Bộ Tư pháp vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo nghị định xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, trong đó mức xử phạt đối
với một số vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình được nâng lên gấp
nhiều lần so với quy định trước đây tại Nghị định 87/2001/NĐ-CP.
Theo dự thảo, người đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn
hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả
nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 1 triệu
đồng (cao gấp đôi so với mức xử phạt hiện hành theo Nghị định
87/2001/NĐ-CP chỉ từ 100.000-500.000 đồng).
Mức phạt trên cũng được áp dụng đối với trường hợp:
người chưa vợ hoặc chưa chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng
với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa
gây hậu quả nghiêm trọng; kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi
ba đời; kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn giữa người đã
từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con
rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng và kết
hôn giữa những người cùng giới tính.
Dự thảo cũng nâng mức xử phạt hành vi dùng giấy tờ giả
mạo để đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn lên từ 300.000 đồng đến
1 triệu đồng (mức xử phạt cũ từ 200.000-500.000 đồng). Đồng thời một số
hành vi vi phạm khá nghiêm trọng nhưng trước đây chưa có chế tài để xử
phạt thì nay đã được dự thảo đưa vào.
Chẳng hạn: làm cam đoan không đúng về tình trạng hôn
nhân gia đình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc để được cấp giấy xác
nhận tình trạng hôn nhân sử dụng vào mục đích khác có thể bị xử phạt từ
5-20 triệu đồng. Hành vi kết hôn giả nhằm mục đích xuất cảnh, môi giới
kết hôn bất hợp pháp, lợi dụng việc đăng ký kết hôn nhằm mục đích trục
lợi, xâm phạm tình dục, bóc lột sức lao động theo quy định của dự thảo
có thể bị xử phạt từ 10-30 triệu đồng.
Nếu được Chính phủ thống nhất ban hành, Nghị định xử phạt trên sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2013.