HÀ NỘI (NV) Sunday, October 06, 2013 - Ông Hoàng Xuân Quế, Viện phó Viện Tài chính - Ngân hàng của Đại học Kinh tế Quốc dân ở Việt Nam, vừa bị thu hồi văn bằng tiến sĩ do đạo văn.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có rất nhiều lùm xùm trong “ban giám hiệu” thời gian qua. (Hình: Đất Việt) |
Bộ Giáo dục và Đào tạo – nơi từng cấp văn bằng tiến sĩ cho ông Quế, giải thích, họ thu hồi văn bằng tiến sĩ của ông Quế, vì phát giác luận văn tiến sĩ của ông ta (đề tài có tên “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam”) đã chép khoảng 30% luận văn tiến sĩ (đề tài có tên “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”) của ông Mai Thanh Quế.
Đáng ngạc nhiên là ông Mai Thanh Quế bảo vệ luận văn năm 2002, năm sau - 2003, ông Hoàng Xuân Quế chép lại 1/3 như thế nhưng Hội đồng Khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo không phát giác.
Vụ đạo văn này chỉ mới bị phát giác sau khi có tố cáo. Ngoài việc thu hồi văn bằng, học vị tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đề nghị Hội đồng Chức danh Giáo sư thu hồi quyết định công nhận ông Hoàng Xuân Quế là Phó Giáo sư và yêu cầu Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân “xử lý sai phạm” của ông Hoàng Xuân Quế.
Những scandal như vừa kể đang rất phổ biến tại Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều “giáo sư”, “tiến sĩ” như ông Hoàng Xuân Quế. Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng “giáo sư”, “tiến sĩ” nhưng gần như không có ai có sự nghiệp khoa học theo đúng nghĩa của cụm từ này.
Cuối năm ngoái, tại một buổi góp ý cho Luật Khoa học Công nghệ, ông Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhận xét: Mỗi năm, số lượng các bài báo khoa học của Việt Nam, được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế chỉ bằng số lượng của một trường đại học tại Thái Lan.
Cũng tại buổi góp ý đó, ông Hồ Uy Liêm, cựu Phó Chủ tịch VUSTA, than rằng, Việt Nam chưa bao giờ thống kê được là có bao nhiêu đề tài khoa học được nghiên cứu, bao nhiêu phần trăm của những đề tài đó được ứng dụng vào cuộc sống.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, bổ túc thêm rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có tới 18 viện trực thuộc. Riêng khối thuỷ lợi đã có tám viện, 38 trường, 18 hiệp hội và 19 hội chuyên ngành nhưng vẫnkhông thể kết hợp được nghiên cứu với đào tạo, chuyển giao công nghệ, không tạo được sản phẩm quốc gia. (G.Đ.)