12 tượng đài xây dựng trước năm 1975 tại TP HCM hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào, trong khi cơ quan chức năng cho biết vẫn đang tiến hành khảo sát
Trưa 27-7, nhiều du khách
đang tham quan, chụp ảnh tại khu vực vòng xoay chợ Bến Thành, quận 1,
TP HCM đã hoảng hồn khi chứng kiến chân phải tượng đài Trần Nguyên Hãn
vỡ ra, rơi xuống đất, xi măng tung tóe, lõi sắt bị gỉ của phần chân
tượng rơi xuống bị vỡ lòi ra ngoài (Báo Người Lao Động
đã đưa tin). Sự việc này như một hồi chuông cảnh báo nguy cơ sụp đổ
những tượng đài "dã chiến" được xây dựng trong đô thị Sài Gòn trước năm
1975.
Những tượng đài xây dựng trước năm 1975 đang đến thời kỳ mục nát, có nguy cơ đổ vỡ Ảnh: TẤN THẠNH
Xuống cấp hàng loạt
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và
Du lịch TP HCM, hiện TP có 12 tượng đài được xây dựng trước năm 1975.
Hầu hết những tượng đài này đang phải "kêu cứu" vì tình trạng xuống cấp,
hư hỏng, bắt đầu mục nát, ngã đổ. Đây không phải là lần đầu tượng đài
Trần Nguyên Hãn bị vỡ. Trước đó, tượng đài này cũng đã nhiều lần bị nứt,
hư hỏng phần đuôi, chân tượng và được sửa chữa nhiều lần.
Tượng đài chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng
(trước Bưu điện Chợ Lớn) thì bị bong tróc, loang lổ ở phần thân, bên
ngoài tượng bị ôxy hóa dẫn đến bề mặt tượng mất thẩm mỹ. Ngoài ra, phần
chân tượng này đã bị vỡ bể, có thể ảnh hưởng đến sự trụ vững của tượng
đài trong nay mai.
Còn tượng đài Lê Lợi (khu vực bùng binh Cây
Gõ) cũng xuống cấp khi cốt thép bên trong một số vị trí lòi ra ngoài.
Những tượng đài khác như tượng đài An Dương Vương (vòng xoay ngã sáu
Nguyễn Tri Phương), tượng Phù Đổng Thiên Vương (ngã sáu Phù Đổng)… đều
đã xỉn màu, loang lổ từ rất lâu.
Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP
HCM, cho biết những tượng đài nói trên đều được dựng gấp gáp trước năm
1975 theo quyết định của chính quyền chế độ cũ về lập hệ thống tượng đài
trong đô thị Sài Gòn nhân kỷ niệm ngày quân lực Việt Nam Cộng hòa
19-6-1973. Khi đó, hệ thống tượng đài trong TP Sài Gòn được dựng theo 2
mảng đề tài: lính Sài Gòn ngày trước và các anh hùng dân tộc, trong đó
mỗi tượng danh tướng như Trần Hưng Đạo, An Dương Vương, Nguyễn Huệ, Lê
Lợi, Trần Nguyên Hãn… là biểu tượng cho một binh chủng, chẳng hạn Phan
Đình Phùng là biểu tượng của quân cụ, Trần Nguyên Hãn là biểu tượng của
binh chủng thông tin, Trần Hưng Đạo là biểu tượng binh chủng hải quân...
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, những
tượng đài xây trước năm 1975 có chất lượng thẩm mỹ nghệ thuật không
cao. TS - điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ
thuật TP HCM, cho biết: "Những tượng này được dựng trong thời gian rất
ngắn, chủ yếu là do các nghệ nhân đắp bằng bê-tông có lõi sắt bên trong
nên bây giờ bắt đầu mục nát và hư hỏng. Đó là về mặt vật lý, còn về mặt
tạo hình thì tượng do các nghệ nhân đắp nên cũng không đẹp". Điêu khắc
gia Phan Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đồng tình:
"Người làm là các nghệ nhân nên tác phẩm trông vẫn ngây ngô và không có
tính tạo hình trong đó. Nói thật, những bức tượng hiện tại trông như
tượng mỹ nghệ phóng to chứ chưa có ngôn ngữ tượng đài, lại đặt trong
không gian rộng lớn của các vòng xoay xung quanh thì không phù hợp tí
nào cả. Cùng một đề tài nhưng làm ngoài trời thì ngôn ngữ tạo hình phải
khác với trong phòng". Theo họa sĩ Uyên Huy, ngay cả các bệ đỡ tượng đài
hiện nay "cũng lai căng nhiều phong cách, không ổn về mặt thẩm mỹ".
Đừng để quá muộn
Tượng đài là công trình văn hóa nghệ thuật
biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội
đương thời, tác động đến nhận thức xã hội. Vì thế, việc xây dựng tượng
đài tại một trung tâm phát triển như TP HCM luôn được lãnh đạo TP quan
tâm. Đã có không ít hội thảo được tổ chức hằng năm để tìm giải pháp khắc
phục nhưng tình trạng tượng đài ngã đổ vẫn cứ liên tiếp xảy ra. Nhiều
người cho rằng các cơ quan chức năng cứ để việc đã rồi mới bắt tay vào
trùng tu thì quá muộn.
Điêu khắc gia Phan Gia Hương nhận định:
"Hiện nay, tất cả tượng trong TP về thời gian đều có giá trị lịch sử
nhưng chúng ta nên thay đổi cho phù hợp với thời đại. TP bấy lâu nay cứ
đặt vấn đề ra xong rồi để đó, không biết ai giải quyết. Đây là bộ mặt
của TP HCM đối với thế giới chứ không phải chỉ riêng trong nước. Khách
quốc tế đến đây nhìn các bức tượng sẽ đánh giá trình độ văn hóa của TP
mình cỡ nào vì tác phẩm nghệ thuật là một trong những tiêu chí đánh giá
trình độ văn hóa của một xã hội".
Cũng theo điêu khắc gia Phan Gia Hương, các
tượng Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Phù Đổng Thiên Vương hay cả chân
dung Quách Thị Trang ngay dưới tượng Trần Nguyên Hãn cũng cần phải thay
mới. Đừng để tình trạng đến khi tượng hư hỏng xuống cấp mới làm. Cần
thay đổi ngay những bức tượng ở trung tâm đô thị.
Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP,
cho biết: "TP và các ban - ngành đã nhìn nhận thực tế này từ lâu. Tuy
nhiên, việc quy hoạch không hề đơn giản. Cần có sự ngồi lại giữa các nhà
chuyên môn để nghiên cứu, đánh giá và thống nhất phương án một cách
chính xác, phù hợp. TP đã chỉ đạo sở phải nghiên cứu, đánh giá lại các
tượng đài trước năm 1975 và sở cũng đang tham mưu cho TP, đồng thời học
hỏi các nước khác về quy hoạch tượng đài để áp dụng có hiệu quả".
Có thể phải di dời
Riêng trường hợp tượng đài Trần Nguyên Hãn bị “rụng” 1
chân, ông Lê Tôn Thanh cho biết vẫn phải chờ ý kiến của các nhà chuyên
môn về việc có nên tiếp tục sửa chữa hay phải di dời. Việc tu bổ rất khó
xảy ra vì tượng này đã quá “già cỗi”, không thể tiếp tục trùng tu nên
tạm thời có thể sẽ di dời đến nơi mới. Hơn nữa khu vực này có thể liên
quan đến dự án xây dựng metro trong thời gian tới nên có khả năng di dời
rất cao.
|
MINH NGA - KIM KHÁNH