Trong khi doanh nghiệp đang “sống dở chết dở” thì tiền nhà băng vẫn chạy lòng vòng, không thể đưa vào sản xuất. Kết cục: doanh nghiệp hoạt động khó khăn, phải đóng cửa, nợ hiện tại lại trở thành nợ xấu còn tiền vẫn “ế” chỏng chơ trong ngân hàng, như vậy nền kinh tế sẽ còn trì trệ.
Ngân hàng Nhà nước
cho biết, tính đến 20/8, tín dụng của toàn hệ thống mới tăng 5,41% so
với tháng 12/2012, trong khi đó, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại
các tổ chức tín dụng tăng 9,48% so với cuối năm 2012. Huy động nhiều,
cho vay ít đang đặt các ngân hàng vào thế khó xử.
Tín dụng khó đạt kế hoạch
Ngân hàng Nhà nước đang muốn đẩy mạnh
tăng trưởng tín dụng để hoàn thành kế hoạch tăng 12% trong năm 2013, với
lý do đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế từ 5-5,5%. Tuy nhiên nhìn vào con
số trên nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng tín dụng khó đạt kế hoạch.
Đến nay lãi suất cho vay đã hạ đáng kể, giúp cho các DN có điều kiện
tiếp cận vốn dễ dàng hơn, tuy nhiên theo các chuyên gia, những lĩnh vực
trước kia ngân hàng "bơm" vốn mạnh và cũng là nơi hút nhiều vốn ngân
hàng nhất là bất động sản, xi măng, thép, điện, khai khoáng, thủy sản...
hiện đều bê bết, thậm chí còn thua lỗ, đình đốn, ngừng trệ. Ngân hàng
từ lâu cũng đã hạn chế cung vốn cho các lĩnh vực này, vì vậy muốn đẩy
vốn ra không dễ.
Một vấn đề khiến các chuyên gia kinh tế
lo ngại nữa chính là tổng cầu yếu. Tổng cầu yếu khiến cho sản xuất đình
đốn, không có đầu ra và nhu cầu về vốn thấp. Theo Tổng cục Thống kê,
tính đến đầu tháng 8/2013 sức cầu vẫn yếu ớt, tổng mức bán lẻ hàng hóa
và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012, nếu
loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5,1%, một mức tăng rất thấp so với bình
quân nhiều năm trước.
Trong khi đó, sức khoẻ DN đang sa sút
trầm trọng. Số DN xếp hạng tốt đã giảm mạnh nên tiềm ẩn không ít rủi ro
trong tín dụng. Một số ngân hàng cho biết, thời gian qua tập trung rót
vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, song nợ xấu trong các lĩnh vực này đang
bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh. Tồn kho thủy sản, tồn kho lương thực đang
tăng cao, không những thế giá tồn kho cao hơn giá thị trường.
Trên thực tế, những tháng cuối năm nhu
cầu về vốn thường tăng cao hơn. Nhưng quan trọng nhất là sự khôi phục
thực sự của kinh tế chưa rõ ràng, đẩy vốn ra khó đạt mục tiêu.
Đem tiền đi đâu?
Theo các chuyên gia, với tổng số dư tiền
gửi tăng 9,48%, ước đạt khoảng 300.000 tỷ đồng, cộng với từ đầu năm đến
nay Ngân hàng Nhà nước đã tung ra 70.000 tỷ đồng mua vào gần 4 tỷ USD
qua các ngân hàng thương mại - một lượng vốn lớn. Trong khi đó, các ngân
hàng mới chỉ cho vay được khoảng 170.000 tỷ đồng (5,41%), mua trái
phiếu Chính phủ khoảng 100.000 tỷ đồng, số tiền còn lại ngoài trích lập
dự phòng rủi ro, thanh toán những khoản đến hạn cho khách hàng... nên
vẫn còn một khoản lớn không biết giải quyết thế nào?
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ
tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến hết tháng 6/2013 các
ngân hàng thương mại đã gửi ra nước ngoài khoảng 2,5 tỷ USD.
Ngoài ra, số tiền đó có thể dành để đảo
nợ. Một trong những biện pháp phổ biến nhất chính là việc hỗ trợ giải
ngân các khoản vay mới cho các khách hàng để trả nợ cũ, khi đó nợ xấu
giảm, sổ sách ngân hàng sẽ đẹp lên.
Tuy nhiên, các hướng xử lý trên với số
vốn huy động lớn chưa hẳn là điều tốt. Theo phân tích của các chuyên
gia, việc phát hành trái phiếu Chính phủ quá nhanh sẽ có nguy cơ chèn ép
mạnh đầu tư của khu vực tư nhân và làm giảm tăng trưởng kinh tế một khi
đồng vốn vay không được khu vực công sử dụng hiệu quả. Nhiều người vẫn
băn khoăn về các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước thường có hiệu quả
không cao và lo ngại tham nhũng, quản lý yếu kém...
Về bản chất, trái phiếu Chính phủ là
khoản vay, tức là vay thì phải trả nợ gốc và nợ lãi. Thế nhưng, hầu hết
số vốn huy động lại đầu tư vào những lĩnh vực không có thu hồi (y tế,
giáo dục, thủy lợi, giao thông), nên toàn bộ gánh nặng trả nợ gốc và nợ
lãi sẽ thuộc về ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra việc gửi tiền ra nước ngoài
cũng được cho là nghịch lý lớn bởi đồng vốn đang chạy lòng vòng, không
được đưa vào sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, còn việc đảo nợ được cho
là hoạt động tín dụng không sinh lợi.
Trong khi đó hiện tượng huy động vượt
trần lãi suất vẫn không hề giảm. Hiện tại khách hàng vẫn có thể gửi tiền
vào một số ngân hàng thương mại cổ phần với lãi suất 9,2- 9,8% cho kỳ
hạn 1 tháng, vượt trần quy định trên 2% và vượt xa so với mức 5-6% của
nhiều ngân hàng thương mại quốc doanh. Đây cũng là điều bất thường.
Nhiều ý kiến cho rằng điều đó chứng tỏ
sự bất ổn của nền kinh tế vẫn chưa mấy được cải thiện. Trong khi doanh
nghiệp đang "sống dở chết dở" thì tiền vẫn chạy lòng vòng không thể đưa
vào sản xuất. Kết cục: doanh nghiệp hoạt động khó khăn, phải đóng cửa,
nợ hiện tại lại trở thành nợ xấu còn tiền vẫn "ế" chỏng chơ trong ngân
hàng, như vậy nền kinh tế sẽ còn trì trệ.