng vai trò không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ưu điểm là họ đóng góp công sức lao động tạo ra sản phẩm, hàng hóa và đẩy mạnh dịch vụ. Tuy nhiên, về mặt quản lý, nếu kiểm soát không tốt sẽ gây ra nhiều khó khăn, sức ép đối với hạ tầng, cụ thể là điều kiện ăn ở, học hành, việc làm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... Theo ông Tài, muốn đạt được sự phát triển cân đối, cũng cần phải có những quy định phù hợp để hạn chế và kiểm soát tốt việc tăng dân số cơ học. Song, căn cứ theo luật thì không thể cấm được vì người dân có quyền tự do cư trú. Nếu điều chỉnh thì phải tuân thủ theo khuôn khổ luật định.
Giải quyết vấn đề tăng dân số cơ học, ông Nguyễn Thành Tài cho rằng cần giải pháp tổng thể, ở tầm vĩ mô, chứ không thể đưa ra một mệnh lệnh hành chính là xong. Đó là sự liên kết phát triển kinh tế vùng. Khi mà các tỉnh, thành khác đều hình thành nên những khu công nghiệp giải quyết được nhu cầu việc làm tại chỗ với thu nhập ổn định, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội (giao thông, trường học, cơ sở y tế...), thì chắc chắn nguồn lao động sẽ không còn ồ ạt dịch chuyển đến các TP hoặc trung tâm kinh tế lớn.
Nhập cư là quy luật tất yếu Tiến sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), nhận định: Nhập cư vào TP là quy luật tất yếu trong phát triển đô thị. Vì vậy, có lẽ HĐND TP.Đà Nẵng nên kiến nghị khẩn cấp lên T.Ư để xem xét điều chỉnh ngay luật Cư trú, nếu thấy không phù hợp hoặc là do một số bất cập phát sinh. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, HĐND TP.Đà Nẵng vẫn phải chấp hành theo luật định (xem xét cho nhập hộ khẩu thường trú đối với dân nhập cư tạm trú nếu đủ điều kiện theo quy định). Để giải quyết tình trạng này, theo ông Tân, TP.Đà Nẵng cần làm rõ những khó khăn gì TP gặp phải khi quản lý dân nhập cư và đề xuất cụ thể những kiến nghị sửa đổi luật Cư trú như thế nào, sửa điều gì, sửa vấn đề gì? Ví dụ như thời gian cho nhập hộ khẩu thường trú phải 2 - 3 năm thay vì 1 năm…, để có cơ sở T.Ư xem xét điều chỉnh lại luật Cư trú. Trước đây, chỉ có cực phát triển TP.HCM và Hà Nội, nay đã có thêm cực phát triển miền Trung (là Đà Nẵng). Do vậy, quy luật tất yếu trong giai đoạn đầu phát triển thường gặp là gia tăng dân số đô thị, với số lượng dân nhập cư là rất lớn. Trong khi đó, chính sách nhập cư là một (giống nhau) và áp dụng chung cho các nơi, không phân biệt đặc thù TP nào. TP.Đà Nẵng cần làm rõ đặc thù của mình và kiến nghị với T.Ư sớm xem xét điều chỉnh, chứ không nên tùy tiện đề xuất các giải pháp giải quyết vô tình bị trái luật. M.N (ghi) |
Lãnh đạo TP.Đà Nẵng nói gì? Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2009, TP.Đà Nẵng có khoảng 887.000 dân. Về dân số chỉ xếp thứ 43 trên cả nước, đứng thứ 13 về mật độ dân số và là địa phương có tỷ lệ dân cư sống tại thành thị cao nhất nước. Mật độ dân số TP.Đà Nẵng tăng từ 720 người/km2 lên 906,7 người/km2 (chưa tính diện tích H.Hoàng Sa), trong đó mật độ khu dân cư đô thị tăng từ 2.543 người/km2 lên 3.194 người/km2. Theo thống kê, trong vòng 30 năm (1979 - 2009), dân số Đà Nẵng đã tăng gấp đôi. Trong giai đoạn 10 năm (1999 - 2009), dân số Đà Nẵng tăng 1,3 lần. Tính bình quân tăng 20.200 người mỗi năm, trong đó số tăng cơ học khoảng 10.000 người/năm. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu không có những tác động đột biến, thì Đà Nẵng sẽ có 1 triệu dân vào đầu năm 2014 và 1,1 triệu dân vào đầu năm 2018. Trao đổi với Thanh Niên chiều 24.12, ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - cho biết khi nào nghị quyết của HĐND TP.Đà Nẵng chính thức ban hành thì UBND TP sẽ làm căn cứ để triển khai ngay trong năm 2012. "Chúng tôi sẽ cân nhắc từng trường hợp cụ thể, quy định rõ ràng trường hợp nào được nhập khẩu, trường hợp nào thì không, để làm sao khi quyết định của UBND TP.Đà Nẵng ban hành sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng dân số Đà Nẵng", ông Văn Hữu Chiến nói. Theo ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, quy hoạch trường học, bệnh viện, chợ búa, đường sá, khu dân cư cũng chỉ đáp ứng có chừng mực nhu cầu chỗ ở, chứ không phải dung nạp bao nhiêu cũng được. Bà Lương Nguyệt Thu - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng: Việc giải quyết các trường hợp cho bảo lãnh đăng ký thường trú nhưng thực tế không thường trú đối với đối tượng học sinh, là một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải ở một số trường học khu vực trung tâm. Hữu Trà |
Hữu Trà - Đình Phú - Lê Nga