THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 August 2013

Chuẩn bị nhiều phương án sơ tán công dân Việt Nam tại Ai Cập

(TNO) Chiều nay (20.8), Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đào Thành Chung về tình hình Ai Cập cũng như khả năng sơ tán công dân Việt Nam khi xảy ra tình hướng xấu.
Đại sứ Đào Thành Chung: Kể từ sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ hôm 30.6 đến nay, tình hình Ai Cập có những diễn biến hết sức khó lường. Ngày 14.8 quân đội đã tiến hành cuộc trấn áp nhằm giải tán hai cuộc biểu tình của những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi. Bạo lực đã nổ ra và số người chết, người bị thương rất lớn. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập có tới 557 người chết, trên 3.000 người bị thương. Phía Ai Cập nói đây là sự việc đáng tiếc vì mong muốn của họ là giải tán biểu tình trong hòa bình. Trong những ngày qua đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo động, đốt phá lan rộng.
Sau khi Ai Cập ban bố tình trạng khẩn cấp cùng với hàng loạt biện pháp an ninh được triển khai thì Cairo đã tạm thời yên tĩnh. Tuy nhiên, theo tôi đây cũng chỉ là sự yên tĩnh tạm thời. Tình hình vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các cuộc xung đột, đụng độ có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (MB) tuyên bố họ sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình trong khi Chính phủ lâm thời coi các hành động biểu tình, đốt phá là “khủng bố” và khẳng định sẽ đối phó một cách cứng rắn và kiến quyết .
* Tình hình này đã ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng người Việt Nam tại Ai Cập?
Đại sứ Đào Thành Chung: Theo số liệu mà chúng tôi nắm được, hiện có 81 công dân Việt Nam đang sinh sống làm việc tại Ai Cập. Trong đó chủ yếu cán bộ, nhân viên đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao và các thành viên gia đình đi theo. Ngoài ra, còn có một số học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường của Ai Cập.
Bên cạnh đó là một số lao động và người Việt có vợ hoặc chồng đang làm việc cho các công ty, tổ chức quốc tế. Ngoại trừ một số chị em lấy chồng Ai Cập đang sống ở các vùng nông thôn thì hầu hết mọi người đều đang sống tại thủ đô Cairo.
Theo các thông tin hiện tại thì rất may mắn là chưa có sự vụ nào đáng tiếc xảy ra đối với cộng đồng người Việt.
Đại sứ quán vẫn thường xuyên liên hệ với cộng đồng người Việt để thông báo và cảnh báo về tình hình. Chúng tôi đã khuyến nghị các công dân Việt Nam nên tránh xa các khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an ninh, an toàn. Bên cạnh đó, cần giữ liên lạc với đại sứ quán để cập nhật tình hình. Đại sứ quán cũng đồng thời khuyến nghị công dân nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa; tích trữ lương thực, thực phẩm đề phòng bạo loạn xảy ra.
Đại sứ quán cũng thường xuyên được chỉ đạo sát sao từ Bộ Ngoại giao. Hiện chúng tôi đang xây dựng phương án cho những trường hợp xấu nhất xảy ra, kể cả việc đóng cửa Đại sứ quán và sơ tán cộng đồng người Việt. Bộ Ngoại giao cũng sẵn sàng có những hình thức hỗ trợ khi cần thiết.
* Ông có thể cho biết các phương án cụ thể là như thế nào không?
Đại sứ Đào Thành Chung: Hiện có nhiều phương án, cụ thể thế nào sẽ thực hiện theo tình hình cụ thể cũng như ý kiến chỉ đạo từ trong nước. Do số lượng người Việt ở Ai Cập khá ít nên các phương án của ta cũng linh hoạt. Một số nước có số lượng công dân lớn ở Ai Cập như Thái Lan (khoảng 2.000 người) vừa qua đã có quyết định đưa máy bay sơ tán công dân khi tình hình bạo lực leo thang. Một số nước ASEAN có sinh viên theo học ở Ai Cập như Brunei, Singapore,  Malaysia, Indonesia, Philippines cũng đã bắt đầu sơ tán công dân của mình.
Hiện tại chúng tôi khuyến nghị các sinh viên đã hoàn thành chương trình học tập tại Ai Cập nhanh chóng thu xếp để về nước. Các công việc, thủ tục còn lại, Đại sứ quán sẽ cử đại diện liên hệ với nhà trường để giải quyết. Đối với các sinh viên đang tiếp tục theo học, Đại sứ quán đã đề nghị với các trường bố trí các em vào ở trong các khu ký túc xá để đảm bảo an toàn. Chúng ta cũng có một số lao động hiện đang làm việc tại một nhà hàng Việt Nam ở một địa điểm du lịch nổi tiếng, tuy nhiên khu vực này tương đối ổn định, không có xảy ra biểu tình, bạo động.
Ngoài ra, còn một số công dân Việt Nam khác có vợ hoặc chồng đang làm việc cho các công ty, tổ chức quốc tế cũng cho biết đã có chuẩn bị phương án riêng của mình.
* Ông dự đoán như thế nào về tình hình trong thời gian tới?
Đại sứ Đào Thành Chung: Như tôi đã nói ở trên, sau khi xảy ra sự kiện 30.6 dẫn đến cuộc phế truất Tổng thống Morsi thì tình hình Ai Cập rất khó lường. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (MB) là một lực lượng chính trị rất lớn ở Ai Cập hoạt động từ hơn 80 năm qua. Chủ trương của họ trước nay là không có sự thỏa hiệp. Trong bối cảnh hiện tại, việc sắp tới MB sẽ quyết định như thế nào vẫn còn là một ẩn số. Vẫn chưa rõ họ sẽ tiếp tục con đường đấu tranh bạo lực hay có những biện pháp hòa bình và tham gia vào chính phủ mới. Không có gì rõ ràng ở thời điểm này nhưng tình hình tiềm ẩn rất nhiều bất ổn.  
Sau khi Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, duy trì lệnh giới nghiêm thì tình hình có vẻ như đã có lắng dịu. Quân đội Ai Cập thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc đưa tình hình an ninh trở lại ổn định. Chính quyền đã tiến hành rất nhiều vụ bắt bớ, ước tính có hơn 1.000 nhân vật chủ chốt của MB đã bị bắt giữ. Tin mới nhất là giáo chủ số 1 của MB là Mohamed Badie đã bị bắt sáng nay 20.8.
* Xin Đại sứ cho biết hiện tinh thần của cộng đồng người Việt hiện như thế nào trước những diễn biến phức tạp tại Ai Cập?
Đại sứ Đào Thành Chung: Có lẽ nếu theo dõi các thông tin được cập nhật liên tục trên các phương tiện truyền thông thì nhiều người sẽ nghĩ rằng tình hình rất xấu. Nhưng là những người trong “tâm bão” thì chúng tôi vẫn cảm thấy bình thường. Trừ những khu vực xảy ra biểu tình thì mọi sinh hoạt ở Cairo vẫn diễn ra khá bình thường. Ai Cập là như vậy. Tình hình hiện nay cũng tương tự như cuộc cách mạng 25.1 (2011), nơi nào có biểu tình thì tập trung rất đông người và có khả năng xảy ra đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát trong khi những nơi khác vẫn hoàn toàn bình thường. May mắn là hiện nay chưa xảy ra các cụ cướp phá như năm 2011 do quân đội Ai Cập vẫn có khả năng đảm bảo được an ninh, an toàn cho các công sở cũng như người dân. Tất nhiên nguy cơ bạo lực tiếp diễn vẫn có thể xảy ra.
* Xin cảm ơn Đại sứ.

Không có lao động Việt Nam tại Ai Cập
Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết Ai Cập thuộc khu vực Trung Đông - một thị trường lao động mới, rất tiềm năng, và hiện tại một số công ty đang triển khai đưa người lao động sang các nước thuộc khu vực này. Ngay tại Lybia, nước láng giềng với Ai Cập, hiện có hàng ngàn lao động (LĐ) Việt Nam đang làm việc.
Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Ai Cập chưa ký kết hiệp định hợp tác lao động nên có thể khẳng định, tại Ai Cập không có LĐ Việt Nam. Cục cũng chưa cấp phép cho các công ty đưa LĐ sang thị trường này. Nếu có là chỉ có sinh viên và những người Việt sinh sống lâu năm tại đây. (Thu Hằng)
Trường Sơn (thực hiện)