THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 September 2012

Đến vườn hoa ngửi...thuốc trừ sâu



23/09/2012 14:28:41
 - Đến làng hoa Mê Linh và Tây Tựu (Hà Nội) vào một số thời điểm trong năm không ít người đã phải bịt mũi vì bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân gây ra là từ việc lạm dụng thuốc trừ sâu của người trồng hoa.

Để mục sở thị việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các làng hoa, phóng viên đã mời PGS.TS Lê Văn Thiện, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội xuống làng hoa Tây Tựu.

Phun thuốc tại vườn hoa Tân Lập.
Phun thuốc tại vườn hoa Tân Lập.
10 phút, 20 xe đi đánh thuốc

Khoảng 14h ngày giữ tháng 9/2012, chúng tôi có mặt tại lối vào vườn hoa Tân Lập (Tây Tựu, Hà Nội). Đây được cho là giờ cao điểm để đội "đánh thuốc" ra quân. Dừng 10 phút ở đầu đường đi vào vườn hoa, chúng tôi đếm được hơn 20 xe máy với đặc điểm riêng trên giỏ xe xếp đầy các hộp, chai, túi thuốc trừ sâu bệnh các loại. Còn người ngồi trên xe mang theo bình thuốc trừ sâu. Có lẽ vì ngày nghỉ cuối tuần nên thỉnh thoảng vài xe chở cả trẻ em ra đồng cùng bố mẹ phun thuốc.

Khác với không khí mát mẻ của nhiều làng quê lúc giao mùa, khi đến gần vườn hoa Tân Lập chúng tôi thấy mùi hắc nồng của thuốc trừ sâu và phân bón. Sự cảm nhận này rõ rệt trong những bước đầu tiên từ con đường nhựa Tân Lập xuống đường bê tông vào vườn hoa.
 
Những lớp thuốc trắng xóa đang được phun tại các góc ruộng. Là một người nhạy cảm với thuốc trừ sâu, PGS.TS Lê Văn Thiện cho hay, ông có cảm giác khô, ngứa ở mũi.
Phóng viên đang đếm tên thuốc.
Phóng viên đang đếm tên thuốc.

Dưới ruộng, trên cây... đều có vỏ thuốc trừ sâu

Tại vườn, hoa hồng đang mùa xuống lá, chuẩn bị cho đợt ra hoa mới đón những ngày lễ cuối năm. Trên một vài ruộng hoa đang có người phun thuốc hoặc hái hoa chuẩn bị cho ngày mồng 1/8 âm lịch.

Trên các lối đi cũng như bao quanh các luống hoa hồng chúng tôi thấy cỏ chết vàng. PGS.TS Lê Văn Thiện nhận định, cỏ chết không phải do thời tiết nắng của mùa hạ đã qua mà chính là thuốc diệt cỏ. Để làm sạch cỏ, thay vì nhổ thì dùng thuốc diệt vẫn là cách nhanh nhất. Riêng các cây hồng đang mùa xuống lá, người dân vẫn phải phun thuốc để mầm, nhánh phát triển và để trừ sâu bệnh...

Nhưng hình ảnh đập vào mắt chúng tôi khi xuống vườn hoa là hàng đống lớn vỏ thuốc trừ sâu được làm bằng các chất liệu như chai nhựa, thủy tinh, túi bóng... Bất cứ đâu cũng có vỏ thuốc BVTV. Dưới ruộng, trên cây, bên vệ đường, mương nước...
 
Trong một đống thuốc bảo vệ thực vật gần sát lối đi, chúng tôi thử đếm các tên thuốc BVTV được dùng, con số lên đến hơn 20 loại khác nhau. Hầu hết là tiếng Việt, đôi khi có cả tiếng Trung Quốc. Ấn tượng nhất là một gốc cây, bao quanh nó không chỉ hàng trăm vỏ thuốc BVTV mà chi chít các bơm kim tiêm được cắm vào thân thành một vòng tròn.

Bao bì thuốc còn vương cả trên cây hoa hồng.
Bao bì thuốc còn vương cả trên cây hoa hồng.

Ưu tiên dùng thuốc độc, rẻ

Đó là khẳng định của một người dân xin không nêu tên trong vườn hoa Tân Lập. Theo anh, hoa hồng là loài dùng nhiều thuốc trừ sâu nhất. Bởi hoa hồng chịu nhiều tác động của sâu, nấm, kin kin... Như vườn hoa hồng anh đang hái, dùng vô kể loài thuốc mà bản thân anh cũng không nhớ rõ. Mỗi bệnh chữa một loại thuốc riêng. Tùy loại sẽ dùng tách rời hoặc pha chung tất cả các loại thuốc phun một lần... cho tiện. "Nhìn chung khi pha nhiều loại thuốc vào một bình tác dụng sẽ cao hơn. Nếu đánh thuốc mà sâu bệnh không chết thì không đánh làm gì!", anh này bộc bạch.

Theo cách làm kinh tế của anh này, loại thuốc nào càng độc, càng rẻ thì ưu tiên dùng. Để trừ nấm hại lá, trước đây dân sử dụng sunfat đồng nhưng giờ hóa chất này đắt nên chuyển sang dùng man (tên gọi tắt của thuốc manco - PV).
 
"Làm cũng phải có kinh tế nên dân chọn loại thuốc nào độc nhất, rẻ nhất để dùng. Man có giá bán từ 80.000 - 85.000đ/gói 1kg. Mỗi gói bơm tầm 12 - 13 bình nước, phun chưa được 1 sào. Cứ 5 ngày lại phun thuốc này một lần", anh này nói thêm.

Dấu hiệu của hóa chất tồn đọng trên lá chính là màu trắng phớt vàng. Đây là chất mà trước đây phóng viên cho đó là bụi bẩn bám trên lá!. 

Ngoài ra, anh này cũng chia sẻ, việc "đánh thuốc" cũng theo kinh nghiệm thực tế. Khi  thấy cây không hết bệnh người dân sẽ dùng tăng liều hoặc chuyển thuốc.

PGS.TS PGS.TS Lê Văn Thiện xem một vài mẩu thuốc bảo vệ thực vật.
PGS.TS Lê Văn Thiện xem một vài mẩu thuốc bảo vệ thực vật.

Thu hoạch luôn

Điều xót xa nhất là người dân ở đây vô cùng chủ quan trước sự độc hại của thuốc BVTV. Người phun không cần biết hướng gió thế nào hay trên người cũng không có lấy một chiếc áo bảo hộ lao động... Thứ duy nhất bảo vệ họ là khẩu trang bằng vải chống bụi bình thường.

Sự thờ ơ với chính sức khoẻ bản thân mình khiến họ cũng xem thường sức khoẻ người khác thông qua thời gian hái hoa. "Hoa sau mỗi lần đánh thuốc thường được thu hoạch luôn. Bởi hoa nở không theo lứa, đòi hỏi ngày nào cũng phải cắt. Việc đảm bảo để cách ngày là điều... không tưởng", một người trồng hoa giấu tên cho hay.
 
Đến 18h chúng tôi ra về, vẫn mùi nồng nặc của thuốc trừ sâu. Cả PV lẫn nhà khoa học đều có chung cảm giác: Mũi khó chịu, đau đầu buồn nôn, khó thở. PGS.TS Lê Văn Thiện nhắc tôi, về nhà cần giặt ngay quần áo, uống nhiều nước để giải độc.
Thu Hiền