Huỳnh Bá Hải (Cộng tác viên Danlambao) - Hoàng Khương bị tuyên 4 năm tù tại phiên sơ thẩm ngày 7.9.2012. Thêm một trận thua đau nữa của báo chí trước quyền lực công an tại Việt Nam. Không như các "trận" trước, "trận" này đau đớn hơn và gần như thua trắng. Lần này là sự trả thù của công an nhằm bịt miệng hoàn toàn những phóng viên, những cơ quan báo chí dám phanh phui tiêu cực của ngành công an.
Trong vụ án PMU18 thì các phóng viên Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) đụng vào ngành giao thông vận tải nên mức án chỉ như là "cảnh cáo" nhẹ hơn nhiều so với Hoàng Khương hiện nay. Các bài viết của phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến thì gay gắt hơn các phóng sự của Hoàng Khương nhưng án họ nhẹ nhàng hơn. Vì sao? Vì Hoàng Khương đánh thẳng vào công an, dù cú đánh có nhẹ nhàng cỡ nào cũng phải bị công an trả thù nặng nề.
Trong vụ Hoàng Khương, phải chăng báo Tuổi Trẻ chọn chiến lược thỏa hiệp kiểu "nín thở qua sông" không dám lên tiếng mạnh như vụ bảo vệ phóng viên Nguyễn Văn Hải. Báo Tuổi Trẻ hi vọng rằng sự nhẫn nhịn của mình sẽ giúp Hoàng Khương được tại ngoại về ăn Tết hay mức án nhẹ hơn. Nhưng kết quả diễn ra tại phiên sơ thẩm cho thấy là chiến lược "im lặng" của Tuổi Trẻ bị thất bại hoàn toàn.
Cha của nhà báo Hoàng Khương khóc tại sân tòa - Ảnh: Thuận Thắng (Báo Tuổi Trẻ)
Báo Tuổi Trẻ luôn dè dặt khi đưa tin gì về Hoàng Khương, ngay cả lịch xét xử thì họ cũng dẫn nguồn từ báo Thanh Niên chứ không dám đưa tin từ luật sư hay các phóng viên của báo Tuổi Trẻ. Dù các phóng viên nội chính của Tuổi Trẻ và các nguồn tin của họ mạnh hơn nhiều các báo khác. Trường hợp phóng viên Chi Mai có rất nhiều người thân đang làm trong ngành an ninh là một ví dụ.
Chắc chắn là Hoàng Khương sẽ kháng án và báo Tuổi Trẻ sẽ mạnh miệng hơn khi dám bảo vệ phóng viên của mình. Sau khi tuyên án, một phóng viên báo SGGP nói: Cơ quan báo chí lên tiếng thì bị răn đe là sẽ bị xử mút khung! Nhưng suốt quá trình im lặng đã qua của báo Tuổi Trẻ thì Hoàng Khương cũng bóc lịch 4 năm. Vậy thì im lặng cũng chết mà có lẽ trước khi chết kêu lên một tiếng thì cũng được an ủi ít nhiều.
Công an Huỳnh Minh Đức bị tuyên 5 năm tù chắc là sẽ không kháng án nhưng chắc chắn là anh này sẽ ra tù trước thời hạn so với bản án 4 năm tù của Hoàng Khương. Ngành công an "còn đảng còn mình" vẫn luôn là "vùng cấm" đối với cuộc chiến chống tiêu cực tham nhũng của báo chí. Chắc chắn các phóng viên nội chính sẽ chùn tay khi viết bài chống tiêu cực sau vụ án này.
Dùi cui và còng số 8 đã thành công khi bịt miệng và uy hiếp báo chí. Nhưng rõ ràng càng ngày càng có nhiều nhà báo bất mãn với chế độ bạo quyền. Khi quyền lực công an bao trùm luật pháp thì hơn ai hết các phóng viên nội chính dù là người rất thân với an ninh như phóng viên Chi Mai cũng bất mãn với những phiên tòa rừng rú như phiên xử nhà báo Hoàng Khương.
Huỳnh Bá Hải
danlambaovn.blogspot.com
danlambaovn.blogspot.com
Rất đông người thân, đồng nghiệp, bạn bè chạy theo chia sẻ động viên Hoàng Khương rời tòa án chiều 7-9 - Ảnh: Thuận Thắng (Báo Tuổi Trẻ)
Ảnh ấn tượng trong ngày
Bất chấp lực lượng chức năng ngăn cản, người thân và bạn bè vẫy tay chào Hoàng Khương (Ảnh: Thuận Thắng - Báo Tuổi Trẻ)
Đoan Trang - Nhìn vẻ mặt của chú công an ở phía trái bức ảnh thật đối lập với đám nhà báo phía bên phải: Một bên cau có, gườm gườm, dữ dằn; một bên tảng lờ, vẫn cố lao vào chụp ảnh đồng nghiệp, ghi lại những giờ phút ngắn ngủi còn được nhìn thấy anh.
Bức ảnh làm tôi nhớ lại cái cảm giác của mình khi chứng kiến cảnh công an, dân phòng thổi còi, quát tháo, dồn đẩy những người dân (số đông có lẽ là nông dân, dân oan mất đất, căn cứ diện mạo và cách ăn mặc lam lũ của họ) ra xa khỏi cổng Tòa án, trong phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ, 4-4-2011.
Hình ảnh đó, cũng như bức ảnh này, cho dù chỉ ghi lại một khoảnh khắc và không đủ để nói lên điều gì về những người có mặt, khiến cho tôi củng cố thêm một ý nghĩ của mình: Rất khó để dung hợp giữa lực lượng bảo vệ chế độ, đặc biệt là những người bảo vệ và dung dưỡng cho sự bưng bít, thiếu minh bạch, kiểm soát, “định hướng”, với những người chỉ muốn bóc trần mọi sự việc ra ánh sáng, những người lúc nào cũng đòi hỏi “quyền được biết”.