(Dân trí) - Ấn Độ dự kiến hạ thủy hàng không mẫu hạm tự chế đầu tiên, INS Vikrant, vào tuần tới và sự kiện này sẽ đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới sau Mỹ, Nga, Anh và Pháp có khả năng tự đóng các tàu sân bay.
Tàu sân bay Vikrant được đóng tại nhà máy đóng tàu Kochi.
"Khoảng 83% công tác chế tạo và 75% công tác thi công sẽ hoàn thành khi con tàu hạ thủy", phó tư lệnh hải quân Ấn Độ, Đô đốc Robin Dhowan cho biết.
Công việc còn lại, bao gồm khu vực dành cho máy bay trên tàu sân bay, sẽ tiếp tục được hoàn thiện. INS Vikrant dự kiến sẽ được biên chế trong hải quân Ấn Độ vào năm 2018.
Đô đốc Dhowan cũng cho hay tàu sân bay tự chế trọng tải 40.000 tấn là một trong những dự án tàu chiến uy tín nhất và cũng là lớn nhất của Ấn Độ xét về quy mô và độ phức tạp. Con tàu do hải quân Ấn Độ thiết kế.
Vikrant sẽ có 2 đường băng cất cánh và một đường băng hạ cánh với 3 cáp hãm có khả năng thực hiện việc cất cánh cự ly ngắn và hãm đà hạ cánh (STOBAR). Các máy bay chiến đấu chủ đạo trên tàu sẽ là các chiến đấu cơ MiG -29k do Nga chế tạo.
Phiên bản hải quân của Máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) do Ấn Độ chế tạo dự kiến cũng sẽ hoạt động trên hàng không mẫu hạm Vikrant. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào việc khi nào phiên bản LCA dành cho hải quân được chế tạo và hoạt động có hiệu quả hay không.
Vikrant sẽ được trang bị một hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa cùng radar đa chứng năng, hệ thống vũ khí tầm ngắn và khoảng 30 máy bay chiến đấu. Con tàu có thể chở hơn 1.400 thủy thủ.
Hải quân Ấn Độ mất 7 năm để chế tạo tàu sân bay Vikrant, vốn được xem là thành công lớn của chương trình tự chế.
Việc hạ thủy con tàu sẽ đưa Ấn Độ vào câu lạc bộ, hiện bao gồm 4 quốc gia, có khả năng chế tạo và vận hành tàu sân bay trọng tải 40.000 tấn.
An BìnhTheo NDTV