THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 September 2013

Loay hoay tìm phương án xây dựng đường sắt Bắc - Nam !

Loay hoay tìm phương án xây dựng đường sắt Bắc - Nam  
Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có sẽ được nâng cấp. Ảnh: KỲ ANH

Bộ GTVT và Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa tổ chức hội thảo về “Định hướng phát triển GTVT trục bắc - nam” tập trung phân tích 2 phương án: Nâng cấp chất lượng tuyến đường hiện có và sẽ xây dựng một tuyến đường mới... 

Theo Cục ĐSVN, nhằm hướng tới mục tiêu kết nối đường sắt giữa các quốc gia trên thế giới, dựa trên tỉ trọng các quốc gia sở hữu khổ đường sắt tiêu chuẩn, Tổ chức Quốc tế về đường sắt (UIC) đã thống nhất chọn khổ 1.435mm là khổ đường tiêu chuẩn quốc tế.

Đường sắt Việt Nam với công nghệ lạc hậu, quản lý còn nhiều bất cập, đã và đang là nút thắt của nền kinh tế, cần phải sớm được gỡ bỏ.

Theo 2 phương án đề xuất tại hội thảo thì phương án 1 là sẽ xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm điện khí hóa chạy chung tàu khách và tàu hàng với vận tốc thiết kế là 150km/h, vận tốc khai thác tàu khách 130km/h và tàu hàng là 100km/h, với tổng đầu tư khoảng 42.181 triệu USD; phương án 2 xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm điện khí hóa, chỉ chạy tàu khách vận tốc thiết kế 200km/h và vận tốc khai thác 175km/h, có tổng mức đầu tư khoảng 39.619 triệu USD.

Qua phân tích so sánh về quy mô đầu tư, phương án 1  chi phí lớn hơn (khoảng 2.611 triệu USD) vì công năng sử dụng cao hơn do chạy chung với tàu hàng và phương thức điều hành vận tải cũng gặp phải nhiều khó khăn do chi phí bảo dưỡng...
Vận tải đang mất cân đối nghiêm trọng

Thời gian gần đây, vai trò hoạt động  và năng lực cạnh tranh của dịch vụ vận tải đường sắt giảm do năng suất LĐ thấp và giá cước vận tải cao (vé hành khách HN-TPHCM cao gấp đôi đường bộ và gần bằng với vé hàng không giá rẻ), thị phần giảm sút mạnh 4% hành khách và 1% hàng hoá vào năm 2012.

Do vậy, cần phải cơ cấu lại và thay đổi phương thức quản lý, khai thác triệt để lợi thế tỉ trọng tiêu hao năng lượng thấp, chuyển dần từ sức kéo diesel sang sức kéo điện, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ vận tải đường sắt.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, hiện nay sự phân bổ trong các phương thức vận tải ở Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng, chủ yếu là đường bộ, còn đường sắt và đường thuỷ nội địa đang giảm mạnh.

Bộ GTVT yêu cầu ngành đường sắt cần xác định rõ quy mô  nào và khai thác được ở công năng nào để xây dựng quy mô đường sắt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH.

Theo Cty CP tư vấn đầu tư và  xây dựng GTVT (đơn vị tư vấn) tuyến đường sắt Thống Nhất Hà Nội - TPHCM đi qua 21 tỉnh, thành có tổng chiều dài 1.726km, trong đó nhiều đoạn xung yếu thường bị ngập lụt, sạt lở, nhất là qua các khu vực đèo. Các công trình trên tuyến, ray, tà vẹt... và hệ thống thông tin liên lạc chạy tàu rất lạc hậu.

Dự kiến tổng vốn cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam khoảng 39.873 tỉ đồng, sau khi nâng cấp, tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp 1 với tốc độ chạy tàu bình quân đạt 80-90km/giờ. Năng lực thông qua toàn tuyến bằng 25 đôi tàu/ngày đêm, dự kiến đến năm 2020 đạt 16,2 triệu lượt hành khách (tăng 2,35 lần hiện tại) và 6,6 triệu tấn hàng hoá (tăng 2,36 lần hiện tại).
Ông Trần Đình Bá cược 100 tỉ đồng về tốc độ của đường sắt 1.000mm

Sau khi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông công bố thông tin: “Nâng cấp đường sắt 120km/h sẽ rút thời gian tàu chạy Hà Nội-TPHCM xuống còn 21-23 giờ”, tiến sĩ Trần Đình Bá (Hội Kinh tế và Vận tải ĐSVN) đã gửi thư ngỏ tới Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông để “thách đấu” về tốc độ “đường sắt đồ cổ” khổ 1 mét với số tiền “khủng” 5 triệu USD (khoảng 100 tỉ đồng).

Tại thư ngỏ, sau nhiều phân tích chi tiết về chuyên môn, ông Trần Đình Bá cho rằng - với trách nhiệm của một nhà khoa học có lương tri vì lợi ích nhân dân - xin thách đấu với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông 2 điều kiện thực hiện sau:

Điều 1: Nói đi đôi với làm, Thứ trưởng Đông hãy ngồi lên tàu chạy thực nghiệm 120km/h để có tốc độ trung bình 80-90km/h, để hành trình Bắc-Nam đạt 21-23 giờ. Nếu thành công, ông Bá coi ông Đông  là “người anh hùng” và sẽ thưởng cho ông Đông 5 triệu USD (khoảng 100 tỉ đồng).

Điều 2: Nếu Thứ trưởng Đông không dám chạy thử nghiệm 120km/h, tốc độ trung bình không thể đạt 80-90km/h, hành trình Bắc - Nam không đạt 21-23 giờ, lại để xảy ra lật tàu chết người, ông Đông sẽ phải trả cho ông Bá 5 triệu USD.

.