THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 April 2013

Lương tối thiểu muôn đời không đủ sống



Ai cũng hiểu lương tối thiểu chưa bao giờ đảm bảo được mức sống tối thiểu, bởi tiền lương chẳng mấy khi đuổi kịp với giá cả leo thang. Thế nhưng, hình như người ta vẫn cố hy vọng vào 3 từ “lương tối thiểu” như một cái cọc định vị cho một sự khởi đầu chưa biết bấu víu vào đâu.

Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, một lần nữa, lương tối thiểu lại được tổ chức hội thảo để bàn bạc những vấn đề đã tồn tại mà không bao giờ giải quyết được. Đa phần ý kiến trong hội thảo “Mức sống tối thiểu và cơ sở xác định mức lương tối thiểu và lương đủ sống” cho rằng, lương tối thiểu quá thấp. Còn sự điều chỉnh lương như thời gian vừa qua thì mãi mãi không giúp người dân điều chỉnh nổi chi tiêu phù hợp với giá cả thị trường.
Theo khảo sát thực tế, mức sống tối thiểu năm 2012 ở vùng I là hơn 3,7 triệu đồng/tháng, vùng II là hơn 3,5 triệu, vùng III hơn 3,3 triệu và vùng IV (vùng khó khăn nhất) là gần 2,5 triệu. Thế nhưng mức lương tối thiểu cùng thời điểm ở vùng I chỉ là 2.350.000đ, vùng 2: 2.100.000đ, vùng 3: 1.800.000đ, vùng 4: 1.650.000đ.
Như vậy, lương ở vùng III chỉ đáp ứng hơn 54% mức sống tối thiểu và cao nhất là ở vùng IV thì đáp ứng được hơn 66%.
Mức lương tối thiểu được luật hóa từ năm 1995, sau đó từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức và 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp. Thế nhưng chẳng ai thống kê thử xem từ đó đến này, chỉ riêng mặt hàng xăng dầu đã điều chỉnh giá bao nhiêu lần, chỉ biết riêng năm 2012 đã lên xuống 10 lần, mà lần giảm giá nào cũng chỉ bằng 1/2 hoặc ít hơn các lần tăng giá. Còn mức lương tối thiểu vùng, đã được điều chỉnh từ 1/1/2013, mới chỉ đáp ứng được khoảng 62%-69% nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Trả lời đề nghị Bộ LĐ-TB-XH cần đưa ra mốc cụ thể tới bao giờ lương tối thiểu mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, ông Lê Xuân Thành, Vụ phó Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cũng tỏ ra lúng túng với mốc 2015.
“Để đạt đúng lộ trình, Chính phủ sẽ phải điều chỉnh lương tối thiểu với mức tăng lớn trong 2 năm 2014-2015. Như vậy, doanh nghiệp khó có thể chịu được, thậm chí sẽ phải phá sản vì mức tiền lương thực tế của người lao động thấp hơn nhiều so với mức đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu”, ông Thành cho biết.
Sau đó, Bộ LĐ-TB-XH đã đề nghị Chính phủ cho giãn lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu tới năm 2016 sẽ đạt nhu cầu tối thiểu.
Thực chất, đây cũng chỉ là hình thức kéo dài thời gian vì chưa tìm ra cách giải quyết, và với tình hình hiện nay thì bài toán lương tối thiểu gần như chưa có đáp án. Với bộ máy công chức cồng kềnh hơn 7 triệu người, với 70% công chức “không làm được việc” thì liệu đồng lương tối thiểu có lãng phí khi tính công lao động với những con người ấy không.
Chỉ khi nào công sức bỏ ra được tính đúng với giá trị, lúc đó, tự khắc vấn đề lương tối thiểu sẽ tự động được giải quyết, và cái cụm từ “tối thiểu” sẽ có nhiều mức khác nhau, phù hợp với năng lực công việc và hoàn cảnh của từng đơn vị, doanh nghiệp. Mà đến lúc đó, sẽ chẳng ai kêu ca lương không đủ sống, bởi sống được hay không là do chính bản thân họ có lao động cật lực để muốn có thu nhập đủ sống không mà thôi.
Theo Sống Mới