THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 July 2013

Hoa Kỳ bài binh bố trận trên biển Đông

Sau thông tin triển khai thêm “hung thần chiếm đảo” MV-22 Osprey đến Nhật Bản, lại có báo cáo máy bay trinh sát săn tàu ngầm P3C Orion của Mỹ tuần tra biển Đông

 

Dựa trên một tài liệu mật cấp chính phủ của Philippines, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 28-7 cho biết các máy bay do thám P3C Orion của Hải quân Mỹ đã tuần tra định kỳ những khu vực có tranh chấp ở biển Đông.
 
Theo tài liệu, các chuyến bay trên tập trung ở khu vực bãi Cỏ Mây của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - một điểm nóng mới nổi trên biển Đông. Từ tháng 2 vừa qua, quân đội Philippines cho hay phía Trung Quốc đã phái các tàu khu trục và hải giám đến khu vực trên. 

Năm ngoái, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tiết lộ Manila đã đề nghị Washington triển khai P3C Orion trên vùng biển tranh chấp do nước này chưa đủ khả năng tự giám sát. "Quân đội nhận thức được giới hạn về thiết bị, khí tài hải quân và không quân cũng như ngân sách hỗ trợ" - tài liệu viết. 

P3C Orion đã nhiều lần tham gia tập trận chung giữa Mỹ và Philippines. Trong năm nay là cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) giữa Mỹ cùng lực lượng vũ trang của 9 đối tác ở Đông Nam Á và Nam Á. Năm ngoái, P3C Orion có mặt trong cuộc tập trận kiểm tra hoạt động của hệ thống giám sát bờ biển, một dự án ở phía Nam Philippines do Mỹ và Úc tài trợ. Được giới chuyên gia quân sự mô tả là một trong những máy bay đáng chú ý nhất phi đội Mỹ, P3C Orion có thể dò tìm và nhận diện các loại tàu ngầm chạy cực êm lẫn tàu ngầm hạt nhân tấn công lặn sâu, đồng thời được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân như tên lửa chống tàu chiến Harpoon, tên lửa tấn công mặt đất AGM-65 Maverick, bom, thủy lôi, ngư lôi... 

Thông tin P3C Orion thường xuyên có mặt trên biển Đông tiếp nối việc Mỹ triển khai thêm 12 máy bay MV-22 Osprey đến Nhật Bản vào cuối tháng 7. Loại trực thăng cánh nghiêng này được mệnh danh là "hung thần chiếm đảo" và có thể gia tăng lợi thế cho Nhật Bản so với Trung Quốc trong tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông. 

Trong một diễn biến khác, tờ The Hindu cho biết chính phủ Ấn Độ lần đầu tiên có ý định cho Việt Nam vay 100 triệu USD để mua 4 tàu tuần tra. Hạn mức tín dụng này có thể được cung cấp vào cuối năm nay. Đề nghị trên thể hiện Ấn Độ quyết tâm tham gia hoạt động thăm dò dầu khí ở biển Đông theo lời mời của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên New Delhi cung cấp khoản tín dụng liên quan đến quốc phòng cho một nước nằm cách xa như vậy thay vì nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của nước này như trước đây.
 
Nhật chọn Trung Quốc?
Nhật Bản hôm 28-7 từ chối đề xuất cùng khai thác vùng lãnh thổ phương Bắc (Moscow gọi là quần đảo Kuril) của Nga do Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov đưa ra trong cuộc gặp người đồng cấp Nhật Bản Masaji Matsuyama tại St. Petersburg cuối tháng trước. Các nhà ngoại giao cấp cao Nhật Bản không chấp thuận vì cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc công nhận chủ quyền của Nga đối với các đảo tranh chấp. 
Trong khi đó, ông Isao Iijima, cố vấn của thủ tướng Nhật Bản, cho biết ông Shinzo Abe có thể sớm họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Iijima vừa có chuyến đi bí mật tới Bắc Kinh trong tháng 7. Diễn biến này trùng hợp với chuyến thăm Bắc Kinh - theo kế hoạch vào ngày 29 và 30-7 - của Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Akitaka Saiki. Tuy nhiên, trả lời báo chí hôm 29-7, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết không có lịch trình nào về hội nghị thượng đỉnh song phương được ấn định. Dù vậy, ông lặp đi lặp lại rằng quan hệ giữa 2 bên là quan trọng và Nhật Bản sẵn sàng đối thoại.
Huệ Bình
MỸ NHUNG