TP - Bất chấp cảnh báo tồn dư lưu huỳnh trong thực phẩm gây bệnh, nhiều cơ sở, hàng khô, thuốc đông dược vẫn thoải mái ngâm sấy chất này.
Hóa chất tẩy trắng, trong đó có lưu huỳnh được bày bán tràn lan ở chợ Kim Biên. Ảnh: Q.M. |
Trong vai người bỏ mối đồ khô cho các quán nhậu, chúng tôi dễ dàng tìm mua đủ các loại chất tẩy trắng, tẩy mốc ở TPHCM.
Tại chợ hóa chất Kim Biên, khi được hỏi mua lưu huỳnh để tẩy măng khô, bà chủ quán giới thiệu cả hai loại chất lỏng và dạng bột.
“Dung dịch tẩy 20 ngàn đồng/lít. Loại dạng bột thì đắt hơn, 80 ngàn/nửa ký. Không chỉ tẩy măng khô mà còn xài tốt với các loại cá khô, mực khô, bò khô…”, người bán nói.
Khi chúng tôi cho biết sẽ mua thử 1 lít dung dịch về thử nghiệm, bà chủ quán nói: “Các chú cứ mua về xài, chỗ tui bán bao sạch, bao đẹp. Thứ chất tẩy này pha loãng với nước, sau đó ngâm đồ khô vào, đảm bảo mốc meo bay hết mà không để lại bất cứ mùi vị gì trên thực phẩm”.
Theo quan sát của chúng tôi, dung dịch này được người bán chắt ra từ một chiếc can to khoảng 50 lít, không có bất cứ một nhãn mác, thành phần hay hướng dẫn sử dụng gì. “Tùy theo lượng mốc nhiều hay ít để pha đậm, nhạt thích hợp thôi”, người bán trình bày.
Theo bà chủ quán, rất nhiều người đến mua chất tẩy trắng thực phẩm khô. Khi chúng tôi hỏi tên và thành phần hóa chất của thứ dung dịch này, bà chủ quán lắc đầu: “Chỉ biết là chất tẩy trắng thôi, còn loại dạng bột là chất chống mốc. Tất cả đều mang pha loãng với nước và cho măng, cá mực khô vào ngâm. Người ta hỏi thì tui bán chứ đâu có biết thành phần ra sao đâu”.
Măng khô không ngâm hóa chất có màu sắc không bắt mắt như loại được ngâm tẩm. |
Tại chợ Bình Tây, nguyên dãy bán đồ khô với hơn 30 sạp trên đường Lê Tấn Kế bày bán đủ loại cá mực khô, măng, nấm khô… Tất cả đều được đựng trong các bao ni lông không có nhãn mác, nơi sản xuất.
Tại đây, măng khô đã được tước thành sợi nhỏ bằng ngón tay có giá 120 ngàn đồng/kg. Măng chưa tước giá 55 ngàn đồng/kg.
Theo người bán, măng này được nhập về từ Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, miền Bắc, đảm bảo không có bất kỳ hóa chất bảo quản nào.
Tuy nhiên, theo những người bán hóa chất ở chợ Kim Biên, các loại thực phẩm khô sau khi nhập về đều được các thương lái mua hóa chất ngâm tẩm để trông bắt mắt hơn.
Trong quá trình bảo quản, người ta thường xử lý khí sulfur (SO2) hay sulfit natri (Na2SO3) với liều lượng vừa phải. “Khi chế biến, măng khô được ngâm, rửa nước sạch, luộc rồi rửa lại vài lần nên đảm bảo an toàn với liều lượng xử lý vừa phải. Tuy nhiên, nhiều người sản xuất thường xử lý với nồng độ cao khiến hóa chất độc hại tích tụ, khó đào thải gây nguy hiểm cho người dùng” ông Tuấn, một đầu mối cung cấp măng khô ở Gia Lai, nói.
Ông Xuân, người chuyên sản xuất tinh bột sắn, nói, các loại hóa chất có gốc lưu huỳnh cũng thường được dùng để bảo quản khoai, sắn không bị nấm mốc phá hoại.
Tuy nhiên, chúng chỉ dành làm thức ăn cho động vật hoặc dùng để sản xuất tinh bột hay nấu rượu. “Khi sản xuất tinh bột hoặc nấu rượu, các hóa chất này sẽ được rửa trôi qua quá trình xử lý nguyên liệu”, ông Xuân nói.
Bảo quản đông dược bằng lưu huỳnh
Không chỉ dùng để sấy măng và một số thực phẩm khác, theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa (phòng khám y dược cổ truyền Tuệ Lãn ở TPHCM), không ít cơ sở đông dược vẫn dùng lưu huỳnh để chống nấm mốc.
Tại đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, rất nhiều cơ sở sản xuất đông dược cho thuốc vào các thùng, sau đó cho lưu huỳnh vào xông để diệt hết sâu bọ, nấm mốc.
Theo lương y Nghĩa, nếu xông với hàm lượng cao sẽ rất nguy hiểm, không chỉ làm thuốc bị mất bớt chất mà còn gây ngộ độc, nhức đầu cho người dùng.
“Lưu huỳnh dùng để xông, sấy thực phẩm đã có từ lâu, tuy nhiên vấn đề là hàm lượng như thế nào để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thông thường 100kg thuốc thì dùng 1kg lưu huỳnh để xông, sấy, nhưng không ít người dùng đến 7-8kg để nhanh chóng cho sản phẩm”, lương y Nghĩa phân tích.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Đại Biên, Trưởng phòng khám bệnh, BV Nhân dân 115, cho biết, nếu bị ảnh hưởng ít bởi lưu huỳnh, có thể bị ho, viêm mũi; hàm lượng nhiều có thể gây viêm phổi, suy thận, có khi ảnh hưởng hệ thần kinh.
Bác sĩ Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, nói, lâu nay chưa ai kiểm tra các mặt hàng thực phẩm có hàm lượng lưu huỳnh.
Bác sĩ Mai cho biết, chất này bị cấm đưa vào thực phẩm vì gây biến dị tế bào, sản sinh ra các tế bào có nguy cơ ung thư… Theo các chuyên gia, dung dịch tẩy trắng bán ở chợ hóa chất Kim Biên có thể là dung dịch lưu huỳnh. Loại dạng bột có thể là lưu huỳnh kết tinh.
Tất cả những hóa chất trên khi ngâm tẩm vào thực phẩm đều tích tụ độc chất, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dùng.
Theo thạc sĩ Lê Văn Anh, một chuyên gia về công nghệ hóa học, các chất tẩy trắng, trong đó có lưu huỳnh có những tác dụng tức thì, nên các cơ sở thường lạm dụng. “Các hóa chất đều độc hại. Vì vậy, nếu dùng vào chế biến thực phẩm thì rất nguy hiểm”, ông Anh nói.
Quang Minh - Lê Nguyễn