Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những nguy cơ đe dọa khác nguy hiểm hơn cả nạn "lâm tặc" ở nơi rừng sâu. Mời quý vị theo dõi tiếp bài cuối trong loạt bài "Rừng vẫn chảy máu" của Khánh An.
Theo thống kê từ năm 2010 cho đến nay, chỉ riêng số vụ khai thác gỗ trái phép bị phát hiện đã lên đến gần 2000 vụ ở 26 vườn quốc gia trên toàn quốc. Những điểm nóng như vườn quốc gia Yok Đôn của tỉnh Đăk Nông và Đăk Lăk, từ đầu năm đến nay đã có hơn 200 vụ khai thác, vận chuyển gỗ quý bị phát hiện; tại rừng đặc dụng Đăk Uy của tỉnh Kon Tum, hàng ngàn cây gỗ quý bây giờ chỉ còn khoảng 400 cây và đang phải đối diện với nguy cơ bị xóa xổ.
Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên rừng không chỉ xảy ra với rừng Đăk Uy mà với tất cả các khu rừng trải dài từ Bắc tới Nam, mặc dù Việt Nam được nhận không ít hỗ trợ từ các chính phủ và tổ chức quốc tế trong các dự án giúp quản lý và bảo vệ rừng.
Đã có rừng là phải có lâm tặc
Từ thống kê của một số tỉnh có thể thấy số người đi hành nghề "lâm tặc" không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên cả về số lượng lẫn mức độ liều lĩnh trong khai thác, thậm chí nhiều cây gỗ quý bị đốn chỉ cách trạm bảo vệ rừng vài trăm mét.
Nói như ông Vũ Văn Trọng, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuy Đức, Đắk Nông, thì: "Tình trạng này ít nhiều cũng phải có chứ vì đã có rừng là phải có lâm tặc rồi."
Hầu hết những người bị gọi là "lâm tặc" khi được hỏi tại sao phải chọn một nghề nguy hiểm như việc khai thác gỗ lậu thì đều có chung một câu trả lời "vì miếng cơm manh áo". Có những ngôi làng bên bìa rừng, hầu như cả làng đều làm nghề "lâm tặc" như làng Hoài Ân ở tỉnh Bình Định, làng Long Sơn hay Thanh Hóa ở tỉnh Quảng Nam.
Theo anh Huỳnh Hiếu, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, thì chính những khó khăn về kinh tế đã đẩy nhiều người dân vào rừng hơn.
"Bây giờ trình độ họ không có, lao động phổ thông thì không ai thuê mướn thì buộc lòng phải vô rừng để kiếm chác tài nguyên mà sống, mưu sinh thôi."
Có một điều lạ là hầu như bất cứ ai tìm hiểu về nạn khai thác gỗ trái phép đều dễ dàng nhận ra vai trò tiếp tay của lực lượng kiểm lâm, thế nhưng quyết tâm để giải quyết cũng như giải pháp nào để giải quyết thì vẫn là những câu hỏi để ngỏ đối với những người có thẩm quyền. Việc nới lỏng tay trong quyết tâm bảo vệ rừng khiến người ta có cảm giác không chỉ vì cái dạ dày của nhiều người dân đi làm "lâm tặc", mà còn vì kế sinh nhai của không ít cán bộ của ngành kiểm lâm.
Anh Nguyễn Văn Ngân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Kẻ Gỗ, tỉnh Bình Định, cho biết cán bộ kiểm lâm cũng có những khó khăn riêng không chỉ trong công việc mà còn cả về các điều kiện sinh hoạt, tài chính:
Bây giờ trình độ họ không có, lao động phổ thông thì không ai thuê mướn thì buộc lòng phải vô rừng để kiếm chác tài nguyên mà sống, mưu sinh thôi.
Anh Huỳnh Hiếu
"Kiểm lâm bây giờ lực lượng mỏng, rừng thì xa, trong tuyến rừng này thì giáp ranh nhiều huyện, tuyến đường xa không sát trong rừng, không có chợ búa, đi lại không đường, điện không có, lán trại không đủ để làm nhà sinh hoạt, rồi những trạm ở trong rừng ….
Điều kiện sinh hoạt ở trong rừng thì rau không, thịt không, gạo phải gùi vào. Đi lại thì ô tô không vào được, toàn đi bộ thôi, có những ngày đi bộ 2 ngày mới đến đơn vị. Trên vùng giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh này vất vả lắm. Rừng thì côn trùng nhiều, sên, muỗi, vắt nhiều lắm. Nếu bị lâm tặc tấn công phải đưa anh em bị tấn công ra ngoài này là phải cõng, khiêng ra ngoài đường mà ô tô đi được, thường xuyên phải đi bộ chứ ô tô không vào được. Mùa hè thì còn được chứ mùa mưa là còn mắc sông, suối nữa. Trong trạm thường xuyên có 6 – 7 người, một tháng ra ngoài nhận lương cho anh em một lần rồi gửi mua gạo, thực phẩm vào."
Anh Ngân cho biết ngoài tiền lương theo quy định, kiểm lâm không được hưởng chính sách hỗ trợ nào:
"Chính sách đâu có gì hỗ trợ đâu, chính sách chỉ có trong quy định nhà nước quy định lương bổng theo chức năng ngành thôi chứ có hỗ trợ gì thêm nữa đâu. Vất vả lắm! Nhiều khi sốt rét vì muỗi, sên nhiều lắm. Anh em được giao trách nhiệm thì phải làm thôi."
Mới đây, sau khi vụ việc kiểm lâm bảo kê cho "lâm tặc" ở Vườn quốc gia Yok Đôn bị phanh phui, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phát biểu trước báo giới, gọi những kiểm lâm làm công việc tiếp tay cho "lâm tặc" là "những kẻ phản bội" ở trong rừng và ông cho rằng cần phải chấn chỉnh triệt để bộ máy vườn, phải xử lý kỷ luật những kẻ đã vô hiệu hóa nỗ lực bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, một khi những nguyên nhân cốt lõi chưa được giải quyết thì liệu những giải pháp trên có là khả thi? Nhiều địa phương cũng đã áp dụng việc thuyên chuyển cán bộ kiểm lâm nhưng tốc độ tràn lan của nạn khai thác gỗ lậu cho đến nay vẫn không có dấu hiệu giảm sút.
Và những tập thể "lâm tặc bất đắc dĩ"
Ông Vũ Văn Trọng, Hạt kiểm lâm Tuy Đức, Đăk Nông, cũng cho rằng nguyên nhân không kiểm soát được tình trạng phá rừng là do lực lượng kiểm lâm quá thiếu.
Rừng bị chặt phá rồi đốt để làm rẫy. Photo courtesy of vtc.vn
"Theo quy định 119, mỗi một kiểm lâm phụ trách 1.000 ha rừng thì đã là yếu rồi nhưng bây giờ như huyện này 60.000 ha rừng mà có khoảng 20 kiểm lâm thì không biết phải xử lý làm sao."
Tuy nhiên, ông Trọng cho rằng nạn "lâm tặc" vẫn chưa nguy hiểm bằng tình trạng người dân chặt phá rừng để lấy đất canh tác, trồng trọt.
"Số này không thiệt hại bằng số đối tượng vào chặt phá rừng vì lâm tặc có vô ăn trộm thì cũng 1, 2 cây gỗ thôi thì rừng còn, chứ bây giờ vào mà chặt hết rừng, chặt hết đi cây lớn cây bé để làm rẫy thì coi như mất rừng luôn."
Chỉ mới tháng trước, tại khu vực huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông của ông đã xảy ra vụ việc hơn 150 người dân kéo vào rừng dùng cưa máy hạ tất cả cây rừng trong suốt một ngày để đòi đất canh tác. Lực lượng kiểm lâm đã bất lực đứng nhìn hơn 28 ha rừng tự nhiên bị vặt sạch. Ông Trọng cho biết về vụ việc:
"Dân thì vừa rồi một số dân tự do người ta vô đông, không đi theo kế hoạch của nhà nước Việt Nam. Người ta có vô những khu rừng mà mình đang khoanh nuôi bảo vệ và người ta có chặt phá một ít."
Theo ông Trọng, nguyên nhân người dân kéo vào Đăk Nông phá rừng là vì:
"Theo tôi nghĩ, đất cát ở trong này tốt hơn ở ngoài kia, đất cát phì nhiêu, đất rừng đấy, phù hợp với nhiều loại cây trồng, làm dễ hơn ở ngoài kia. Trong quá trình canh tác ở ngoài kia, một công lao động, tôi chỉ kể bắp thôi thì một công lao động được khoảng 200 gram bắp nhưng trong này người ta làm một công lao động có khi được 1 kg bắp cơ. Thế thì người ta đi kiếm chỗ đất cát tươi tốt chứ theo tôi nghĩ thì cũng chẳng có ngoài mục đích gì khác là cuộc sống của họ thôi."
Tình trạng người dân đồng loạt kéo nhau phá rừng để đòi đất canh tác không phải chỉ mới xảy ra lần đầu ở Đăk Nông, mà đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương khác. Theo ông Trọng, diện tích rừng bị chặt phá để làm đất canh tác rất khó phục hồi, ngay cả khi có chủ trương trồng lại rừng đi chăng nữa.
Nhưng thiệt hại nặng nhất mà làm mất rừng chủ yếu là đồng bào đi vào chặt phá rừng làm rẫy. Người ta chặt xuống rồi đốt hết. Bây giờ mình có giữ nguyên trạng rồi tái sinh lại thì cũng mất hết cả vài chục năm...
Ông Vũ Văn Trọng
"Nhưng thiệt hại nặng nhất mà làm mất rừng chủ yếu là đồng bào đi vào chặt phá rừng làm rẫy. Người ta chặt xuống rồi đốt hết. Bây giờ mình có giữ nguyên trạng rồi tái sinh lại thì cũng mất hết cả vài chục năm, vài trăm năm sau thì mới thành rừng được chứ. Rừng ở bên này nhiều tầng tán, mà bây giờ trồng thì nhiều lắm cũng chỉ được một vài loại cây, vài tầng tán thôi, đâu có được như rừng tự nhiên."
Thống kê mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết độ che phủ của rừng Việt Nam chỉ còn chưa đầy 40% và diện tích rừng tự nhiên chủ yếu cũng chỉ thuộc loại rừng nghèo hoặc tái sinh, rừng già và rừng tán kín chỉ chiếm trên 9%. Nếu tình trạng người dân tự biến mình thành "lâm tặc bất đắc dĩ" không được cải thiện, những khu rừng tự nhiên sẽ có nguy cơ biến mất trên mảnh đất hình chữ S.
Một số người cho rằng tình trạng chảy máu tài nguyên rừng là bài toán không thể có lời giải bởi nó là hệ thống mắc xích với quá nhiều thắt nút nối vào nhau mà nếu giải quyết tận gốc, có thể cả một hệ thống sẽ khó trụ vững. Cái đói nghèo vật chất chỉ là một trong những nút thắt đầu tiên.
Theo dòng thời sự: