Ngân hàng hàng đầu thế giới này có thể sẽ thu về được khoảng 800 triệu USD từ vụ bán cổ phần.
Các chuyên gia tài chính nhận định HSBC sẽ sớm hoàn thành việc bán số cổ phần nói trên vì ngân hàng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phát hành thêm cổ phiếu trên thị trường giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông để nâng vốn điều lệ lên thêm 2 tỉ USD.
HSBC và nhiều tập đoàn tài chính quốc tế khác được cho là đang bán hết cổ phần nắm giữ tại các ngân hàng lớn của Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Số cổ phiếu mới có thể sẽ được niêm yết lên sàn giao dịch trước tháng 6, nên nếu bán ngay từ bây giờ, HSBC sẽ tránh được quy định hạn chế cổ đông hiện hữu bán cổ phiếu, vốn có thể kéo dài đến một năm.
Forbes cho biết, hai năm trước, không ai nghĩ HSBC sẽ từ bỏ tài sản mà tập đoàn này sở hữu tại Trung Quốc. Giờ thì đã có các nguồn tin cho biết điều này sắp xảy ra.
Trong năm 2013, tập đoàn tài chính khổng lồ này đã hoàn tất vụ bán 15,6% cổ phần tại tập đoàn bảo hiểm Ping An (Trung Quốc) cho tập đoàn đa ngành Charoen Pokphand Group (Thái Lan) với giá 9,4 tỉ USD.
Trước đó, cổ phiếu của tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai Trung Quốc này được xem là thuộc dạng cổ phiếu “chiến lược”, theo Forbes.
Giới đầu tư toàn cầu cũng đang bàn tán xôn xao về một sự kiện mà trước đây không ai nghĩ có khả năng xảy ra: HSBC bán 18,7% cổ phần trong Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc (Bocom), ngân hàng lớn thứ năm tại nước này.
Trung Quốc bớt quan trọng
Một chuyên gia phân tích tài chính giấu tên tại Thượng Hải nói với tờ South China Morning Post (Trung Quốc) rằng HSBC sẽ tiếp tục giữ cổ phần của Bocom vì bán đi đồng nghĩa với việc “câu chuyện Trung Quốc của HSBC đã đến hồi kết”.
Forbes nhận định chuyên gia này có thể nghĩ rằng khó có chuyện bất kỳ đại gia ngân hàng quốc tế nào lại muốn rời khỏi Trung Quốc, nhưng Trung Quốc hiện không còn quan trọng đối với cộng đồng tài chính thế giới nữa.
HSBC thậm chí được cho là sẽ chật vật tìm ra tập đoàn muốn mua lại cổ phần của HSBC tại Ngân hàng Thượng Hải, theoForbes.
Việc HSBC không tìm ra một tập đoàn tài chính nào khác để mua lại cổ phần của Ping An là một bằng chứng cho thấy các ngân hàng nước ngoài đang “li dị” Trung Quốc, South China Morning Post nhận định.
Lý do của việc tháo lui này chính là do các tập đoàn tài chính quốc tế nhận thấy việc nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng lớn Trung Quốc không mang lại lợi thế và lợi nhuận như mong đợi, Forbes cho hay.
Chẳng hạn như HSBC cho biết tập đoàn quyết định bán cổ phần tại Ping An vì hãng bảo hiểm này không đem về “các khoản lợi nhuận chiến lược”. Và HSBC không phải là ngân hàng duy nhất nhận thấy điều này.
Bank of America, ngân hàng thương mại lớn thứ hai của Mỹ, đã bán một số lượng lớn cổ phần tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc vào năm 2011.
Goldman Sachs, một ngân hàng lớn của Mỹ khác, cũng đã sang tay cổ phần mà tập đoàn này nắm giữ tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) hồi tháng 1.
Các nhà phân tích cho rằng hai tập đoàn tài chính Mỹ này làm vậy vì họ bức xúc khi thấy việc nắm giữ một lượng lớn cổ phần trong các ngân hàng lớn nhất nhì Trung Quốc không giúp mang lại lợi thế cho công việc kinh doanh tại quốc gia này.
Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc thì không nghĩ là họ cần phải duy trì quan hệ với các ngân hàng nước ngoài, theoForbes.
Hoàng Uy