THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

26 November 2010

ĐẤT NƯỚC LÀ CỦA ĐẢNG


Ngày thứ Sáu 5/11/2010 đập chắn nước thải khu mỏ sắt của xí nghiệp khai thác quặng sắt Sà Nùng ở Cao Bằng bị vỡ, khiến hàng ngàn tấn bùn đất đổ xuống trùm lấp vườn ruộng và nhà ở của người dân ở xã Duyệt Trung, tỉnh Cao Bằng. Theo diễn tả của báo Saigon Tuổi trẻ thì: bùn quánh đặc, đỏ ngầu, dày hơn 1m, chảy từ chân đập loang rộng, vùi lấp các cánh đồng, theo dòng suối tràn vào khu dân cư.

Ngày 7/11/2010, RFA đưa tin: Hàng ngàn mét khối bùn đỏ từ thượng nguồn tràn xuống. nhanh chóng và bất ngờ, làm nhiều nhà bị ngập tới nửa mét. Đồ đạc, dụng cụ, gia súc đều bị tác hại.

Giới chuyên gia về môi trường nhận định đây là loại bùn rửa quặng có chứa nhiều hóa chất và kim loại nặng, gây độc hại cho sức khỏe và môi trường. Theo nhận định của các chuyên gia thì: "đập bị vỡ là do bờ đập được xây dựng quá… "tiết kiệm", lại không được thường xuyên bảo trì nên bị mòn và thủng."

Ngày 8/11, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Nam Nguyên của RFA, Giáo Sư TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ Trưởng Tài nguyên và Môi trường, phát biểu: "Những công nghệ khai thác khoáng sản ở VN quá lạc hậu, không được cập nhật hóa và kiểm tra cũng như bảo trì, nên đưa tới những hệ quả môi trường trầm trọng. Trước mắt chúng ta đã có 2 bằng chứng: một ở Cao Bằng và một ở Hungary . Đây là sự kiện nhắc nhở chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại lộ trình khai thác bauxit của VN. Phải cân nhắc suy tính về những hệ quả không lường được trong hiện tại, và cả trong tương lai nữa".

Ông cũng nói thêm: "Giả sử việc vỡ đập xảy ra trong môi trường khai thác bauxit thì thiệt hại sẽ lớn vô kể. Tây nguyên có vị trí rất cao, khi hồ chứa bùn bi bể, thì bùn sẽ đổ ào xuống miền dưới với tốc độ "trở tay không kịp". Bùn đỏ của bauxit có độ kiềm rất cao, gây phỏng và ăn mòn da cấp kỳ. Ngoài ra, số lượng của bùn đỏ trong việc khai thác quặng bauxite lớn gấp nhiều lần so với số lượng bùn khai thác quặng sắt ở Sà Nùng, cho nên một khi hồ chứa bùn bị bể, thì hậu quả sẽ không lường được. Theo ý kiến tôi, thì cần phải dừng ngay việc khai bauxit. Chuyện vỡ đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu như hiện nay: phía Bắc Trung Bộ đã bị lụt lội, phía Nam Trung Bộ đang bị lụt lội, và có nguy cơ, phía Trung Trung Bộ sẽ có lụt lội. Các doanh nghiệp khai thác môi trường thường tận dụng những khe hở của việc quản lý môi trường để kiếm lợi nhuận, nhưng lại không chi trả chút gì cho việc khôi phục môi trường. Có thể nói ngắn gọn là "ăn quịt môi trường."

Tại Hungary , ngày 5/10/2010, đập bùn đỏ chứa chất thải trong kỹ nghệ sản xuất bauxit-nhôm (aluminium) tại vùng Ajka, cách thủ đô Budapest 160km về phía Tây Nam bị vỡ. Khoảng 1.1 triệu m3 nước thải bùn đỏ từ hồ bị vỡ ào ào đổ xuống các vùng thấp xung quanh rộng khoảng 40km2 và một số con sông, trong đó có sông Rabb và sông Danube . Thị trấn Kolontar hoàn toàn bị ngập trong bùn đỏ. Có nơi thấp, bùn đỏ ngập dày tới 2m, nhấn chìm mọi thứ. Theo giới truyền thông Hungary thì cho đến ngày 7/10 bùn đỏ đã cuốn trôì 270 căn nhà, phá hủy nhiều cầu, đường, xe cộ, tài sản, 150 người bị thương do hóa chất gây phỏng, 7 người chết, 5 người mất tích, và 7000 người không có nơi cư trú.

Khi tai nạn xảy ra, ban điều hành Ajka khăng khăng về sự an toàn của các hồ chứa, đã tuyên bố rằng "các hồ chứa bùn đỏ được xây dựng rất hiện đại với hệ thống giám sát tiên tiến, đảm bảo chắc chắn về kiên cố." Họ nói việc vỡ hồ là do tai nạn thiên nhiên. Họ còn thêm là bùn đỏ không độc hại, nhưng trên thực tế, có nhiều người bị phỏng tới 70% vì ngâm lâu trong bùn có độ kiềm rất cao.

Chính quyền Hungary coi đây là thảm họa lớn nhất trong lịch sử quốc gia. Thứ Trưởng Viktor Orban khẳng định: "thảm trạng này là do lỗi lầm nhân sự chứ không phải do thiên tai". Ông cũng ban bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tỉnh bị ảnh hưởng của vỡ đập, và lo ngại thảm họa này có thể tác hại tới 6 nước ở hạ lưu, và tình hình sinh thái ở toàn vùng Âu Châu.

Theo ước tính, phải cần một thời gian dài, và nhiều triệu đô la mới có thể giải quyết được tai nạn thảm khốc này. Hungary đang kêu gọi sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu.

Tai VN, chủ trương khai thác quặng bauxit ở Tây nguyên đã từng gây ý kiến bất đồng của nhiều thành phần trong nước cũng như hải ngoại. Tuy nhiên, theo thời gian, những chống đối cũng lắng dần và hầu như sắp đi vào quên lãng. Đột nhiên thảm họa bùn đỏ ở Hungary đã khơi lại đốm lửa gần tàn. Lại có những kêu gọi làm kiến nghị ký tên tập thể với chừng 2821 người xin ngưng khai thác bauxite. Để đáp lại, nhà nước cử một đoàn làm việc của Ủy ban Khoa học-Công nghệ-Môi trường của Quốc hội VN tới thị sát hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, đang ở trong giai đoạn xây dựng gần hoàn tất. Kết quả của khảo sát là: "các hồ chứa bùn đỏ do Trung Quốc thiết kế với hệ số an toàn cao, chịu được động đất ở cấp độ VII." và " thực tế cao hơn hẳn mức độ an toàn quy định, gây nên tình trạng lãng phí." Người ta thấy CS Hungary hay VN biến thái thì cũng chỉ có một cách giải thích bằng khẳng định.

Như vậy là việc khai thác bauxit ở Tây nguyên vẫn tiếp tục, bất chấp mọi đe dọa. Nếu mà có thảm họa bùn đỏ xảy ra thì cứ đổ cho…thiên tai là xong ! vì thiên nhiên có biết nói đâu mà sợ! Kiến nghị, thỉnh cầu, chữ ký của người dân, trước cũng như sau, đều rơi vào…cõi hư vô.

Và người ta chợt tỉnh ngộ rằng: đất nước là của Đảng chứ không phải của nhân dân !

Hoàng Thế Hiển