Khánh An, phóng viên RFA
2012-12-17
Đợt biểu tình của người dân Hà Nội và Sài Gòn hôm 9/12 vừa qua đã để lại nhiều dấu ấn. Một trong những điểm dễ dàng nhận thấy là sự cương quyết và khả năng đối phó của người biểu tình trước hành động trấn áp của chính quyền đã được nâng lên.
Không e sợ gì
Một trong những đoạn băng được xem và nghe nhiều nhất về đợt biểu tình ngày 9/12 là đoạn băng sau:
Công an: “Anh giới thiệu với em là anh ở Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Hoàn Kiếm… Trong nghị định 73 của chính phủ người ta có quy định tại điều 7, điểm b là không được tụ tập đông người rồi gây cản trở giao thông, gây mất trật tự. Đấy, thì so với cái nghị định như thế thì bản thân Trang có thấy có vi phạm hay sai gì không?”
Chính quyền cản trở nó là phản lại cái ngoại giao đó và nó thể hiện thái độ của chính quyền là ủng hộ những hành động, chủ trương của Trung Quốc trên Biển Đông.Đoan Trang
Đoan Trang: “Em muốn hỏi ngược lại một câu được không? Em nên hiểu thế nào, hoặc anh hiểu thế nào khi mà bây giờ người dân đi biểu tình là để biểu thị thái độ phản đối Trung Quốc bá quyền xâm lược và chính quyền bắt, thì bây giờ nên hiểu hành động bắt của chính quyền, hay gọi là mời về làm việc cũng được, nên hiểu như thế nào? Chính quyền có ủng hộ hay không?”
Công an: “Bây giờ thế này nhé, về quan điểm của Đảng và Nhà nước, giữa mình với Trung Quốc không phải là vấn đề là Đảng, nhà nước mình không có… tất cả đều giải quyết trên con đường ngoại giao…”
Đoan Trang: “Thế thì mình biểu tình như thế này có phải là ngoại giao không? Em nghe nói là ‘ngoại giao nhân dân’…’’
Công an: “… thế còn mình làm như thế thì nó sẽ thành những cái gây phức tạp về trật tự an toàn xã hội cho thành phố.”
Đoan Trang: “Không liên quan! Em nghĩ chuyện này rất rõ ràng, em nghĩ là không nên ngụy biện như thế. Em nghĩ rằng việc nhân dân đi biểu tình như thế đó là một cách ngoại giao đấy, ngoại giao nhân dân. Đấy là quan điểm nói chung quan điểm quốc tế đấy là cái ngoại giao. Chính quyền cản trở nó là phản lại cái ngoại giao đó và nó thể hiện thái độ của chính quyền là ủng hộ những hành động, chủ trương của Trung Quốc trên Biển Đông. Nó không thống nhất giữa người dân và chính quyền. Đấy là một hành động rất sai của chính quyền. Còn cái việc dân đi biểu tình mà anh quy là gây rối, chính quyền quy là gây rối thì phải xem lại. Bản thân nghị định đó là nghị định vi hiến. Khi Hiến pháp nói là dân có quyền biểu tình thì luật pháp của anh làm ra là để thực hiện cái quyền đó, chứ không phải là để hạn chế nó. Hạn chế nó là vi hiến. Rõ ràng là vì chúng ta không có cái cơ chế bảo hiến, cho nên luật pháp của chúng ta là vi phạm, vi hiến tràn lan. Chứ bây giờ cứ 5 người trở lên lại bảo là tụ tập gây rối, thế bây giờ nếu như hát trước cổng nhà hát lớn có phải là gây rối hay không?...”
Trưởng thành hơn
Anh Nguyễn Văn Dũng, một trong những người cùng bị bắt vào trại Lộc Hà hôm 9/12, nhận xét rằng tầm của người tham gia biểu tình thực sự đã được nâng lên một bậc và có thể dễ dàng nhận thấy qua lần biểu tình vừa rồi. Anh nói:
“Chuyện để thấy tinh thần của người biểu tình đã nâng lên một bước đó là 24 người thì tất cả đều trả lời giống như Đoan Trang. Họ hỏi về quan điểm hay tường trình các thứ thì mọi người không trả lời. Mọi người tuyên bố ngay từ lúc mới đầu vào làm việc là chúng tôi không hợp tác, không làm việc, không đi đâu cả, mà chúng tôi chỉ hỏi các anh tại làm sao mà lại bắt người trái pháp luật. Người phải trả lời chính là các anh, không phải là chúng tôi.”
Chuyện để thấy tinh thần của người biểu tình đã nâng lên một bước đó là 24 người thì tất cả đều trả lời giống như Đoan Trang.Nguyễn Văn Dũng
Anh Nguyễn Văn Dũng cho biết sau câu trả lời trên thì lực lượng chức năng với 5, 6 người đã xông vào khênh một người đi. Còn một số người khác đã bị đối xử tàn nhẫn, trong đó có anh Nguyễn Văn Phương, người được biết đến sau lần đọc Tuyên cáo ở trước nhà hát lớn vào năm ngoái.
“Cậu Nguyễn Văn Phương chống cự rất ác. Cậu kiên quyết giữ cờ tổ quốc quanh cậu. Năm, sáu người công an không giật được.”
Nếu để ý theo dõi những cuộc đối đáp của người tham gia biểu tình với đại diện cơ quan chức năng thì đa số thường dẫn đến kết cục chính quyền phải sử dụng quyền lực hay bạo lực để đối phó vì bị đuối lý! Trường hợp của anh Bùi Tiến Lâm trong cuộc biểu tình vừa qua ở Sài Gòn là một ví dụ.
“Có một anh an ninh chạy tới giật lá cờ của bạn mình và kẹp tay bắt người đó đi. Mình mới cùng với 5, 6 người bạn nhảy vào hô to lên là “Không được bắt người yêu nước! Thả ra, thả ra!”. Nó mới chạy tới nói “Ai, ai bắt người yêu nước ở đây?”. Rồi anh an ninh đó nói: “Bây giờ mấy ông ra đây để phá rối trật tự để cho thế lực thù địch nó lợi dụng thôi. Chứ tôi hỏi anh có người nào là Trung Quốc ở đây không?”. Lúc đó anh ta hét lớn lên: “Trong tất cả những người đang ở đây, có người nào là Trung Quốc không? Tại sao chúng ta là người Việt mà lại đi ra đây để phá nhau?”. Mình mới chỉ mặt anh ta nói: “Không có ai ở đây phá hết! Tôi nói thẳng với anh là ở đây có người Trung Quốc hay không là tôi chưa biết, nhưng tôi dám khẳng định với anh là ở đây tay sai của Trung Quốc rất nhiều”. Sau khi mình nói câu đó thì có một anh an ninh chạy tới xô ngã mình xuống.”
Hầu hết những người bị bắt đều đã từng trải qua những lần bị bắt trước đó trong các cuộc biểu tình vào năm ngoái. Vì thế những hành động bạo lực, trấn áp, hay dọa dẫm của lực lượng chức năng không còn gây ảnh hưởng nhiều trên họ.
Anh Trương Ba Không, người bị tạm giữ lâu nhất trong đợt biểu tình vừa rồi tại Hà Nội, cho biết chính những hành động bắt bớ, giam giữ của chính quyền đã giúp cho bản thân anh và người dân trưởng thành hơn.
Anh Nguyễn Văn Dũng cho biết thậm chí có những biểu tình viên đã tự nguyện bước lên xe buýt bắt người của cơ quan chức năng:
“Nói chung anh em khi đã vào đồn thì thậm chí còn kiên quyết hơn cả khi ở bên ngoài. Bên ngoài có khi vẫn còn cảm giác là có nên để bị bắt không, thật sự là như thế. Vì mỗi người đều có những công việc, vai trò, bận bịu riêng nên có thể là lúc họ ào vào bắt người thì có một số anh em tránh đi, nhưng cũng có những anh em điềm nhiên bước lên xe buýt, không e sợ gì cả.”
Theo nhận xét của các biểu tình viên, không phải chỉ có những người trong cuộc mà ngay cả những người dân không tham gia biểu tình cũng được nâng cao ý thức về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo khi chứng kiến và tìm hiểu về các cuộc xuống đường vừa qua.
Đối với hầu hết các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Việt Nam, Tổ chức Quan sát nhân quyền thế giới và các tổ chức quốc tế khác sau đó đều lên tiếng kêu gọi Việt Nam để cho người dân được quyền tự do biểu thị thái độ của họ.