THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 August 2013

Bòn rút lòng sông Cửu Long

Hiện có khoảng 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát dọc sông Cửu Long với khối lượng hằng năm khoảng 28 triệu m3. ĐBSCL hiện đang đối mặt với nạn mất đất do khai thác cát bừa bãi

Phóng viên:Là đơn vị chuyên nghiên cứu về chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai, ông đánh giá thế nào về những bất cập của hoạt động khai thác cát trên sông Cửu Long hiện nay?
 
Khai thác cát trên sông Tiền thuộc thủy phận TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đ
ang khiến người dân lo lắng vì sợ sạt lở bờ sông. Ảnh: THỐT NỐT
- PGS-TS Đinh Công Sản -
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về ảnh hưởng hoạt động khai thác cát đến thay đổi lòng dẫn sông Cửu Long (sông Tiền và sông Hậu) và đề xuất giải pháp quản lý, quy hoạch khai thác hợp lý.
Điều tra khảo sát ở các địa phương cho thấy trữ lượng cát lòng sông Cửu Long khoảng 816 triệu m3 phân bố trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vinh. Dự báo nhu cầu sử dụng cát trong tương lai của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL và TP HCM đến năm 2020 lên tới khoảng 1.000 triệu m3. Hiện ở 13 địa phương ĐBSCL có khoảng 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại các mỏ cát dọc sông Cửu Long, khối lượng khai thác hằng năm khoảng 28 triệu m3. Như vậy, với tốc độ khai thác như hiện nay, toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa. Nếu khai thác toàn bộ trữ lượng này mà không xem xét tác động đến môi trường, hậu quả sẽ rất khó lường.
Thưa ông, đây có phải là hậu quả của việc cấp phép dễ dãi của các địa phương cũng như quy trình khai thác cát hiện nay đang có nhiều vấn đề cần báo động?
- Quy hoạch khai thác cát của các tỉnh hiện nay còn một số tồn tại: Chưa xem xét độ sâu giới hạn được khai thác, nếu khai thác quá độ sâu này thì lòng sông sẽ bị thay đổi, dẫn đến sạt lở; chưa tính toán được lượng cát từ thượng nguồn về bồi lắng tại khu vực cấp phép nên chưa xem xét khối lượng được khai thác trên đoạn sông đó là bao nhiêu để bảo đảm ổn định lòng sông; chưa kết hợp khai thác cát để chỉnh trị lòng sông như điều chỉnh dòng chảy, tăng khả năng thoát lũ, cải thiện tuyến giao thông thủy; chưa có quy trình khai thác phù hợp để vừa bảo đảm chất lượng cát vừa giảm thiểu tác động tiêu cực (xói bồi) tại khu vực khai thác cát và vùng lân cận…
Có lẽ do thuế, phí tài nguyên khai thác cát quá thấp (chỉ dao động trong khoảng 3.000-5.000 đồng/m3) nhưng bán được giá cao nên cát được xem là món hàng siêu lợi nhuận. “Cát tặc” ngày càng gia tăng, khai thác mọi nơi, nguy hiểm nhất là khu vực gần bờ, gần các công trình trên sông, bên sông vì thiết bị khai thác nhỏ, cơ động và chi phí vận chuyển thấp. Có doanh nghiệp được cấp phép còn khai thác khối lượng cát lớn hơn nhiều so với giấy phép, khai thác sai vị trí, sai thời gian… so với giấy phép, dễ làm khó bỏ, gây lãng phí tài nguyên.
Ngoài ra, còn có tình trạng các doanh nghiệp chuyển nhượng giấy phép khai thác cho các đơn vị không đủ năng lực. Trong khi đó, lực lượng quản lý quá mỏng, phân định chức năng không rõ ràng, chồng chéo, mức độ xử phạt rất thấp, không đủ sức răn đe đã làm cho hoạt động khai thác cát trên sông Cửu Long trở nên rất phức tạp.
Liên tiếp các vụ sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu xảy ra trong thời gian qua có phải do nạn khai thác cát bừa bãi?
- Không phải tất cả các vụ sạt lở đều do khai thác cát nhưng khai thác không đúng giấy phép là một trong những nguyên nhân gây sạt lở. Điển hình, vụ sạt lở tại xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đêm 29-10-2012 làm vỡ 4 hầm và chìm 23 bè cá của người dân. Khu vực bị sạt lở có chiều dài hơn 200 m, rộng hơn 40 m với khoảng 8.000 m2 đất trôi ra sông. Các cơ quan chuyên môn đã kịp thời vào cuộc và kết luận nguyên nhân sạt lở là do khai thác cát gần bờ và quá sâu, vượt phạm vi cho phép trong quy hoạch khai thác được cấp.
Vậy theo ông, có cần cấm khai thác cát để hạn chế sạt lở bờ sông?
- Khai thác cát sẽ làm cho dòng chảy thông thoáng hơn nếu chúng ta khai thác đúng vị trí và tận dụng được tài nguyên cát cho các mục đích phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã lập bản đồ định hướng quy hoạch tổng thể khai thác cát trên sông Cửu Long đến năm 2018 tỉ lệ 1/125.000, gồm: đánh giá khối lượng khai thác còn lại của các mỏ cát trên sông Cửu Long, vị trí - phạm vi - trữ lượng cát của mỏ, chiều sâu ổn định lâu dài của đoạn sông… Đồng thời, lập định hướng quy hoạch khai thác cát chi tiết cho 4 vùng trọng điểm: Tân Châu - Hồng Ngự, Mỹ Thuận - Vĩnh Long, TP Long Xuyên và Thốt Nốt - Cần Thơ.
Ngoài các thông tin chung này, trên bản đồ quy hoạch tổng thể cho toàn tuyến sông Cửu Long, bản đồ chi tiết có thêm thông tin về diện tích khai thác, vùng khai thác cát xây dựng hoặc san lấp, vùng cần khai thông dòng chảy, các vùng cấm khai thác - nạo vét…
 
Khai thác cát biến tướng
Nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng gia tăng, nhiều nước trên thế giới có hiện tượng cấp phép khai thác cát dưới nhiều hình thức: kiểm soát lũ, nạo vét luồng lạch... Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, các dự án “duy tu, nạo vét” cần có luận chứng rõ ràng. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm xem xét, đánh giá việc “duy tu, nạo vét” có thực sự cần thiết cho thoát lũ và giao thông thủy; tác động của “duy tu, nạo vét” có gây sạt lở lòng sông, bờ sông hay không...? Đặc biệt, cân nhắc lợi ích tổng hợp của các ngành kinh tế để tránh hiện tượng lợi dụng, núp bóng “duy tu, nạo vét” để khai thác cát.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá hệ thống chính sách hiện có, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khuyến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo hướng quy định rõ các biện pháp phòng chống các hành vi cấu kết lũng đoạn hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Thu Sương thực hiện