THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 April 2013

Chính sách mua tạm trữ lúa, gạo đang làm nghèo nông dân



Chính sách tạm trữ lúa, gạo đưa lợi nhuận của nông dân xoay quanh mức lời 30% so với giá thành, đây là một mức lời sẽ làm cho nông dân bị bần cùng. Tôi đã phê phán trong bài viết: “Tại sao nông dân chỉ lời 30% so với giá thành” đăng trên Bauxite Việt Nam.

Năm nào cũng vậy, vụ nào cũng thế, sau khi để làm cho giá lúa rớt tận đáy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới mua tạm trữ lúa của nông dân theo lệnh của Chính phủ. Chính sách mua lúa tạm trữ được tuyên bố là nhằm giữ giá lúa cho nông dân, nhưng mà, Chính phủ có biết đâu rằng VFA đã hạ giá lúa của nông dân xuống tận đáy đúng vào thời điểm Chính phủ buộc VFA mua tạm trữ, cho nên giá lúa không những không tăng mà lại giảm.
Để hiểu rỏ những điều bài viết này đưa ra, phải xuất phát từ thực tế VFA độc quyền mua bán lúa gạo của nông dân, giá lúa gạo là do VFA mặc tình thao túng chứ không có thị trường gì cả. Vấn đề độc quyền này tôi đã trình bài trong bài viết: “Độc quyền lúa gạo: cái ách đang quàng lên cổ nông dân” đăng trên Bauxite ViệtNam.
NHẬN XÉT MỤC TIÊU CHÍNH SÁCH TẠM TRỮ
Đối tượng của chính sách tạm trữ là người nông dân, mục tiêu của chính sách là nâng giá lúa để nâng thu nhập cho nông dân.
Thế nhưng, Quyết Định số 31/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết Định số 31) “Về mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2012-2013” do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 07/02/2013 gồm có 8 Điều, nhưng không có điều khoản nào qui định giá mua lúa. (1)
Không những không quy định giá mua lúa mà Điều 3 của Quyết định số 31 lại cho phép “Các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”.
Có nghĩa là thương nhân được phép mua lúa của nông dân với giá tùy ý miễn sao thương nhân có lời là được (thương nhân chính là các công ty trong VFA, hầu hết là các công ty của Chính phủ).
Có nghĩa là VFA được phép bán gạo xuất khẩu của nông dân với giá thấp nhất thế giới cũng không sao, miễn VFA có lời là được.
Mục tiêu của chính sách mua tạm trữ lúa, gạo là nâng giá lúa cho nông dân, nhưng Chính phủ cho phép VFA tự ấn định giá mua lúa cho nông dân, thì căn cứ vào đâu Chính phủ cho rằng VFA sẽ nâng giá mua lúa cho nông dân?
Chắc có lẽ, Chính phủ nghĩ rằng: VFA được vay không lãi mua lúa tạm trữ thì theo lẽ thường tình, họ phải nhớ ơn Chính phủ, mà tăng giá mua lúa cho nông dân.
Nghĩa là giá lúa của nông dân tùy thuộc vào lòng tốt của VFA.
Thực ra, VFA cũng có tăng chút đỉnh lúc bắt đầu tạm trữ để báo cáo, còn trước đó tìm mọi cách hạ giá lúa.
Một chính sách mà kết quả dựa vào lòng tốt của VFA, thì không cần phải nói ra, chúng ta cũng biết hiệu quả của nó thảm hại như thế nào rồi.
NHẬN XÉT CÁCH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
1) Về thời gian mua tạm trữ
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, bức xúc cho biết trong vụ đông xuân vừa qua, nông dân tỉnh Đồng Tháp đã bị thiệt hại rất lớn do VFA công bố thời điểm mua lúa tạm trữ quá chậm. Bởi vì ngày 20-2, khi VFA bắt đầu mua lúa tạm trữ thì diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch của Đồng Tháp đạt 60%, Kiên Giang 50%, Long An và An Giang khoảng 20%, tổng diện tích thu hoạch đã đạt hơn 300.000ha.” (2)
Khoảng giữa tháng 01/2013 nông dân bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân, nhưng đến ngày 07/02/2013 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới ký Quyết Định số 31, lại quy định thời điểm mua lúa tạm trữ mãi đến ngày 20/2/2013, tức là mua lúa tạm trữ chậm hơn nông dân thu hoạch lúa đến hơn 1 tháng.
Vậy từ giữa tháng 01/ 2013 đến 20/2/2013 lúa được mua theo giá nào?
Vậy từ giữa tháng 01/2013 đến 20/2/2013 nông dân bán lúa cho ai?
Vậy, từ giữa tháng 01/2013 đến 20/2/2013 phải chăng lúa của nông dân đã bị để cho VFA mua bán một cách vô chính phủ?
Trong thực tế, khoảng thời gian hơn một tháng mua bán lúa gạo vô chính phủ này là lúc VFA hạ giá lúa của nông dân đến tận đáy để mua tạm trữ giá rẻ.
Khi nông dân bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân, giá lúa OM 4900 là 5.400 đồng/ kg lúa tươi, thế rồi, giá lúa cứ giảm dần từng ngày đến ngày 20/2/2013 giá lúa OM 4900 chỉ còn 4.400 đồng/ kg lúa tươi.
Sau ngày 20/2 giá lúa lên được 4.500- 4.600 đồng/ kg, tức là tăng 100-200 đồng/ kg, vậy là người ta tung hô rằng nhờ chính sách mua lúa tạm trữ của Chính phủ mà giá lúa tăng được 200 đồng/ kg.
Giá lúa từ 5.400 đồng rớt thảm hại xuống còn 4.400 đồng/ kg trong giai đoạn vô chính phủ chẳng hề nói tới, lúa từ 4.400 đồng tăng lên chỉ 4.600 người ta lại tung hô rằng nhờ chính sách mua lúa tạm trữ. Người ta lại cố ý quên rằng: Giá lúa 4.600 đồng/ kg là đã giảm 900 đồng/ kg so với lúc nông dân bắt đầu thu hoạch vụ đông xuân.
Tại sao giá lúa tăng giảm chỉ căn cứ vào ngày 20/2 là ngày bắt đầu mua tạm trữ mà không tính giá lúa ở những ngày trước đó? Chính phủ và VFA chẳng lẽ vô can khi để cho giá lúa của nông dân giảm đến 1.000 đồng/ kg chỉ trong khoảng một tháng?
Với cách đánh giá Chính sách mua lúa tạm trữ này, VFA mặc sức hạ giá lúa của nông dân lúc nông dân thu hoạch cho tới ngày tạm trữ để hưởng lợi.
2) Về số lượng mua tạm trữ
“Theo số liệu của Cục Trồng trọt, tính đến ngày 19/3, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch được hơn 1,2 triệu ha lúa đông xuân và dự kiến đến cuối tháng 4/2013 sẽ thu hoạch dứt điểm trên 1,5 triệu ha. Với năng suất đạt khoảng 6,8 tấn/ha, sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay sẽ đạt trên 10,6 triệu tấn, trong đó lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ chiếm gần 80%.” (3)
Vậy lượng lúa hàng hóa của vụ đông xuân mà Cục Trồng trọt dự kiến khoảng 8,4 triệu tấn.
Lúa hàng hóa cần tiêu thụ của nông dân khoảng 8,4 triệu tấn, vậy mà, Điều 1 Quyết Định số 31 lại quy định mua tạm trữ chỉ có 2 triệu tấn lúa (1 triệu tấn gạo qui đổi ra lúa là 2 triệu tấn lúa), tức là lượng lúa mua tạm trữ chỉ chiếm khoảng 23,8 % lượng lúa nông dân cần tiêu thụ.
Vậy lượng lúa 6,4 triệu tấn của nông dân do ai mua? Và mua với giá nào?
Mua lúa với số lượng nhỏ 23,8% so với lượng lúa cần tiêu thụ, vậy làm sao mà nâng giá mua lúa cho nông dân?
Đến đây, chúng ta thấy rằng chính sách mua lúa tạm trữ có ba điểm yếu to lớn:
- Cách thức mua lúa tạm trữ: Chính phủ giao hết cho VFA ấn định giá lúa và cách mua lúa, nên không thể nâng giá lúa cho nông dân.
- Thời điểm mua lúa tạm trữ: Chậm hơn nông dân thu hoạch đến một tháng, khiến cho VFA mặc sức hạ giá lúa của nông dân rớt tận đáy vào đúng ngày bắt đầu thực hiện tạm trữ 20/2/2013.
- Số lượng lúa mua tạm trữ: 2 triệu tấn so với 8,4 triệu tấn lúa cần tiêu thụ, tức chỉ chiếm 23,8% lượng lúa cần tiêu thụ, vì vậy không thể nâng giá lúa cho nông dân.
Với ba điểm yếu to lớn đó, chính sách mua lúa, gạo tạm trữ không những không làm tăng giá lúa, mà chính sách này, ngược lại, làm hạ giá lúa của nông dân, vì các nguyên nhân sau:
1) Do Chính phủ giao toàn bộ quyền bán gạo xuất khẩu cho VFA, thế nên, VFA đem gạo xuất khẩu của nông dân bán với giá rẻ nhất thế giới.
“Tại buổi họp sơ kết xuất khẩu gạo quý I-2013 (TP.HCM ngày 4-4), ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết giá gạo 5% tấm hiện ở mức 395 USD/tấn, thấp hơn 40-50 USD/tấn so với Ấn Độ, Pakistan. So với cùng kỳ năm 2012, giá gạo bình quân giảm 44,5 USD/tấn.”. (4)
Vào cuối tháng 3, gạo 5% tấm của Việt Nam bán rẻ hơn gạo 5 % tấm của Thái Lan 154 đô la Mỹ/ tấn. (5)
Tại sao gạo 5% tấm của ViệtNamlại bán thấp hơn gạo cùng loại của Ấn Độ trong khi chất lượng gạo ViệtNamcao hơn chất lượng gạo Ấn Độ?
Bán gạo với giá rẻ nhất thế giới thì làm sao mà mua lúa nông dân giá cao?
2) Do Chính phủ giao toàn bộ quyền mua lúa cho VFA, nên VFA tìm mọi cách giảm giá lúa của nông dân từ 5.400 đồng/ kg đầu vụ, xuống còn có 4.400 đồng/ kg tại thời điểm bắt đầu mua tạm trữ.
Nông dân thu hoạch lúa đông xuân vào giữa tháng 1/2013 nhưng đến 20/2 mới bắt đầu mua tạm trữ, vậy là từ giữa 1/3 VFA thực hiện thủ đoạn hạ giá lúa bằng cách không mua lúa hoặc mua cầm chừng để hạ giá lúa.
Kết quả từ giữa tháng 1/2013 đến 20/2 giá lúaOM4900 hạ từ 5.400 xuống còn 4.400 đông/kg lúa tươi.
Chúng ta đều biết: VFA hầu hết là các công ty lương thực của nhà nước, trong đó chủ yếu là Tổng công ty lương thực miền Nam và Tổng công ty Lương thực miền Bắc chiếm trên 60% lượng gạo xuất hằng năm.
Mua lúa, gạo tạm trữ mà Chính phủ cho VFA là các công ty của Chính phủ toàn quyền ấn định giá mua bán lúa gạo, lại buộc họ tự chiu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh, khác nào Chính phủ cho phép các công ty của mình mặc tình ép giá lúa của nông dân, miền sao họ càng lời càng tốt.
Chính sách mua lúa tạm trữ hiện này về bản chất là: Chính phủ cho các công ty của Chính phủ là VFA vay không lãi để mua lúa với giá tùy ý VFA định đoạt, vì thế VFA lấy hết lợi nhuận của nông dân.
Nhiệm vụ của Chính phủ là phải tìm mọi cách nâng cao giá bán gạo xuất khẩu, để từ giá bán gạo xuất khẩu cao đó qui ra giá mua lúa cao cho nông dân, đó là cách mà Chính phủ Thái Lan đang làm.
Còn Việt Nam hiện nay với chính sách mua lúa, gạo tạm trữ VFA bán gạo 5% tấm xuất khẩu thấp nhất thế giới chỉ 395 đô la Mỹ/ tấn, thấp hơn gạo 5% tấm của Thái Lan 154 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn gạo 5% tấm của Ấn Độ và Pakistan từ 40-50 đô la Mỹ/ tấn. Bán gạo 5% tấm chỉ có 395 đô la Mỹ/ tấn thì làm sao mua lúa giá cao cho nông dân?
Đông xuân năm 2010-2011 nông dân bán lúa OM 4900 giá 6.000 đồng/ kg lúa tươi, đông xuân năm 2011-2012 nông dân bán lúa OM 4900 giá 5.200 đồng/ kg lúa tươi, đông xuân năm 2012-2013 nông dân bán lúa OM giá 4.400 đồng/ kg lúa tươi.
Tức là năm 2013 nông dân thu nhập thấp hơn năm 2011 26,67%, và năm 2013 thu nhập thấp hơn năm 2012 là 15,38%.
Tất cả các loại hàng hóa điều tăng giá chỉ có lúa giảm giá, lại giảm đến 15,38% so với năm 2012, có nghĩa là nông dân chúng tôi đang bị bần cùng vì thu không đủ chi.
Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) điều tra, nghiên cứu và đưa ra kết luận: “Nếu như năm 2006, mặc dù giá gạo còn thấp, song người nông dân vẫn có thể thu được 70% tổng lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh lúa gạo, thì đến năm 2010, người trồng lúa chỉ thu được có 10%”. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng: “Theo điều tra, nghiên cứu sâu tại 2 DN xuất khẩu gạo ở An Giang cho thấy, lợi nhuận mà các DN thu được từ xuất khẩu gạo tăng rất cao. Cụ thể, tỷ trọng từ xuất khẩu gạo trong tổng lợi nhuận của DN này năm 2007 chỉ có 7%, tăng lên 99% năm 2008 và năm 2010 tuy có giảm một chút song vẫn đạt tới 97%. (6)
Tóm lại, Chính sách mua lúa tạm trữ hiện nay theo Quyết Định số 31 là một chính sách trong đó các công ty của Chính phủ trong VFA mà nòng cốt là hai Tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc độc quyền và toàn quyền thao túng lúa gạo của nông dân, lấy hết lợi nhuận của nông dân. Còn quyền lợi của nông dân nằm ở giá bán gạo xuất khẩu và giá bán lúa thì đều bị VFA dìm xuống tận đáy.


(2)    Tuoitre Online, bài: “Chương trình tạm trữ lúa gạo: nhiều địa phương “tố” thiếu công bằng”http://phapluat.tuoitre.com.vn/Van-ban/Dan-su/Quyet-%C4%91inh-311-Q%C4%90-TTg-cua-Thu-tuong-Chinh-phu—-.aspx
(3)    Baotintuc.vn, bài: “Thu mua tạm trữ để nhà nông được lợi” http://baotintuc.vn/kinh-te/thu-mua-gao-tam-tru-de-nha-nong-duoc-loi-20130330074800393.htm
(4)    Phapluattp.vn, bài: ““Cắn răng” bán gạo giá thấp để khơi thông xuất khẩu” http://phapluattp.vn/20130405120528854p0c1014/can-rang-ban-gao-gia-thap-de-khoi-thong-xuat-khau.htm
(5)    Giaoducthoidai.vn, bài: “Giá lúa rơi tự do vì VFA nhận định sai?”http://giaoducthoidai.vn/channel/2780/201304/Gia-lua-roi-tu-do-vi-VFA-nhan-dinh-sai-1968286/
(6)    Dân Việt Online, bài: “Oxfam: trồng lúa ngày càng lãi ít” http://danviet.vn/132442p1c25/oxfam-trong-lua-ngay-cang-it-lai.htm
Hoàng Kim
Theo BoxitVN