Theo thiển ý của tôi, thì vị độc giả này có hơi khó tinh, vì thực tình ra các chi tiết ấy có phần hơi bác học uyên thâm, người thường ít có ai để ý, vả lại nói sai và nói dối khác nhau lắm. Tuy nhiên trong khi đó chẳng cần phải mất hai ngày đường lặn lội đâu cho xa, chỉ cần mở mắt ra, chỉ cần nghe những gì chung quanh cũng thấy xã hội Việt Nam ngày nay đầy rẫy những sai trái và gian dối.
Cái gian dối trước tiên và đang làm mọi người phải điên đầu là GIẢ. Cái gì cũng giả. Hàng giả tràn ngập thị trường, giả từ cây kim sợi chỉ đến cái phích nước, từ chai dầu gội đầu đến chai rượu vang, từ hộp thuốc tây đến gói bột ngọt... Trong học đường và công sở là bằng giả hoặc học giả bằng thiệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của trường và những học sinh chân chính. Ngoài ra, một đe dọa khác đang tiềm ẩn trong xã hội là vấn đề tiền giả. Và trong một cuộc phỏng vấn trên báo Sài Gòn Giải Phóng, thì "cái sự giả ấy" hiện đang len lỏi vào tận các cơ chế cao cấp của nhà nước. Trong xã hội này, người nào có khả năng và điều kiện thực hiện cái của giả và tiếp tục đè đầu cỡi cổ nhân dân? Câu hỏi này thiết nghĩ chẳng cần trả lời.
Một hình thức gian dối khác phức tạp và tinh vi hơn một bậc là nửa giả nửa thật. Năm 2001 vừa kết thúc là năm trật tự và an ninh xã hội, đi đâu cũng nghe nói ba giảm: giảm ma túy, mại dâm, trộm cắp. Và đến lúc này là rôm rả kiểm điểm thành tích. Nhưng điểm qua những thành tích vượt chỉ tiêu (như mọi khi) thì mười lần hết chín là những đánh giá có tính hình thức, thành tích, phô trương và dĩ nhiên sai sự thật rất xa. Có lần phỏng vấn một cán bộ phường về kết quả phong trào ba giảm thì vị này rất tự đắc tuyên bố rằng trên địa bàn mình đã giảm 30% về chích hút và tiêu thụ ma túy. Nhưng khi hỏi chi tiết về con số trên thì được giải thích là có một số nhỏ được gởi đi cai nghiện, một số bị bắt hoặc đã chết, và một số lớn thì... chạy sang phường bên cạnh. Khoan hỏi xem có ai chạy về phường mình không, nhưng ở đây đã thấy rõ một sự báo cáo không trung thực, không phản ảnh được hình ảnh và số liệu thực. Hiện tượng nửa giả nửa thực này được gọi chung là "bệnh thành tích" hoặc "báo cáo láo". Mọi người đều phô trương cái hay cái đẹp nhưng cố tình lờ đi cái xấu khiến ai không hiểu tường tận vẫn tưởng mọi thứ đều toàn thiện.
Ở đây ta có thể nêu ra một vài dẫn chứng: vào ngày 1/12/2001, nhân kỷ niệm ngày Quốc Tế Chống HIV/SIDA, các cơ quan thông tấn Việt Nam đều đưa ra con số 40.000 người bị HIV dương tính, trong khi theo WHO (Tổ chức Y Tế Thế Giới) thì con số này khoảng 200.000 tức là gấp 5 lần. Lý do của sự chênh lệch này được nhà cầm quyền biện minh là 40.000 chỉ là con số "có kiểm tra". Nhưng liệu có ai soi đèn đi tìm rạch ròi để báo động về con số thực kia? Ðối với mọi người con số 40.000 trên một dân số 78 triệu là con số "chấp nhận được", và điều đó đưa đến nhiều tai hại khôn lường.
Cái giả nguy hiểm nhất nó cũng từa tựa cái "nửa thật nửa giả" nêu trên, nhưng "cao cấp" hơn vì nó do các vị "cấp cao" thực hiện với tất cả mánh khoé của kẻ có tiền và có quyền. Trong tháng 12 vừa qua, khán giả truyền hình cả nước được dịp chiêm ngưỡng các "đại biểu" quốc hội chất vấn các thành viên chính phủ. Nhiều người đã tắc lưỡi khen sự tiến bộ và tình trạng "dân chủ cao độ" của nhà nước XHCN. Nếu nhận xét một cách bàng quan người ta cũng thấy có nhiều câu hỏi khá quyết liệt đã được nêu ra, như muốn "ăn thua đủ" với cơ quan hành pháp. Các câu hỏi này sau đó cũng được đưa lên báo kèm theo câu trả lời ỡm ờ và hứa hẹn của chính phủ, và thế là hết. Không ai biết vấn đề trên có được giải quyết và cải thiện hơn không vì mấu chốt là vị "đại biểu" kia có còn tiếp tục quyết liệt khi tấm màn Quốc Hội hạ xuống ngày 27/12 hay không? Nhưng mọi người vẫn còn giữ lại cái dư âm "hạch hỏi thẳng thắn" và cứ tưởng đấy là dân chủ đích thực, hoặc giả có ai cắt nghĩa về cách vận hành trong các nước khác thì lại được giải thích đó là dân chủ phương Tây... Nguy hiểm là ở chỗ đó.
Trong suốt 26 năm qua, người dân liên tục được nhồi nhét bằng chủ nghĩa giáo điều nên không ít người ảnh hưởng cộng thêm 50% dân số sinh sau năm 75 chỉ biết đến nền giáo dục XHCN cho nên rất nhiều người đã có cái nhìn sai lệch về dân chủ. Ðiều này cắt nghĩa một phần tại sao các phong trào đấu tranh cho tự do trong nước không có cơ hội phát triển như Miến Ðiện, Trung Quốc.
Trở lại chuyện "hăng hái" ở Quốc hội VN, khán giả căng tai ra cũng vẫn không nghe thấy một vị "đại biểu" nào lên tiếng về hàng trăm phụ nữ của các tỉnh miền Nam không ngại gian truân, vượt 2000 cây số đang tụ tập trước quảng trường để đòi hỏi cho quyền lợi của mình, lại cũng chẳng thấy vị "đại biểu" nào thắc mắc về hiệp định biên giới song phương ký kết với Trung Quốc để rồi sau đó thông qua một cách êm xuồng mát mái.
Khán giả hoàn toàn không hay biết gì về đồng bào ruột thịt miền Nam của mình đang dãi dầu trong cái rét của mùa đông Hà Nội, mà có nhiều người đã bị dẫn đi mất tích, ngược lại họ được cho xem cảnh uy nghi của buổi lễ cắm cột mốc biên giới 1369 tại Móng Cái ngày 27/12 vừa qua.
Trong cái không khí phấn khởi và uy nghi ấy, có ai biết và tự hỏi bao nhiêu mét vuông đất đã mất về tay người đồng minh vĩ đại? Có lẽ ít lắm. Tuy nhiên điều bi quan hơn cả là người ta vẫn hờ hững và cam phận trước sự kiện này. Bao năm sống trong giả dối đã tạo cho họ trở nên nhút nhát, thụ động và ích kỷ.
Và đó mới là điều nguy hiểm nhất.
Phan Kiến Quốc
02/2002