trích từ Facebook Sơn Cao. 03082013.
SÀI GÒN (NV) .- Lần đầu tiên thương phế binh VNCH đang sống tại Việt Nam được mời họp mặt để nhận sự tri ân từ công chúng được tổ chức tại tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn hôm Thứ Hai vừa qua.
Một trong những “thương phế binh VNCH” đến tham dự buổi tri ân tổ chức ở tu viện Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn, ngày Thứ Hai 29/7/2013. (Hình: website chuacuuthe.com)
Ngày 27 tháng 7 hàng năm, là ngày mà chế độ Hà Nội tổ chức các hoạt động “nhớ ơn” những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh tính mạng, xương máu của họ cho việc áp đặt chính thể cộng sản trên tòan Việt Nam.
Năm nay, đúng vào dịp này, một buổi tưởng nhớ, tri ân những thương phế binh, tử sĩ VNCH đã được tổ chức công khai tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cũng là tu viện dòng Chúa Cứu Thế tại quận 3, Sài Gòn.
Theo tường thuật của website chuacuuthe.com, việc tổ chức tri ân thương phế binh, tử sĩ VNCH là sáng kiến của Thượng tọa Thích Không Tánh (Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất), với sự hỗ trợ vật chất của ân nhân sống tại Vancouver, Canada.
Thượng tọa Thích Không Tánh đã từng tổ chức tặng quà cho thương phế binh VNCH nơi ngài trụ trì nhưng những buổi phát quà này thường xuyên bị an ninh Việt Nam ngăn chặn và các linh mục, tu sĩ của tu viện Dòng Chúa Cứu thế ở đường Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn đã nhận lời đứng ra tổ chức buổi tri ân vừa kể.
Ban Tổ chức cho biết, lúc đầu, họ phát ra 149 thư mời nhưng giờ chót, có đến 220 thương phế binh VNCH tìm đến tham dự. Thể theo lời yêu cầu hỗ trợ của Ban tổ chức, khoảng 20 thanh niên là giáo dân thuộc nhiều giáo xứ ở Sài Gòn đã tình nguyện đến phục vụ “qúy ông thương phế binh VNCH” (cách gọi khách mời của Ban Tổ chức). Các thiện nguyện viên đã đón, bế những “qúy ông thương phế binh VNCH” bị thương nặng vào phòng hội. Một thiện nguyên viên cho biết, chị nghe lời kêu gọi hỗ trợ khi đi lễ, chị đến để tiếp sức như một cách để tưởng nhớ anh trai, một quân nhân Quân lực VNCH đã mất tích cách nay 40 năm.
Chức sắc các tôn giáo bày tỏ sự tri ân “quý ông thương phế binh VNCH” đã đến tham dự buổi họp mặt tại Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn. (Hình: website chuacuuthe.com)
Lần đầu tiên sau 38 năm từ “ngày giải phóng miền Nam”, “quý ông thương phế binh VNCH” – những người đã hy sinh một phần thân thể cho việc bảo vệ tự do của quê hương nhưng lại là một trong những đối tượng bị ngược đãi, bỏ rơi được nghe đại diện nhiều tôn giáo (Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, Cao Đài chân truyền) bày tỏ sự tri ân về những hy sinh của họ.
Cụ Lê Quang Liêm, 93 tuổi, đại diện Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, tâm tình rằng, “qúy ông thương phế binh VNCH” là ân nhân của đất nước và ông đến dự buổi họp mặt để bày tỏ lòng tri ân đến họ.
Ông Hứa Phi, một Hiền huynh Chánh trị sự của Cao Đài chân truyền bày tỏ sự mong mỏi những người đã hiến một phần thân thể bảo vệ tự do của quê hương “hướng dẫn thế hệ trẻ trong khả năng hiện có”. Ông Phi nhận định, thương binh và gia đình liệt sĩ của chính quyền CSVN cũng đang trở thành dân oan, để đề nghị “cùng cầu nguyện quyền năng thiêng liêng của Đấng Tối cao giúp Việt Nam sớm thoát khỏi khổ nạn của chế độ cộng sản vô thần”.
Mục sư Nguyễn Hồng Hoa, đại diện Tin Lành, cho rằng, đạo đức đang suy đồi, đặc biệt là trong giới trẻ, vì vậy, ông hy vọng “quý ông thương phế binh VNCH” quan tâm đến lớp trẻ, đặc biệt là con cháu của “quý ông thương phế binh VNCH”, để hướng dẫn con cháu.
Một thương phế binh VNCH tâm sự với cử tọa, đây là lần đầu tiên sau 38 năm, ông được nghe người khác cám ơn sự hy sinh của ông và cũng là lần đầu tiên sau 38 năm, ông được ăn một bữa ăn ngon miệng.
Theo tường thuật của website chuacuuthe.com, Thượng tọa Thích Không Tánh cũng như một số đại diện khác của Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, Cao Đài chân truyền đã không thể đến dự buổi họp mặt, tri ân “quý ông thương phế binh VNCH” vì bị an ninh Việt Nam ngăn chặn.
Giống như nhiều lần trước, một số sĩ quan an ninh của Công an Việt Nam đã xâm nhập khuôn viên Giáo xứ Đức mẹ hằng cứu giúp và Tu viện Dòng Chúa Cứu thế để theo dõi, quay phim, chụp ảnh nhưng họ đã bị các tu sĩ, linh mục, giáo dân mời ra ngoài bởi họ không phải là đối tượng được mời. (G.Đ)
VHP chuyển