Hình như không ngẫu nhiên một bãi trông xe nào đó từ chối nhận tiền mệnh giá 500 đồng. Có thể tưởng tượng được không tờ tiền mệnh giá 500 đồng giờ chỉ có thể mua nổi một quả ớt.
Tỷ giá vnd/usd đã tăng vọt trong 3 ngày cuối tuần. Ừ, thì đó là dịp giỗ tổ, là dịp tiêu tiền, nhưng với việc những bà nội trợ thắt chặt chi tiêu đến mức lập ra các “Hội đi chợ 98 ngàn đồng mỗi ngày” thì rõ ràng, dịp nghỉ lễ hoàn toàn không phải là cái cớ để người dân đổi ngoại tệ đi du hí.
Thủ phạm, rất có thể chỉ là một lời thở than mang tính chất thắc mắc rất đỗi cầu bất cầu bơ của một ai đó, ở một đâu đó, rằng:
Liệu đổi tên nước, theo một ý kiến cá nhân của một ai đó không nhớ nổi, thì liệu sẽ phải đổi tiền! Nhắc lại, trên mỗi tờ tiền, đều có in tên nước và quốc huy.
Nhưng vì sao mấy chữ “đổi tiền”, một hoạt động kinh tế về bản chất là bình thường, dù trước một thực trạng kinh tế bất thường, lại nhạy cảm đối với người dân đến mức biến họ trở nên ngây thơ như vậy?
Có nguyên nhân lịch sử của nó.
Sách “kinh tế Việt Nam thăng trầm và đột phá” của tướng Công an Phạm Minh Chính do NXB Chính trị quốc gia ấn hành cho biết 4 chi tiết liên quan đến lần đổi tiền đầu tiên năm 1959: Chỉ diễn ra trong 5 ngày, từ 28.2 đến 3.4.1959. Mức đổi ngay cho mỗi hộ là 2 triệu đồng tiền đang lưu hành. Trong 5 ngày này “giá cả tăng vọt”. Và: Lần đổi tiền này mang ý nghĩa quản lý nhà nước về tiền tệ và phân bố lại tài sản trong dân cư.
Sau này, còn có 2 lần đổi tiền nữa. Một vào ngày 3.5.1978 để thống nhất tiền tệ trên toàn quốc sau giải phóng. Mệnh giá đổi tiền bấy giờ là 1 đồng tiền mới = 1 đồng tiền cũ ngân hàng miền Bắc= 0,8 đồng tiền ngân hàng cũ miền Nam. Và lần đổi tiền 19.4.1985 chủ yếu do áp lực lạm phát, khi đó đã lên tới mức phi mã “3 con số”.
Nhìn lại lịch sử, cần phải nói một cách thành thật và công bằng, lần đổi tiền nào thì người dân luôn chịu phần thiệt thòi. Và trong tiềm thức, họ sợ hãi hai chữ “đổi tiền”. Đây thực chất cũng là nguyên nhân thâm căn cố đế đã trở thành một phản xạ bản năng, khiến cho việc tích lũy mồ hôi, nếu như không muốn nói là “chôn dấu”, luôn là vàng.
Hôm qua, trên Lao động, đại diện NHNN đã chính thức bác bỏ tin đổi tiền, bởi một lẽ rất đáng tin, rằng: Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ tiền mặt trong lưu thông rất cao. Thậm chí, để in được lượng tiền mặt như thế thì phải mất vài năm. Huống chi việc đổi tiền phải “Căn cứ vào rất nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế-xã hội có phù hợp không? Cơ cấu đồng tiền còn hợp lý không; hay bộ tiền có bị làm giả quá nhiều không, khiến người dân mất lòng tin vào đồng tiền?”
Giờ đây, không quốc gia, chính thể nào cưỡng từ đoạt lý đến mức hết tiền thì in thêm, bất chấp giá trị mua thực tế của đồng tiền.
Cũng không phải muốn đổi tiền là nói đổi.
Nhưng để một nguyên lý tất yếu của kinh tế có thể xua tan những hoài nghi có căn nguyên lịch sử, để những tin vịt “đổi tiền” sẽ chỉ được coi như “tin ngày cá” hoặc nhận được nụ cười khẩy của dân chúng, thì có lẽ những lời lẽ bác bỏ của người có trách nhiệm là chưa đủ.
Một tờ báo, cũng hôm qua, mở một chuyên mục gọi là “Sống sót trong cuộc khủng hoảng”. Và lời tâm sự đầu tiên là lời than thở “3 năm qua, mình đang nghèo bị nghèo 2 lần nghèo. Lương giảm, ai cũng thấy rõ điều này. Nhưng rổ CPI của gia đình mình thì tăng khủng khiếp. Thu nhập giảm 30%, CPI thì tăng vài chục %, làm sao để sống được đây”.
Có thể, những người công nhân đang “sống sót” bằng việc nhịn bữa sáng, có thể những bà nội trợ, đang tồn tại bằng một cái “Dây chuối 98 ngàn” sẽ không hiểu nhiều về chỉ số lạm phát. Nhưng thực tế là lạm phát đang làm đồng tiền mất giá bình quân 2 con số mỗi năm.
Và vì thế, để có được một nụ cười khẩy trước những cái tin đồn thì phải làm sao lạm phát không làm vô nghĩa thêm những đồng tiền phải đổi bằng mồ hôi thêm nữa. Hình như không ngẫu nhiên một bãi trông xe nào đó từ chối nhận tiền mệnh giá 500 đồng.
Có thể tưởng tượng được không tờ tiền mệnh giá 500 đồng giờ chỉ có thể mua nổi một quả ớt.
Có thể tưởng tượng được không tờ tiền mệnh giá 500 đồng giờ chỉ có thể mua nổi một quả ớt.
Theo Đào Tuấn