THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 May 2011

# Bao giờ bệnh viện lại là nhà thương - Pha.m Minh Hoàng


Ngày 27/2/2002 vừa qua, cũng như mọi năm, nhà nước Việt Nam cho tổ chức "Ngày thày thuốc Việt Nam", và cũng cóp-pi năm ngoái, quanh đi quẩn lại chỉ có vài cái biểu ngữ treo lỏng chỏng, một vài phóng sự qua loa về các bác sĩ "vùng sâu vùng xa" rồi hết. Tuy nhiên, qua các bài báo và đặc biệt là lời phát biểu của các bác sĩ tăm tiếng, người ta quả thật cũng đang thấy một vấn nạn lớn lao trong xã hội Việt Nam ngày nay: y đức.
Thật vậy, trong xã hội Y đức là đạo đức của lương y, của người thày thuốc, và là thứ "quý hiếm, và đang trên đà diệt vong".

Việt Nam ngày hôm nay chắc chắn không thiếu những bác sĩ tận tâm, hết lòng vì bệnh nhân và nghiệp vụ, tôn trọng lời thề Hypocrate mà mọi sinh viên y khoa đều thuộc lòng, nhưng đó chỉ là những truờng hợp vô cùng thiểu số, chuyện "bồi dưỡng", "phong bì" nay trở thành một thứ bắt buộc trong bệnh viện, chuyện bác sĩ cho thuốc không kê toa trở thành một cái gì rất bình thường trong phòng mạch. Nói tóm lại, y đức chỉ là một từ ngữ nói ầm ĩ trong ngày 27/2, và chỉ có thế mà thôi.

Báo Phụ Nữ đúng số ra ngày 27/2/2002 đã phỏng vấn một vài nữ bệnh nhân tại Sài Gòn. Một chị tại quận 3 kể rằng: "Chuyện bồi dưỡng tiền cho nhân viên y tế là chuyện phổ biến tại nhiều bệnh viện, điển hình là giúi tiền (chỉ 5, 10 ngàn đồng) cho các y tá, hộ lý để cảm ơn (trước) việc họ thay các tấm trải giường, đẩy xe, dọn vệ sinh, chích thuốc. Nếu không thì họ mặt nặng, mày nhẹ, mạnh tay...như để nhắc nhở". Cũng việc giúi tiền, một sản phụ khác vốn là công chức đã kể: "Ban đầu tôi không tin, nhưng thực tế việc gì cũng tiền: từ đẩy xe, thay quần áo sạch, tấm trải giường, rửa vết thương , tắm em bé, chích thuốc... mỗi lần ít nhất cũng 3 đến 10 ngàn. (...) Y tá, y công họ không đòi hỏi, nhưng mặt mũi cứ lạnh lùng, đẩy xe mạnh, chích đau, cố tình va chạm gây đau đớn cho bệnh nhân, không thay tấm trải giường. Cũng những người đó, nếu mình giúi tiền thì thái độ họ vui vẻ, ân cần hơn hẳn. Tôi nằm phòng giá 10.000 một ngày nhưng tiền "bồi dưỡng" mất 80.000 một ngày. Tội nhất là những chị ở quê, gia đình nghèo nên người nhà dù ăn bánh mì không, những vẫn dành tiền cho mục bồi dưỡng".

Ðó là nói về y tá, còn riêng đối với bác sĩ thì "cung cách" thì "cao cấp" hơn, và dĩ nhiên "bồi dưỡng" cũng phải tương ứng với 7 năm học. Một phụ nữ ở Quận Bình Thạnh kể:"bây giờ người ta hay gọi bác sĩ 50.000 hoặc 60.000, vì bất cứ bệnh nhân nào vô, bệnh gì cũng lãnh bịch thuốc 50 hay 60 ngàn. Thuốc thì bóc ra khỏi vỉ, để trần trong bịch nilon. Cách uống thì được viết tay hoặc đánh dấu bằng mầu cho bệnh nhân khỏi lẫn lộn. Làm như thế bệnh nhân không tài nào tự mua thuốc, mà lần tới phải trở lại. Mà thuốc thì có rẻ gì cho cam, có bác sĩ cho toàn thuốc ngoại nhập, trong khi thuốc sản xuất trong nước cùng hiệu quả có thể rẻ hơn gấp 10." Lý do là vì bác sĩ ăn huê hồng với viện bào chế trên số thuốc đã kê toa.

Có những bác sĩ mát tay làm việc 10 tiếng/ ngày kể cả ngày chủ nhật. Thử làm một con toán nhỏ, trung bình mỗi bệnh nhân 6 phút, nghĩa là 1 ngày làm việc trên dưới 100 bệnh nhân, mỗi người 60 ngàn, thì một tháng có thể kiếm khoảng 10.000 đô, một số tiền khổng lồ nằm mơ cũng không thấy.

Trong bao nhiêu năm qua người bệnh phải sống trong hoàn cảnh khó khăn như thế và chắc chắn tình trạng sẽ còn tiếp tục trong nhiều chục năm tới, bởi vì ngoài các hô hào nặng phần tuyên truyền, nhà nước hoàn toàn không có một biện pháp nào để giải quyết hay ít ra làm giảm đi tệ nạn này. Chúng ta hãy nghe những nhận xét của các giới chức hữu trách và những người có ưu tư về vấn đề này. Trước tiên là bác sĩ Trương Xuân Liễu, Giám đốc Sở Y Tế TPHCM: "y đức vẫn đang là vấn đề bức xúc của cả ngành y tế hiện nay, gây xói mòn lòng tin của người dân đối với ngành y (...) Nếu có bằng chứng về hiện tượng đòi hỏi, gợi ý đút lót... xin hãy thông báo ngay cho lãnh đạo khoa, phòng bệnh viện hoặc các cơ quan cao hơn như Sở Y Tế để chúng tôi kịp thời xử lý (...) Nhưng thực tế là chúng ta chưa có văn bản luật pháp cụ thể, nên những vụ việc sai phạm lâu nay chủ yếu chỉ xử lý nội bộ theo cảm tính của từng ban lãnh đạo. Ðến nay chưa có những vụ việc lớn được xử lý mạnh và công khai để làm gương".

Lời phát biểu này đã tỏ rõ sực bất lực của nhà nước, mặc dù ngăn chặn việc kê thuốc không kê toa xem ra không mấy khó khăn, chỉ cần ghi vào luật hoặc đơn giản hơn đi thanh tra là phát hiện ra ngay. Chuyện này xem ra đơn giản đối với các quốc gia có luật pháp phân minh, rõ ràng; nhưng trong một nước tự nhận là "điểm đến của thìên niên kỷ" và "dân chủ gấp trăm lần các nước phương Tây" thì xem ra vô cùng phức tạp, vì trong xã hội này động đâu cũng thấy có chuyện giải quyết. Vấn đề không chỉ riêng ở bác sĩ, nhưng trách nhiệm trước tiên là của nhà nước. Ðúng như lời nhận xét của bác sĩ Ngô Gia Hy, một người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ: "Nguyên nhân của hiện tượng sai phạm y đức là cả một cơ chế còn nhiều bất hợp lý, từ khâu đào tạo, đến khâu hoạch định kế hoạch sử dụng nhân lực. Bác sĩ ra trường thất nghiệp trong khi bác sĩ tính trên đầu dân còn rất thấp. (...) Bảo hiểm y tế thì khập khiễng và người dân còn tiếp tục phải bán ruộng vườn khi vào bệnh viện (...) Ðến nay nhà nước chưa đào tạo được một hệ thống quản lý bệnh viện chuyên môn và có y đức. Chúng tôi đã soạn thảo một bản "Nghĩa vụ luật của thày thuốc Việt Nam" cách đây 3 năm và hội Y Dược học đã thảo luận 3 lần, sau đó đã gởi lên Sở, lên Bộ Y Tế, cả đến Quốc Hội... nhưng chưa đến nay chưa có ai trả lời...".

Cũng theo bài báo trên thì trước đây, có thời người ta vẫn gọi bệnh viện là nhà thương, như muốn nhắc đến khía cạnh tình thương cho bệnh nhân. Nhưng nay ngẫm lại, cái chủ ý "ngôi nhà của tình thương" đó bây giờ còn lại được mấy phần?

Phan Kiến Quốc
04/2002
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Còn lại được mấy phần cũng còn đỡ, bây giờ nó trở thành nhà Ghét rồi. Mylinhng@aol.com