THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 January 2013

Gia đình sinh viên Phương Uyên kêu cứu lên Chủ tịch nước



2013-01-13
Gia đình sinh viên Nguyễn Phương Uyên viết thư kêu cứu lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc cô bị bắt điều tra với cáo buộc vi phạm điều 88 BLHS Việt Nam.
Hình do Bạn cô cung cấp
Cô Nguyễn Phương Uyên tại lớp học ở Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ảnh chụp trước đây.

Thư thỉnh nguyện

Thư gởi cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Phương Uyên ký tên, ghi ngày 12 tháng 1 năm 2013. Lá thư của bà Nhung được viết trong đêm sau khi bà đi thăm nuôi con gái về hôm 11 tháng 1. Khi đi gởi quà thăm nuôi cho Phương Uyên tại trại giam Công an tỉnh Long An, bà gặp được bác sĩ trại giam tên Tuấn nói rằng Uyên có triệu chứng nhức đầu và bị tuột can xi gây co cơ.
“Nói thật là nghe tin con ốm tôi rất đau lòng. Sau khi đi về tôi suy nghĩ rằng không ai có thể giúp chúng tôi được ngoài Chủ tịch nước. Chủ tịch là người vì nước vì dân và cũng là người cha, nên có thể chia sẻ được nỗi đau của gia đình tôi. Tôi đã quyết định viết lá thư thỉnh nguyện với tất cả sự thân thành và sự tôn trọng dành cho Chủ tịch nước”, bà Nhung không giấu được xúc động khi chia sẻ.
Chủ tịch là người vì nước vì dân và cũng là người cha, nên có thể chia sẻ được nỗi đau của gia đình tôi.
Chị Nguyễn Thị Nhung
Bà Nhung cho rằng bà không còn hy vọng nào hơn khi trong thời gian qua bà đã ra Hà Nội kêu cứu Bộ Thanh tra Công an với mong muốn được gặp con nhưng không có kết quả. Trong thư, bà Nhung cũng nhấn mạnh rằng ông Trương Tấn Sang là người “lãnh đạo cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”, nhằm thể hiện sự hy vọng nơi người từng có những phát biểu mạnh mẽ về chủ quyền đất nước.
Gia đình bà Nhung nói rằng lá thư cũng được sự góp ý của các vị trí thức lớn tuổi – những người quan tâm đến tình hình của sinh viên Phương Uyên. Thư nêu lên 3 điều thỉnh nguyện bao gồm việc đề nghị cho Phương Uyên tiếp xúc gia đình, yêu cầu cho luật sư thực hiện các qui trình tố tụng cần thiết, và yêu cầu có một phiên xử công khai. Bà Nhung nói với đài RFA rằng bà “rất sợ nếu Uyên bị xử kín”.

Chưa được gặp mặt

doi-tuong-Nguyen-Phuong-Uyen-250.jpg
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên 'nhận tội' trên truyền hình VN. Files photo.
Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bến Tre, người bào chữa cho Phương Uyên nói, ông chưa được cấp giấy vào gặp thân chủ:
“Tôi đã chính thức nhận bào chữa cho Phương Uyên nhưng vấn đề thủ tục với cơ quan chính quyền thì chưa làm việc. Có lẽ cuối tuần này sẽ có tin.
Đối với những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia thì việc tham gia của LS vẫn còn lệ thuộc vào cơ quan điều tra có chấp nhận không. Họ có thể không chấp nhận cho LS vào gặp để bảo vệ bí mật của quá trình điều tra”.
Từ khi bị bắt đến nay, gia đình và luật sư chưa được tiếp xúc Phương Uyên. Thường thì các bị cáo liên quan đến vụ án an ninh quốc gia tại Việt Nam ít được tiếp xúc luật sư trong thời gian điều tra.
Phương Uyên bị cáo buộc tham gia nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, một tổ chức chính trị tại Hải ngoại và tham gia dán truyền đơn, cờ vàng 3 sọc đỏ “ghi dòng chữ có nội dung nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam”, theo báo Công an TPHCM. Hồi tháng 11, truyền thông Việt Nam phát đi một đoạn clip trong đó Phương Uyên khai từng rải truyền đơn và thừa nhận rằng hành động của cô “vi phạm pháp luật Việt Nam”. Theo LS Nguyễn Thanh Lương, đây có thể là yếu tố giúp Phương Uyên giảm nhẹ hình phạt:
“Trong trường hợp này tôi thấy cũng có hy vọng là vì truyền thông trong nước đăng tin là Phương Uyên nhận tội. Nếu như vậy thì LS hy vọng dễ xoay sở, dễ bào chữa hơn, dễ tìm các tình tiết giảm nhẹ hơn so với các bị can, bị cáo không nhận tội”.

Chống tham nhũng, Trung Quốc là không sai

nguyen-thi-nhung-200.jpg
Chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ của SV Nguyễn Phương Uyên, từ Bình Thuận vào TP HCM đi tìm con. Photo courtesy of Nguyễn Tường Thụy's blog.
Nguyễn Phương Uyên năm nay 20 tuổi. Trước khi bị bắt, Uyên học năm thứ ba trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Phương Uyên bị bắt vào trung tuần tháng 10 năm ngoái và đang trong quá trình hợp tác điều tra.
Thông báo của cơ quan An ninh tỉnh Long An gởi đến gia đình cho biết sinh viên này vi phạm điều 88 BLHS Việt Nam – tuyên truyền chống Nhà nước. Gia đình nói Phương Uyên là một học sinh chăm chỉ với học lực khá giỏi và được học bổng khi vào đại học.
Phương Uyên được nói tham gia các hoạt động đoàn, đội của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Bạn bè nhận xét cô là người năng nổ và chăm chỉ. Ngay sau khi thông tin Phương Uyên bị bắt được công khai, các bạn cùng lớp và sau đó các trí thức có thư gửi cho các cấp liên quan về trường hợp của Phương Uyên. Ông Nguyễn Duy Linh, cha của Phương Uyên chia sẻ:
Nếu được nói một lời cho con gái thì tôi sẽ nói rằng tôi rất yêu con và tin tưởng rằng con không sai.
Chị Nguyễn Thị Nhung
“Vì Uyên sinh sau năm 1975, được Nhà nước dạy dỗ và đào tạo. Nếu chuyện Uyên làm có sai điều gì đó thì do người ta giáo dục sai. Còn chuyện Uyên chống tham nhũng, chống giặc Tàu thì điều đó là đúng.”
Có nhiều nguồn tin nói Phương Uyên bị bắt vì đã “làm thơ chống Trung Quốc”. Về phía gia đình gọi hành vi chống Trung Quốc của Phương Uyên là “vì yêu nước”. Bà Nhung nhận xét:
“Nếu được nói một lời cho con gái thì tôi sẽ nói rằng tôi rất yêu con và tin tưởng rằng con không sai. Và tôi cũng muốn gởi lời cám ơn những ai quan tâm gia đình tôi và mong muốn người Việt Nam hãy đoàn kết, yêu thương nhau”.
Bị bắt cùng đợt với Phương Uyên còn có Đinh Nguyên Kha (SN 1988, Long An) với những cáo buộc tương tự. Nguyên Kha cũng từng được truyền thông trong nước cho đăng tải lời nhận tội. Điều 88 BLHS Việt Nam là trong những điều khoản gây tranh cãi nhiều nhất vì có ý kiến cho rằng nó mơ hồ, hạn chế quyền tự do ngôn luận và thiếu dân chủ.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.