THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 October 2013

Đón đầu quy hoạch, cán bộ gom đất!


(NLĐ ) Chủ Nhật, 06/10/2013 22:47

Nắm được thông tin dự án sắp triển khai, được chi trả tiền đền bù hậu hĩnh, không ít người đã thu gom đất của bà con dân tộc thiểu số với giá bèo, sau đó hưởng đền bù tiền tỉ

Thủy điện Đăkdrinh, huyện Sơn Tây là một trong những dự án có số tiền đền bù lớn ở tỉnh Quảng Ngãi.
Mua cả ngọn đồi với giá rẻ mạt
Mới đây, chúng tôi đến xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây. Cả xã nghèo quanh năm gắn bó với núi rừng vẫn còn “nóng” hầm hập chuyện nhận tiền đền bù vừa rồi. Nhiều người bàn tán xôn xao việc ông Đặng Thêm và bà Hồng (người thân của trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây) nhận hàng chục tỉ đồng tiền đền bù từ dự án thủy điện Đăkdrinh.
Một cán bộ xã Sơn Liên nói với chúng tôi: “Nếu các anh muốn biết cụ thể thì hãy đi qua ngọn núi kia. Vô đó, các anh sẽ thấy họ mua hết đất của đồng bào như thế nào. Không phải một vài hecta, họ mua cả ngọn đồi với giá rẻ mạt”.
Một người dân xã Sơn Liên nhận tiền đền bù bị chủ nợ lấy hết
Men theo lối chỉ dẫn, chúng tôi đến thôn Tu Mít và thôn Nước Doa. Quanh năm, người dân ở đây chỉ biết đi rừng, làm lúa rẫy. Anh Đinh Văn Gành, Trưởng khu dân cư thôn Nước Doa, bức xúc: “Hồi trước, đồng bào không biết sẽ xây dựng thủy điện tại đây. Cách nay 2 năm, ông Thêm, bà Hồng đến hỏi mua đất trồng rừng, bảo vệ bản làng với giá 2-3 triệu đồng/ha. Thấy được giá, bà con bán hết cho họ. Đến khi thấy địa phương chi trả tiền đền bù, bà con mới biết mình bị lừa. Hộ nào nhận tiền về cũng bị ông Thêm, bà Hồng chặn lấy hết vì đã bán đất cho họ”.
Tiền bán đất chỉ tiêu xài được vài hôm đã hết sạch. Sau đó, hàng chục hộ ở 2 thôn Nước Doa và Tu Mít chỉ còn cách lên rừng đốn củi về bán mua gạo sống qua ngày. Không ít hộ lại trở thành con nợ của những người mua đất.
Không chỉ Nước Doa và Tu Mít, tại nhiều thôn khác ở xã Sơn Liên, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe những câu chuyện đau lòng về việc người dân trở thành con nợ của những “cán bộ tốt bụng”, nơi nào cũng thấy họ bị lừa bán đất với giá rẻ. Ông Đinh Văn Rót (xóm Ngèo, thôn Nước Vương) dù được nhận tiền đền bù và hỗ trợ đến 1,2 tỉ đồng, đang bị bệnh nặng nhưng không có tiền mua thuốc uống.
Ông Rót là người phát được nhiều rẫy nhất ở xóm Ngèo nhưng bị con rể là Đinh Văn Nuôi trót bán hết cho ông Thêm với giá mỗi đám rẫy chỉ bằng vài con gà. Khi nhận tiền đền bù và hỗ trợ, ông Trót được ông Thêm cho lại 100 triệu đồng nhưng nay đã trả nợ hết.
Xác định cán bộ liên quan
Ông Đinh Kà Để, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây, cho biết năm 2007, khi triển khai dự án thủy điện Đăkdrinh, lợi dụng việc biết trước thông tin về khu vực giải tỏa và mức đền bù, con buôn và một số cán bộ cho người thân đến dụ dỗ người dân để thu gom đất với giá rẻ. Đến năm 2009, tình hình mua đất trái phép ở đây diễn biến hết sức phức tạp. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Huyện ủy đã có chủ trương cấm mua bán đất nằm trong diện đền bù. Tuy nhiên, nhiều bà con vẫn bị lừa bán đất cho nhưng đối tượng thu gom.
Theo ông Để, trong đợt chi trả tiền đền bù vừa rồi, xã Sơn Liên có 46 hộ nhận tổng cộng đến 41 tỉ đồng. Sắp tới, huyện sẽ chi trả tiền đền bù cho 2 xã Sơn Dung và Sơn Long với khoảng 150 tỉ đồng. Chuyện tiền đền bù đất đai, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của bà con lọt vào túi người khác chắc sẽ còn diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ lụy.
“Hiện nay, dù chúng tôi nghiêm cấm nhưng việc mua bán đất trong vùng giải tỏa vẫn âm thầm diễn ra. Để xác định đối tượng lừa bà con để mua đất giá rẻ rồi chờ nhận tiền đền bù, chúng tôi đã yêu cầu các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ” - ông Để cho biết.
Theo ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm điểm và làm rõ hành vi của ông Đinh Văn Lan, cán bộ phòng này, vì liên quan đến việc mua bán đất đền bù dự án thủy điện Đăkdrinh.
UBND huyện Sơn Tây cũng yêu cầu chủ tịch Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện Đăkdrinh không phân công nhiệm vụ cho ông Nguyễn Anh Dũng (Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây kiêm phó chủ tịch Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án) vì có người thân tham gia mua bán đất trong khu vực dự án.

Bài và ảnh: Tử trực