Chiều 22/6, dù chưa đổ bộ song hoàn lưu trước bão Bebinca đã gây mưa cho miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An ghi nhận gió cấp 6 (18 m/s).
>Toàn cảnh bão Bebinca
Hoàn lưu trước bão (đĩa mây trắng) bao phủ khắp các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ảnh vệ tinh của NCHMF. |
Trên ảnh mây vệ tinh, từ chiều 22/6, cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nằm trong hoàn lưu trước bão. Mưa to xuất hiện ở nhiều tỉnh. Tại Hà Nội, từ 15h chiều mây đen kéo đến cùng sấm chớp, ngay sau đó là cơn mưa dông chừng 20 phút. Sau cơn dông, Hà Nội mưa rả rích kèm gió khoảng cấp 4.
Tại các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chiều 22/6 đã có gió mạnh cấp 6, một số nơi cao hơn, như: Cô Tô (Quảng Ninh), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) gió cấp 7, giật mạnh hơn hai cấp; Văn Lý (Nam Định) ghi nhận gió giật cấp 7; Hòn Ngư (Nghệ An) gió giật cấp 8.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đến 19h ngày 22/6, tâm bão ở phía tây đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Đông Bắc Bộ khoảng 290 km, mạnh cấp 9. Dự báo vài giờ tới bão giữ hướng Tây và đi xuống vịnh Bắc Bộ, sau đó quặt lên phía bắc, nhắm tới Đông Bắc Bộ. Tối mai, tâm bão sẽ vào các tỉnh Đông Bắc Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Như vậy, so với dự báo buổi sáng 22/6, bão Bebinca đã thay đổi hướng. Thay vì chếch lên phía bắc, tạt qua đảo Bạch Long Vĩ và hướng vào phía Đông Bắc Bộ như dự báo, bão đã di chuyển thấp hơn, hơi xuôi về phía nam. Thời gian bão lưu lại trên đảo Hải Nam cũng lâu hơn.
Nếu dự báo này chính xác, Hà Nội sẽ nằm trên đường di chuyển của bão. Ảnh: NCHMF. |
Các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng trước khi bão đổ bộ. Tại Quảng Ninh, TTXVN dẫn lời ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch huyện Cô Tô cho biết, hơn 1.000 khách du lịch đang tham quan trên đảo đã được đưa vào đất liền. Khoảng 500 khách khác tình nguyện ở lại trên đảo dù được thông tin về bão.
Để đảm bảo an toàn cho số khách này, hệ thống nhà nghỉ, nhà dân có khách du lịch đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cần thiết. Từ 14h chiều 22/6, huyện Cô Tô đã ra lệnh cấm tàu thuyền du lịch ra vào đảo. Ngoài ra, huyện cũng kêu gọi tàu thuyền đang đánh bắt cá trên vùng biển Cô Tô về nơi trú ẩn.
Quảng Ninh đã thành lập đoàn công tác xuống thị xã Quảng Yên và TP Hạ Long để kiểm tra công tác phòng chống bão. Toàn tỉnh có gần 1.000 tàu nhỏ đang neo đậu tại các khu tránh, trú gió bão của 12 huyện, thị xã, thành phố và các bến của thành phố Hải Phòng. Riêng tàu du lịch, từ 14h chiều đã ngừng đưa khách tham quan và không để khách ngủ đêm trên vịnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng cũng lên phương án di dời các hộ dân cư đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn khi có sự cố xảy ra. Các hồ có dung tích trên 10 triệu m3 đã tháo nước đề phòng lũ, hiện mực nước các hồ thấp hơn mực nước dâng bình thường 1-2 m.
Ngoài ra, tỉnh cũng cũng lên phương án di dời các hộ dân cư đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn khi có sự cố xảy ra. Các hồ có dung tích trên 10 triệu m3 đã tháo nước đề phòng lũ, hiện mực nước các hồ thấp hơn mực nước dâng bình thường 1-2 m.
Được hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở biển Đông, sáng 21/6 bão Bebinca mạnh cấp 8, hướng vào Quảng Ninh. Ngày 22/6, bão vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) và hiện tâm bão ở vịnh Bắc Bộ. Đây là cơn bão thứ hai trên biển Đông trong mùa mưa bão năm nay.
Xuân Hoa