Khí thải từ các nhà máy và đường phố đang khiến không khí ven đường tại TP HCM bị ô nhiễm nặng. Đây cũng là nguyên nhân khiến những người tiếp xúc với môi trường này dễ mắc bệnh tai mũi họng.
Bụi lơ lửng và các chất hữu cơ bay hơi từ khói động cơ dễ khiến người hít mắc bệnh. Ảnh: Kiên Cường. |
Cảnh báo vừa được các bác sĩ Hội Y tế Cộng đồng TP HCM nêu tại hội nghị khoa học bàn về những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống tại thành phố.
Phó giáo sư Nguyễn Đình Tuấn, trường ĐH Tài nguyên - Môi trường cho biết, kết quả quan trắc chất lượng không khí trong 5 năm qua cho thấy, lượng bụi lơ lửng trong không khí ở khu vực ven đường tại TP HCM đáng báo động. Đây là một trong những nguyên nhân đe dọa sức khỏe người dân.
"Bụi lơ lửng, benzen và NO2 là những chất đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường. Nồng độ chì cũng khá cao so với quy chuẩn của nhiều nước trên thế giới. Trong số các chất ô nhiễm trên, Benzen có thể gây ung thư", ông Tuấn nói.
Thiết bị quan trắc được đặt tại 6 điểm công cộng tại TP HCM gồm Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Vòng xoay Phú Lâm (quận 6), Ngã tư An Sương (quận 12), ngã sáu Gò Vấp, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7). Các chỉ số đo đạc gồm các chất có hại đến sức khỏe như Benzen, CO, NO2, bụi, hàm lượng chì và tiếng ồn.
Kết quả cho thấy, tổng bụi lơ lửng tại tất cả các trạm vượt 5 lần cho phép; 2 địa điểm luôn có hàm lượng CO cao quá quy chuẩn và hầu hết các trạm đều cho lượng NO2 và chì vượt ngưỡng. Tại một số thời điểm, nồng độ Benzen đo được cao hơn 10 lần so với chuẩn. Đây là loại chất chủ yếu có trong khói thải xăng dầu.
Theo tiến sĩ Tuấn, kết quả này phù hợp với bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về mức độ ô nhiễm không khí tại TP HCM năm 2010. Theo đó, TP HCM là một trong 10 thành phố có mức độ nhiễm bụi cao nhất thế giới.
Nguyên nhân gây ô nhiễm là do nguồn khí thải công nghiệp và giao thông vận tải, trong đó ô nhiễm do ôtô và xe máy chiếm chủ yếu.
"Mức độ ô nhiễm này chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là những người sinh sống và làm việc ở khu vực ven đường", ông Tuấn nhận định.
Theo đại diện Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, mỗi năm, số bệnh nhân là người Sài Gòn đều tăng cao hơn. Mỗi ngày, bệnh viện này đón gần 1.000 người đến khám. Khoảng nửa số ca bị viêm xoang, viêm mũi và hầu hết được chẩn đoán do hít khói bụi.
Các bác sĩ cho biết, do mũi có cấu trúc là những hang hốc phức tạp nằm ngay dưới hộp sọ gồm nhiều dây thần kinh nên khi bị viêm nhiễm, vết thương rất dễ lây lan. Biểu hiện khởi phát thường là hắt hơi, sổ mũi, sau đó chảy nước mũi. Những trường hợp chảy mũi có màu xanh kèm đau nhức vùng mũi cho thấy tình trạng viêm đã chuyển nặng.
Các bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu thì cho rằng việc người dân phải thường xuyên hít những chất hữu cơ bay hơi như Benzen là vô cùng nguy hại.
"Khi phương tiện giao thông chính là xe máy và ôtô chưa được thay thế và người dân thường xuyên lưu thông trong nội thành, ngoài việc thường xuyên rửa mũi, tai, cách tốt nhất để bảo vệ mình khi ra đường là mang khẩu trang", một bác sĩ nói.
Trung Hào