THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 December 2012

Những kẻ làm cho 'dân nghèo nước mạt'



Họ sợ lỡ cơ hội đầu tư hay sợ mất dịp để tham nhũng? Họ lo cho dân giàu nước mạnh hay đang làm cho dân nghèo nước mạt?

Nông dân Bình Dương (Danlambao) - Ông Lê Văn Phước, cha liệt sĩ, sinh năm 1915, cư ngụ tại xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã bốn đời nay. Từ Ông cha để lại, ông có được một hecta đất. Với 9 đứa con, 20 cháu nội ngoại, ông cũng yên tâm là tuy thời buổi khó khăn, nhưng con cháu lớn lên cũng có chỗ để mỗi đứa cất được một căn nhà. Còn mấy năm nay, trên 10.000 m2 đất, con cháu trồng trọt hoa màu, đời sống gia đình cũng kha khá. Một số đứa có dư, mua được thêm chỗ khác cất nhà. Cho tới năm 2009, có 4 đứa con, cháu cất được 4 ngôi nhà, sống quay quần với ông, gia đình cũng vui vẻ.

Cuối năm 2009, UBND huyện Tân Uyên ban hành quyết định rồi sau đó tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất mà tỉnh, huyện đã ban hành trái pháp luật vào năm 2005 trong khi chưa có quy hoạch sử dụng đất cũng chưa có đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Họ đưa hàng ngàn công an, bộ đội, dân quân với đủ thứ xe cộ, trang bị và máy móc, phong tỏa toàn bộ khu vực, rồi cho xe càn ủi san bằng tất cả. Trong mấy tiếng đồng hồ, mấy chục hộ dân đang sống với nhà cửa, vườn tược, hoa màu, gia súc… đều trở thành bình địa.


Ảnh chụp vào những ngày đầu năm 2010, sau khi chính quyền tổ chức cưỡng chế ngày 29-12-2009, nhà cửa, vườn tược bị phá nát, người dân phải sống thế nầy đây.

Những người bị cưỡng chế thu hồi đất trong phút chốc biến thành những kẻ “vô gia cư, vô nghề nghiệp”, phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Quan quân, đại diện tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh,phụ lão… đến chứng kiến việc tổ chức cưỡng chế, lãnh tiền bồi dưỡng xong, ai về nhà nấy. Từ đó về sau, chẳng thấy ai ló mặt tới để coi coi những kẻ bị cưỡng chế hôm ấy, ngày nay sống chết thế nào.

Thấm thoát đã 3 năm, Ông Lê Văn Phước đã chết vào năm 2011. Một người cha liệt sĩ chết lúc 96 tuổi trong khi chưa có một căn nhà để ở, cũng chẳng được một cái nền nhà.Người ta lấy của Ông 10.000m2 đất, bồi thường một số tiền không đủ để ông mua lại một cái nền nhà 300m2 ngay trên mãnh đất ngày xưa của mình. Người ta ủi mất của gia đình ông 4 căn nhà, trong đó một của ông,một của con trai và hai căn của hai đứa cháu nội. Nhưng người ta chỉ trả lại cho có một cái nền nhà. Con cháu ông không chịu nhận tiền bồi thường và cái nền nhà đó.Vì vậy, cho tới ngày ông chết, Ông không có nhà cửa gì cả, một mét đất nền cũng không! Và cho tới hôm nay, cuối năm 2012 nầy, con cháu ông vẫn là người vô gia cư, vô nghề nghiệp.

Có điều may mắn hơn những người cùng cảnh ngộ vì ông là cha liệt sĩ, nên sau khi nhà cửa bị ủi mất hết, ông 'được' cưỡng bức vào ở trong một căn hộ của dãy nhà 46 căn do một công ty xây cất lên để kinh doanh. Công ty nầy, vào những năm 2007-2008, chụp thời cơ lấy đất của dân cất lên hai dãy nhà lầu để bán. Nhà cất xong, cũng như hằng ngàn căn nhà khác ở khu trung tâm thành phố mới và ở Mỹ Phước, Chơn Thành, Bền Cát… không bán được căn nào. Họ đưa Ông vào ở đây, để lấy tiếng là đã lo chỗ tạm cư cho những hộ có nhà bị cưỡng chế!

Nhưng có yên đâu. Trong khi trên bốn chục căn hộ vẫn hoàn toàn bỏ trống, và trong khi họ không hề giải quyết khiếu nại để bồi thường lại nền nhà cho con cháu ông,không hề bồi thường hoa màu và đất đai cho gia đình ông như pháp luật đã quy định, thì họ lại gởi giấy liên tục đuổi con cháu Ông đi ra để trả lại căn hộ tạm cư cho họ. Rõ ràng chính quyền và chủ đầu tư chỉ biết nghĩ tới mình mà không cần biết gì đến hoàn cảnh của người dân. Họ thừa biết rằng lấy lại căn hộ nầy, họ cũng để đó như hằng ngàn căn hộ khác chứ đã bán được cho ai. Họ cũng thừa biết rằng con cháu Ông Lê Văn Phước, sau khi nhà cửa bị chính quyền càn ủi để lấy đất thì không còn nơi nào để ở, một cái nền nhà cũng không. Vậy thì ra khỏi nơi tạm cư họ sẽ ở đâu? Cho dù có sẵn đất, sẵn tiền thì cũng không thể nào trong bảy ngày họ có chỗ ở để trả nhà cho chính quyền, huống hồ gì ba năm nay họ không còn một tấc đất và không làm gì ra một đồng bạc!


Không còn chịu đựng nổi nên trong năm 2012, anh Lê Văn Bửng, con của Ông Lê Văn Phước đã ra Hà nội 3 lần, mỗi lần cả tháng trời, để cùng với những người có chung hoàn cảnh, nộp đơn yêu cầu Thủ tướng chính phủ xem xét kết luận và xử lý việc tỉnh Bình Dương cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật, trả lại sự công bằng cho nhân dân.

Gặp tôi tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, anh Bửng tâm sự:

Gia đình tôi đã đổ xương máu để họ leo lên ngồi trên những chiếc ghế lãnh đạo. Họ quay lại cướp hết đất đai tài sản của chúng tôi. Họ làm mà không cần kể gì đến đạo lý, không cần kể gì đến quy định của pháp luật. Họ làm hấp tấp, làm ngang ngược. Họ nói là sợ mất cơ hội đầu tư. Thật ra, họ chỉ sợ lỡ dịp tham nhũng. Họ lấy đất, bồi thường 30.000đ/m2; bán lại từ 5 triệu đến 40-50 triệu đồng/m2. Họ nói họ quy hoạch vì mục tiêu lo cho dân giàu, nước mạnh. Nhưng thực tế, họ tước đoạt hết đất đai, phá nát cả nhà cửa, vườn tược. 

Gia đình chúng tôi đang sống yên ấm, bỗng chốc, cả nhà phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Không còn chỗ ờ, không có việc làm. Thế mà họ vẫn bình chân như vại. 

Đất đai của dân bị họ cưỡng chế lấy hết, rồi để đó, chờ phân lô bán nền. Hàng nghìn hecta, đã bị bỏ hoang từ cả chục năm nay trong khi người dân không còn đất sống. Họ đang làm cho“dân nghèo nước mạt”. Vậy mà chính phủ vẫn cứ làm ngơ.  Mỗi lần có đoàn Thanh tra, hay cán bộ lãnh đạo nào từ trung ương vào, thì lại có dư luận là Tỉnh đã phải chi thêm vài chục tỷ bạc. Lúc đầu chúng tôi không tin, nhưng đã ba đời Chủ tịch nước, không cơ quan trung ương nào lên tiếng, không một cán bộ nào của tỉnh, huyện bị kỷ luật. Nay tôi tin là họ đã ăn chia với nhau những phần xương máu đã cướp được của nông dân. Vì ra đây mới thấy, bao nhiêu dân oan ở các tỉnh, từ Nam tới Bắc, nhiều người đã đi khiếu kiện hằng chục năm nay, có ai được giải quyết gì đâu!

15-12-2012

Nông dân Bình Dương