THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

12 August 2012

Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Kỳ VI - Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Xin quý vị và các bạn tiếp tục gởi chi phiếu cho thương binh VNCH về:
HỘI H.O. CỨU TRỢ THƯƠNG PHẾ BINH & QUẢ PHỤ VNCH
(DISABLED VETERANS AND WIDOWS RELIEF ASSOCIATION)
Non Profit Corporation No. 3141107 EIN: 26 – 4499 – 492
PO Box 25554
Santa Ana CA 92799
Hoặc:
 
Ðài truyền hình SBTN-Asia
P.O. Box 127, Garden Grove, CA 92842.
Chi phiếu xin đề: ÐNH Cám Ơn Anh kỳ VI.



dien thoai truc tiep dong gop 1 888 339 8247  Dai Nhac Hoi Cam On Anh Ky 6

DNHCamOnAnhKy6

K/g Qúy Thân Hữu:

Kính mời quý thân hữu tham dự Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 6 được tổ chức tại Sân vận động truờng trung học Bolsa Grande Garden Grove, 9401 Westminster Ave., Garden Grove, CA 92844. 

Đây là một chương trình đại nhạc hội được tổ chức rất qui mô và có sự góp mặt nhiều ca sĩ có tên tuổi với một mục đích chung là để tỏ lòng cho tri ơn đến những thương phế binh VNCH, đã hy sinh một phần thân thể của họ, để bảo vệ bình an cho miền Nam Việt Nam, đồng thời là để gây quỹ hầu mong gom góp được một số tiền gởi về các anh thương binh, hầu mong giảm bớt một chút gian truân - cay nghiệt mà các anh thuơng binh đang oằn oại chịu đựng trên mảnh đất,  mảnh đất mà các anh đã từng thề sống chết để bảo vệ. Làm sao chúng ta có thể làm ngơ khi nhìn thấy những hình ảnh của các anh thương binh đang lê thân trên các vỉa hè, với một thân thể không lành lặng để kiếm từng đồng bạc lẻ...

Người viết được biết Trung Tâm Asia, hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH, các đoàn thể, anh chị em nghệ sĩ ,đài truyền hình, truyền thông báo chí đã nổ lực làm việc trong nhiều tháng qua...,đổi lại chúng ta đi xem chỉ phải trả có 10 đô la  - để tham dự một buổi văn nghệ tình thương, có ý nghĩa, ca nhạc kịch đặc sắc này suốt 7 tiếng đồng hồ. 

Hẹn gặp nhau tại Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 6, ở Sân vận động truờng trung học Bolsa Grande Garden Grove, 9401 Westminster Ave., Garden Grove, CA 92844, lúc khai mạc 12 giờ trưa, Chủ Nhật 12-8-2012 .

Chào thân ái,

Anthony Lưu Anh Tuấn





Ðại Nhạc Hội  Cám Ơn Anh Kỳ VI - Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012.
 Ban Hợp Ca - Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ
"Tri Ân Người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa"






 Kính mời quý đồng hương tích cực tham gia:

 Ðại Nhạc Hội  Cám Ơn Anh Kỳ VI.
Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012






Xin Được Cám Ơn Các Anh:
Người Thương Phế Binh/VNCH
(11/24/2011)  Mường Giang
Kính tặng tất cả TPB/VNCH
Những ngày tháng Tư năm đó, không biết sao mà trời bỗng đổ mưa thật sớm và lớn hơn bao giờ hết. Mưa làm ngập những chiếc hố tránh đạn và giao thông hào của những người lính trận, tại các chiến trường máu lệ Phước Long, Phan Thiết, Long Khánh, Hậu Nghĩa, Long An, Phước Tuy, Biên Hòa và Sàigòn.
Trong cơn mưa nước mắt năm ấy, có máu, thây người và xác của những cánh hoa học trò, làm nhuộm hồng áo người lính và đồng bào chiến nạn, chạy theo cơn mưa, mịt mù đạn pháo.
“Bồ Đào mỹ tửu, dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà, mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường, quân mạc vấn?
Cổ lai chinh chiến, kỹ nhân hồi”



Bốn câu thơ cổ trong bài “Lương Châu Từ” của Vương Hàn (687-726) đã nói lên thân phận của người lính chiến, sống và chết không có biên giới, nên mấy ai dám nghỉ tới chuyện trở về? Và giọt mưa nào đây vừa lăn trên má, đã khiến cho người lính già bồi hồi nhớ lại, một thời chinh chiến cũ, những căn hầm tránh pháo ngập mưa, những nấm đất đào đấp vội vàng, để vùi bạn vữa ngã gục và những thương binh rên xiết, đang chờ cấp cứu.
Tất cả đã thành cổ tích. Giờ chỉ còn biết ngồi đây mà nhớ lại những ngày xa cũ. Chúng ta, tất cả đều là những người VN tội nghiệp, trót đầu thai lộn trong thế kỷ này, nên đã cùng nối vai lần lượt bước lên những giàn lửa đỏ. Cuối cùng, kẻ chết thì bị dầy mồ, tan xác, còn người sống, nếu không sống kiếp mây chiều lang thang, thì cũng lết lê phận bèo trong vùng giặc chiếm, để gục đầu thương hận, mà khóc cho quê hương vì đâu máu xương chất ngất, vì đâu mà kiếp sống của con người, tới nay vẫn không bằng cây cỏ bên đường.
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm trong nhớ, vào những ngày đầu đời, mẹ bỏ con trong gánh, dầm mưa chạy loạn, giữa tiếng bom đạn, máy bay gầm thét, của Việt Minh và Pháp. Tóm lại, chúng ta đều ra đời và trưởng thành trong tiếng súng, cùng với bom đạn làm rách vỡ da thịt của quê hương. Rồi cũng vì người, vì tang bồng hồ thỉ nam nhi trái, mà giốc cả tuổi trẻ, đời trai, vào cốc men đắng cay, uống cạn hạnh phúc của chính mình.
Đất nước hai mươi năm chinh chiến, hai mươi năm dài hờn hận, đã dày vò người lính miền Nam, trong mưa bom đạn xéo trùng hằng. Rốt cục những người nằm xuống, những kẻ ra đi hay ở lại chịu cảnh ngục tù khổ sai của VC, ai nấy cũng đã trả xong cái nợ “da ngựa bọc thây”, tủi nhìn từng trang lịch sử của nước nhà, bị giặc thù bôi nhọ và khép kín. Trưa 30-4-1975 Sàigòn thất thủ, miền Nam VN từ bên này cầu Hiền Lương, trên sông Bến Hải, chạy ngang vĩ tuyến 17, tới mũi Cà Mâu, đã chính thức thuộc về lãnh thổ Xã Hội Chủ Nghĩa đệ tam quốc tế cộng sản, có tổng đài ở tận Nga Sô. Cũng từ giờ phút đó, khi mà chiếc mặt nạ hòa bình của người cộng sản đã cởi, để lộ những khuôn mặt thật của các thây ma vô hồn, lạnh băng và hung hiểm, thì cũng là lúc, đồng bào mới sực tỉnh và thương tiếc người lính VNCH. Nhưng than ôi tất cả đã muộn rồi, họ đã ngã gục không phải tại chiến trường vì đạn pháo của VC, mà ngay trên hè phố Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Sàigòn... bởi chính những viên đạn ích kỷ, hám danh, những miệng lưỡi ngòi bút, của chính phe mình.
Ai chẳng một lần về với đất? khác chăng là sớm hay muộn, vinh với nhục và sống chết sao cho ý nghĩa của một kiếp người. Chỉ tội nhất là những người lính chưa chết nhưng coi như đã chết vì thương tật chiến trận và những vết thương lòng. Họ không chết mà chỉ bị thương nặng và tất cả đã gởi lại chiến trường một phần thịt da của mẹ, ở Khánh Dương, Tháp Chàm, Phan Thiết, Xuân Lộc... và ngay tại Sàigòn, vào lúc mà cây cột đèn cũng muốn chạy, để khỏi bị VC nhổ đem đi bán. Họ ở lại làm vật hy sinh cản xe tăng, hứng đại pháo của giặc thù, để kiếm thêm một chút thời gian, một bầu trời an toàn, một dòng sông lặng sóng, giúp cho mọi người từ dân tới lính, bình yên di tản ra nước ngoài, để tiếp tục sinh con đẻ cháu, ăn học thành tài và thành người ngoại cuộc..
Nay thì từ quan tới lính, ai cũng kiếm cách đi khỏi quê nhà, bỏ lại những bóng ma của quá khứ và những người thương phế binh sống sót, tủi hờn, đang lê lết phận bèo khắp đầu đường xó chợ. Thời gian có thay đổi, lịch sử cũng sang trang nhưng thân phận của người thương binh và gia đình của họ, chẳng có gì mới lạ, vẫn lấy nước mắt làm mưa rửa mặt hằng ngày. Buổi trước, khi VC tràn vào, họ bị bỏ lại ở những quân y viện, làng phế binh, không còn đại bàng, đồng đội và hậu phương. Bây giờ thì dần hồi chết đói, chết nhục trong thiên đàng xã nghĩa, trước sự xa hoa thừa mứa của VC, Việt Gian và Việt kiều muôn phương, vinh quy bái tổ, áo gấm về làng, mà trong dòng người đổi đời này, không làm sao mà đếm hết, những cấp chỉ huy và đồng đội cũ.
Có làm lính mới cảm thông cho kiếp lính nghiệt ngã đoạn trường. Có làm dân thời ly loạn mới biết được thế nào là mạng sống của con người, giữa bom đạn vô tình, héo úa còn thua cây cỏ. Có là người thương phế binh sau khi xuất viện, bỏ lại một phần cơ thể, mới thật tội nghiệp cho tuổi trẻ bạc phước vô phần. Thê thiết tận cùng là đời của người lính về chiều lại còn mang thương tật. Hỡi ôi những mảnh đời cùng khốn ấy rồi sẽ đi về đâu, trong cảnh mưa gió phũ phàng của cuộc đời? “ngày xưa, là lính vì đời chiến đấu là cầu đem người sang sông, hôm nay làm ma cô đơn, gục chết bên vệ đường...”


Tất cả hình như chỉ còn có kỷ niệm sau cuộc đổi đời. Là định mệnh mà chúng ta, những kiếp trai thời loạn phải gánh chịu theo vòng đời nổi trôi của dòng sông lịch sử, dù vô lý, dù hờn căm, dù bất công thương hận.
Mất nước nhà tan, nguời lính sống sót sau cuộc chiến, rã ngũ tan hàng đầu sông cuối bể, tha phương thì dần chết trong men đời cay đắng, còn tù ngục chịu cảnh nhục hờn. Nhưng tất cả giờ cũng đã đi hết rồi, chỉ còn ở đây là những thương phế binh xa cũ, những hồn ma cô quạnh, sống với quá khứ liệt oanh, qua những vết thương đời không hề hối hận:
“Di tản khó, sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày không lấy xác
Thây sình mặt nát, lạch mương tanh...”
(Tô Thuỳ Yên)
Ta thán phục, ta hãnh diện biết bao, khi đọc được những trang sử cũ. Sẽ vui cười hớn hở cùng với tiền nhân qua những lần giết đuổi giặc Tống, Mông, Minh, Thanh.. tận ải Chí Lăng, trên sông Bạch Đằng, đốt tàu Pháp tại Vàm Nhật Tảo. Không biết những trang quân vương dũng tướng thời xưa, hành xử thế nào mà muôn người như một, khiến cho người trong nước, già trẻ lớn bé, đều nguyện một lòng giết giặc cứu nước tại Hội Nghị Diên Hồng. Sau này mới vỡ lẽ, thì ra đó là tinh thần trách nhiệm, cũng như bổn phân của kẻ sĩ thời tao loạn. Hay đúng hơn, đó là đức tính cao quí của thanh niên-sĩ phu, dù họ chỉ là những người bình dân ít học.
“Tôi không là tôi nữa,
Từ khi được xuất ngũ
Có quạ đen đậu trên đầu
Có bao nhiêu đợi chờ đau khổ.
...”


Thanh niên VN thời nào cũng vậy, tất cả đều đặt trách nhiệm làm trai trên hết, nên chúng ta ngày nay mới còn có đất nước, để mà vui sướng, đau khổ. Hỡi ơi, có làm lính mới hiểu phận bèo của lính, có là thương phế binh, sau khi được xuât ngũ, mới thấm thía được nỗi buồn của một kẻ tàn tật, mất tất cả, ngoài người mẹ già từ quê xa, đang đợi con trở về. Thê thiết quá cũng như đau đớn tột cùng, kiếp lính chiều tàn là thế. Sự thật là vậy, có khi còn đau đớn trăm chiều. Ai đã tùng thấy chưa, cảnh vợ lính hay người yêu, chỉ một lần vào thăm người thân nơi quân y viện, rồi chẳng bao giờ quay lại, ngoài những giọt lệ cá sấu, vô tình còn vương vãi đó đây. Ai có một lần ngược xuôi trên các nẻo đường thiên lý, tình cờ hội ngộ những chàng trai tàn tật còn rất trẻ, những người mù, què, mặt mày in đầy thương-sẹo bởi đạn bom, đang lần mò ngửa tay chờ bố thí của mọi người. Họ là lính chiến của một thời oanh liệt, là thương phế binh QLVNCH đó, họ đau khổ mang thương tật không phải do bẩm sinh, mà vì đời, vì người gánh chịu:
Làm người bình thường, sống trong thời loạn, đã phải khốn khổ vì miếng cơm manh áo, huống chi phận lính nghèo, lãnh đồng lương chết đói, vậy mà còn bị trí thức nguyền rủa, là lính đánh thuê cho Mỹ.
“Giọt mưa trên lá, nước mắt mặn mà, thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về...”
“Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ...” (Phạm Duy).
Nhưng chiến tranh chứa dứt và vẫn còn khốc liệt, nhưng người xưa nay đã thành tàn phế, vô dụng, lê lết đời tàn xuân héo, lần mò trở về làng xưa, với những kẻ thân yêu, mong chút tình thân đùm bọc.
Ai có cảm thông chăng người lính mù trẻ tuổi vì đạn B40, lần mò trên chiếc xe lăn, quanh bến phà, bến xe, miệng hát tay đờn kiếm sống? Có thương không những người lính trận, bán thân bất toại, lê lết khắp các nẻo đường phố thị, để bán vé số, sách báo, đắp đổi qua ngày. Và còn nữa, còn trăm ngàn thảm kịch của tuổi thanh niên thời loạn, chân gỗ tay nạng, mắt mũi vàng khè, khô nám, luôn đau đớn bởi những hậu chứng, sau khi giải phẫu. Nhưng họ vẫn lao động để sinh tồn, đi biển, làm nông, lết lê trên ruộng trên sóng, đội nắng tấm mưa. Kiếp sống phận bèo của người phế binh là thế đó, nên phải chiếm đất cắm dùi, cũng là chuyện bình thường.


Hai mươi năm chinh chiến, dù có gọi bằng một thứ danh từ gì chăng nữa, thì xác của nam nữ thanh niên hai miền đất nước, cũng đã chất cao như núi, máu chảy thành sông. Rốt cục chỉ có cái vỏ độc lập, hòa bình, tự do, thống nhất. Người cả nước đói vẫn đói và đời sống càng bị tù hãm tứ phiá, bởi cổ được mang nhiều thứ gông, cả cộng sản, lẫn tư bản và đảng cầm quyền.
Nhưng thê thiết nhất vẫn là những người phế binh VNCH. Ngày xưa lúc chế độ cũ còn, được nói, được hưởng đủ thứ quyền lợi, thế nhưng họ vẫn sống bèo bọt, cực nghèo. 30-4-1975, VC vào tóm thu tất cả, thêm vào đó là chuyện trả thù. Lính sống thì đi tù, lính chết thì cầy mộ, còn lính què đui tàn phế, thì bị xua đuổi ra khỏi các quân y viện, làng phế binh và ngay cả ngôi nhà của mình.
19-4-1975 tại Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch, Phan Thiết. 30-4-1975 tại Tổng Y Viện Cộng Hòa-Sàigòn. Thảm họa gì đã đến với các thương bệnh binh còn đang điều trị, khi giặc về? Có ai cầm được nước mắt trong cảnh đoạn trường máu lệ, khi từng đoàn thương binh, nối gót đắt dìu ra cổng. Người sáng dắt kẻ mù, kẻ bị thương nhẹ cõng người trọng bệnh. Khắp lối ra vào, máu me vương vãi với nước mắt đoanh tròng của những nạn nhân bị bỏ rơi, không đại bàng, chẳng đồng đội và cũng hết hậu phương. Một số chết vì vết thương quá nặng, số khác sống trong cảnh tàn phế vĩnh viễn, vì vết thương không được tiếp tục điều trị. Đời thê thảm quá, cũng may lúc đó quanh họ, còn có những cô gái bán phấn buôn hương ở Ngã ba Chú Iá, Gò Vấp, những người xích lô ba gác, kẻ cho tiền, người giúp công, đưa hết những bệnh nhân xa xứ, tới bến xe về quê sống tiếp kiếp lính bèo.
Cuộc đổi đời nay đã xa lắc nhưng mỗi lần nhớ cứ tưởng mới hôm qua hôm nay. Ba mươi sáu năm rồi ta còn sống được, để nói chuyện văn chương chữ nghĩa trên đất người, đã là điều đại phúc. Trong lúc đó nơi quê nhà ngàn trùng xa cách, những người phế binh năm nào, không biết nay ai còn ai mất. Nhưng chắc chắn một điều, dù họ có sống hay đã chết, thì hận nhục, thương đau cũng đâu có khác gì bóng ma trơi, những mảng đời nghèo hèn tăm tối. Đâu có ai muốn nhắc tới những thân phận hẩm hiu trong vòng đời tục lụy, kể cả những cấp chỉ huy cũ, hiện đổi đời giàu sang, mồm to miệng thét ở hải ngoại.
- Xin hãy thương lấy họ, hãy cứu vớt họ đang trôi nổi trong ngục tù nghiệt ngã.
- Phế binh cũng là một phần của tập thể cựu quân nhân hải ngoại.
- Hãy rớt một chút ân thừa cho những thây người còn sống sót trong bể hận trầm luân.
- Hãy cho họ một chút tình thương trong cơn hấp hối.
- Hãy dành cho họ một chút không gian nho nhỏ, trong căn nhà VN to lớn, đã được các cộng đồng tị nạn hoàn thành trên khắp nẻo đường viễn xứ, để họ an tâm chờ đợi luân hồi và một vòng hoa tặng người chiến sĩ ca khúc khải hoàn, mà chắc chắn phải có trong thời gian gần.
Ngày xưa người chinh phụ, giữ sạch tâm hồn và băng trinh tuổi ngọc, để đợi chồng ngoài quan tái, hy vọng cuộc chiến mau tàn, để phu phụ trùng phùng, kết lại mối duyên xưa:
“Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
Xin vì chàng giũ lớp phong sương
Vì chàng tay chuốc chén vàng
Vì chàng điểm phấn, đeo hương não nùng
Liên ẩm, đối ẩm, đòi phen
Cùng chàng lại kết, mối duyên đến già...”
(Chinh Phụ Ngâm)
Nhưng người chinh phụ VNCH lại không có cái diễm phúc đó, vì khi quê hương vừa ngưng tiếng súng, lập tức từ quan quân cho tới sĩ thứ, những người bại trận, lớp lớp vào tù. Lính chết đã rục tử thi vẫn bị dầy mồ, lính bị thương tàn phế bị xua đuổi ra khỏi cuộc sống. Thử hỏi trên thế gian này, có kiếp người nào, đáng thương hơn người lính VNCH?
“Dấu binh lửa nước non như cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương”
(Chinh Phụ Ngâm)
Cuộc đời thanh niên thời loạn ly, rốt cục chỉ còn lại nỗi buồn thiên cổ, xin hãy nâng ly rượu sầu lên môi mà nhớ. Nghiêng mình, cúi đầu cảm tạ những vị ân nhân, đã và đang hết lòng cưu mang, giúp đỡ tận tình “Thương Phế Binh, gia đình kể cả cô nhị quả phụ VNCH”, hiện đang sống kiếp trầm luân rách đói, trong địa ngục VN.

MƯỜNG GIANG
Xóm Cồn Ha Uy Di
Tháng 11-2011 

Cám Ơn Anh - Người Thương Binh VNCH
Phạm Phong Dinh và Trần Việt Hải
Chiến tranh đến người lính không muốn bởi vì bản chất dân tộc Việt Nam không hiếu chiến. Chiến tranh đi vào căn nguyên cội nguồn là do sự tham lam của chủ thuyết Cộng Sản, bởi một thiểu số lãnh đạo sống với giấc mơ hoang tưởng ban đầu khi mang ý tưởng quốc hữu hóa cuộc sống người dân để mọi người được bình đẳng, cho một thế giới vô sản, không giai cấp.
Và từ đó qua những nhà lãnh đạo tham lam và cuồng tín tại miền Bắc Việt Nam đã xua quân xâm chiếm Miền Nam. Miền Nam phải tự vệ, người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) mang vai trò bảo vệ từng tất đất quê hương.
Sở dĩ chúng tôi phải nhập đề về vai trò của người lính VNCH là vì Miền Nam đã có chánh nghĩa như thế ngay từ nguyên thủy của vấn đề, tức họ có tư thế tự vệ chính đáng. Trong cuộc chiến tự vệ bảo vệ bờ cõi, khi chúng ta nhìn về những thiệt thòi, những khổ đau của người lính VNCH trải qua trong cuộc chiến và cũng như sau cuộc chiến, chúng ta sẽ phải ngậm ngùi cho những điều phi lý nhất đã theo đuổi, ám ảnh cuộc sống đầy gian truân của họ, đặc biệt là số phận người thương phế binh VNCH. Trong thời chiến, nói về khía cạnh kinh tế đời sống thì mức lương của người lính tác chiến đuợc trả theo thời giá bằng con số phụ cấp 4.500 đồng VNCH cộng thêm vào mức lương căn bản (quân nhân không tác chiến không có phụ cấp này). Lương trung bình một người Binh Nhì khoảng 18,000 đồng, phụ cấp vợ 2,000 đồng, mỗi con 1,000, nếu tác chiến được nhận thêm 4,500 đồng. Nếu tính hối xuất mỹ kim thời đó thì thật sự lương người lính cộng phụ cấp các thứ kế cả tiền gộp lại tất cả không quá 20 mỹ kim một tháng. Người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dĩ nhiên chấp nhận túng thiếu đến đỗi mức ăn của một chiến sĩ không thể cứ mỗi ngày mua nỗi một tô phở như chúng ta đang sống tại Mỹ, Úc hay Canada.
Để các bạn trẻ ra đời khi còn quá nhỏ hay sau cuộc chiến có thể có một ý niệm về sự so sánh đơn giản mức sống nghèo khổ của người lính và gia đình so với thời giá lúc đó, chúng ta định tiêu chuẩn bằng mỹ kim. Nếu là hai vợ chồng người lính chưa có con, thì mỗi ngày họ chỉ được phép “ăn xài” tối đa là 1 mỹ kim cho tất cả các khoản thực phẩm tối thiểu như gạo, muối, đường, nước mắm,... và linh tinh, thông thường ăn rau ăn độn với cơm, vì thường đến thăm những gia đình quân nhân quen chúng tôi thấy họ ăn đạm bạc như rau chấm với nước mắm kho quẹt hay cơm chấm muối mè. Nếu là một gia đình 4 người thì mức tiêu xài là 1,5 mỹ kim. Như vậy với đồng lương 20 mỹ kim một tháng chỉ có thể sống sót được tối đa có 20 ngày, còn 10 ngày cuối cùng kia thì chính người vợ và đàn con phải xông pha ra ngoài chợ đời làm lụng thật vất vả để bù đắp vào. Cuộc đời đen tối cứ thế kéo dài mãi, giá sinh hoạt ngày càng tăng vọt vì nạn lạm phát. Một đô la Mỹ đổi được 500 đồng VN trong những năm cuối cùng của thập niên 1970, nhất là năm 1975 nó đã leo lên đến 1,800 đồng VN. Đó là chưa kể đến những nhu cầu cần thiết khác cho đời sống như thuốc men, quần áo, thuốc hút, nhu cầu cho con cái đi học,… đòi hỏi phải chi tiêu rất nhiều tiền bạc. Người lính sẽ thiếu thốn triền miên. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà những người chiến sĩ vô danh khiêm nhường ấy vẫn đánh giặc, vẫn ôm ấp lý tưởng bảo vệ giang san bờ cõi quốc gia, và họ đã đánh thắng những trận thật lớn và thật lừng lẫy, rúng động thế giới và cả quân thù cũng phải khiếp vía run sợ. Những người anh hùng của dân tộc Việt Nam ấy đã câm nín, nhẫn nhục, không kêu ca nề hà, bản thân họ gánh vác trên vai cả một trách nhiệm nặng nề, nhiều khổ ải và triền miên chất chứa trong lòng nhiều nỗi lo lắng khôn cùng cho gia đình ở quê nhà. Họ dũng cảm xông vào những cơn bão lửa tàn khốc nhất của chiến tranh từ Bình Giả, Đồng Xoài đến Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa, và trong cuộc chiến như vậy, chúng ta thấy rằng người lính đã chia một nửa trái tim hiến dâng bảo vệ Tổ Quốc, một nửa trái tim gửi về hậu phương cho gia đình vợ con.
Bài viết này chúng tôi muốn nghĩ đến những anh em thương phế binh (TPB) VNCH, hiện còn ở quê nhà chịu những ngậm ngùi đắng cay nhất sau biến cố đau thương 1975. Những cựu quân nhân bị thương phế còn một chút may mắn đuợc trở về với vợ con hay cha mẹ, sống chuỗi đời còn lại vá víu trong quên lãng của đời nghiệt ngã bằng đủ thứ nghề quá vất vả, nếu được như vậy họ cũng tìm thấy một chút niềm vui của mái ấm gia đình. Nhưng đối với những chiến sĩ thương phế kém may mắn hơn, họ đã chịu những bất hạnh, cô đơn vì gia đình ly tán, xã hội ruồng bỏ và rồi họ không còn nơi để trở về, hoặc không muốn trở về để trở thành gánh nặng cho những người mà họ yêu thương, hoặc bị chính gia đình bỏ rơi. Các anh lính TPB không có niềm vui nào để từ đó gắng gượng sống một cuộc sống lây lất bao phủ bởi những tủi thân, mặc cảm tật nguyền bị lãng quên. Các anh sống hiện tại mà cũng không có, thì nói đến tương lai làm gì? Các anh sống lang thang vất vưởng dưới những mái hiên, gầm cầu, ống cống, bãi tha ma, mái chợ, v.v.. Tiếng hát nấc nghẹn tủi nhục của các anh vang lên trên những chiếc xe đò ầm ĩ lao xao tiếng rao hàng của những người cũng nghèo như các anh, trên những lối chợ sình bùn, trước những quán ăn đông đảo những khuôn mặt mập bóng, đỏ au thừa thãi rượu và thịt, hay trên những đuờng phố nghìn nghịt xe cộ và đầy dẫy màu sắc ăn chơi. Một xã hội vô lý do nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) gây ra và xã hội như vậy, chẳng những bạc đãi chính các anh, mà còn buôn bán cả tương lai vợ con các anh cho ngoại nhân.
Chúng ta còn nhớ trong và sau ngày 30.4.1975, những chiến sĩ mang thương tích hay các thương bệnh binh nằm điều trị trong các quân y viện bị quân giặc xua đuổi đi một cách tàn nhẫn. Xã hội văn minh như trong Thế Chiến Thứ II khi quân Đức Quốc Xã bao vây Quân Đồng Minh, họ tôn trọng qui ước chiến tranh, họ cho tải thương các thương bệnh binh. Còn đối với CSVN như bản chất của sách lược nuôi sự trả thù nhỏ mọn, họ có những hành vi thú tính, man rợ nhất được áp dụng. Có thể nói không ngoa họ không cần biết gì đến hành vi nhân đạo hay đạo lý của tình người, hay tình dân tộc đồng chủng với nhau. Dưới mắt người CSVN, những người ở bên kia chiến tuyến luôn luôn là kẻ thù cần phải bị tiêu diệt. Nếu vì lý do gì đó mà họ chưa hủy diệt được hết một lúc trong thời chiến, thì ngay từ những giây phút ngừng chiến này, họ sẽ tiếp tục giết dần mòn người lính Việt Nam Cộng Hòa, quá khứ cho thấy bằng nhiều phương cách hèn hạ nhất, nhiều cách thức khác nhau. Những tài liệu báo chí quốc tế ghi nhận khi CSVN bắt đầu xâm chiếm Sài Gòn từ các chiến sĩ bị thương tại các quân y viện, không cần biết tình trạng nguy kịch hay không nguy kịch đến tính mạng bệnh nhân, bị thương nhẹ hay thương nặng, các chiến sĩ VNCH bị xua đuổi phải ra khỏi giường bệnh, dắt díu nhau lê la trên các hè phố tìm đuờng về quê nhà. Những chiến sĩ bị thương quá nặng chỉ có thể nằm hấp hối bên vệ đường chờ chết. Những nhân chứng kể lại những túi nylon bọc lấy những mẫu ruột đã đen sậm và đầy bụi đất, hay những vết cắt lở lói ở những cánh tay hay ống chân có thể cho phép người thương phế binh lê về được đến nhà, dù là để chết trong tay vợ con hay trước sự chứng kiến của người thân.
Tôi là người lính Việt không may
Xếp bút nghiên theo cuộc chiến dài
Nào ai đoán biết được ngày mai
Phần số thương binh sau cuộc chiến
Lết cuộc đời lê nẻo tương lai
Ngậm ngùi vợ con sao tan vở?
Ngẩng mặt nhìn đời ngày lại ngày
Ai ơi có thấu lời bi ai?

TPB Cần Đước

Những anh thương phế binh may mắn sống sót sau cơn bão đỏ kinh khiếp này, may mắn được gia đình tìm ra và tiếp cứu kịp lúc đem trở về quê nhà, tiếp tục sống một cuộc sống mờ mịt, hẩm hiu vì không có hiện tại, không cả tương lai. Trước năm 1975, thương phế binh cam chịu sự thờ ơ của người hậu phương. Sau năm 1975, thương phế binh bị ném ra khỏi mọi sinh hoạt xã hội, là thành phần tang thương cùng cực nhất trong hệ thống bậc thang trị giá con người, mà lại là con người trong chế độ cộng sản. Các anh vẫn tiếp tục sống cuộc sống thầm lặng khổ đau trong tối tăm, trong đói rách bao nghịch cảnh ở những chỗ hạ đẳng tận cùng: từ ống cống, gầm cầu, hay đến những bãi tha ma. Niềm mơ ước duy nhất và rất nhỏ bé của các anh, là xin thượng đế nhủ lòng thương cho các anh kiếm đuợc đủ hay xin được thức ăn sống mỗi ngày. Có những anh lê lết những phần thân thể trên mặt đường lâu ngày những phần thân thể bị nhiễm trùng ung mủ lở loét. Nhìn những chiến hữu của chúng ta tang thương như vậy, chúng ta không thể không xót xa đau lòng. Nhưng thân tàn ma dại dó đã lê lết trên quê hương chúng ta, họ sống vô vọng. Những TPB có gia đình khá hơn thì có xe lăn, họ góp được chút vốn thì lăn xe đi bán vé số hay ngồi bán thuốc lá lẻ, đan sọt đan thúng, làm hàng thủ công, hoặc nuôi gà nuôi heo. Ngay cả chuyện nuôi con heo cũng là một mơ ước vô cùng lớn lao, tưởng không thể nào có thể thực hiện nỗi, nếu không có một phép lạ nào đó. Trong những hoàn cảnh cùng cực như vậy mà các anh vẫn cứ đều đặn chống nạng hay lăn xe lên Nghĩa Trang Quân Đội trên xa lộ Biên Hòa để chăm sóc mồ mả của những chiến hữu trong đó. Có còn nghĩa cử nào cao qúi hơn nữa không, để những người còn sống như chúng ta phải cúi đầu chào kính các anh?
Sống cuộc đời tủi cực, làm những người sống ngoài lề xã hội ngay trên đất nước của mình, nhưng những chiến sĩ thương phế Việt Nam Cộng Hòa vẫn an ủi nhau, vẫn nuôi dưỡng một niềm tin. Có nhiều anh chịu không nỗi nhục nhã đã nhảy sông, thắt cổ, hay bất cứ cách nào để chết. Nhưng nhiều anh đã cắn răng khuyên nhau cố gắng sống. Sống để chờ một phép nhiệm mầu nào đó cứu giúp cuộc đời khốn cùng. Thật kỳ diệu, mà cũng thật nghẹn ngào, các anh đã sống vật vờ và nuôi dưỡng niềm tin ấy đến hơn một phần tư thế kỷ. Cái điều được chờ đợi ấy đã bắt đầu hiện đến với các anh, dù mới chỉ là những đóm lửa còn le lói. Những người chiến hữu của các anh bên kia bờ Thái Bình Dương bắt đầu dấy lên những phong trào vận động quyên góp gửi quà và tiền về giúp đỡ cho các anh, dù rằng có người được, người chưa.
Từ những năm 1990 cho đến nay, đã có nhiều hội đoàn cựu quân nhân QLVNCH hay ngay cả nhiều hội đoàn dân sự, cá nhân, truyền thanh, báo chí ở Hoa Kỳ, Canada, Âu châu, Úc châu đã tổ chức những cuộc gây qũy và tích cực cổ động cho việc gửi tiền tương trợ cho các anh thương phế binh ở quê nhà. Những đóm lửa nhỏ này có thể một ngày không xa lắm sẽ bùng lên thành một ánh lửa lớn quy tụ đuợc nhiều tài lực, thêm nhiều phương tiện, từ đó có thể giúp đỡ chiến hữu bên nhà tích cực hơn. Hầu như là các hội đoàn của những quân binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều có chương trình tương trợ cho các anh thương phế binh. Các bạn hãy cùng lắng nghe vài đoạn thư của Biệt Cách Dù Nguyễn Chí Linh từ Việt Nam, để thấy được nỗi niềm của những người anh em chúng ta, đẩ cảm nhận được ý nghĩa về việc làm của chúng ta: "... gia đình tôi, vợ và các con vui mừng, đứa nào cũng rơi nước mắt, riêng tôi thì vô cùng xúc động... số tiền quá lớn, tôi mua được hai con heo để nuôi, mỗi con 400.000 đồng Việt Nam. Tôi hy vọng là sau sáu tháng, heo bán sẽ có lời, tôi sẽ mua gà Tam Hoàng nuôi, có thu nhập thêm, chứ đời sống còn thiếu thốn lắm... Thành thật cám ơn Thầy và quí hội đã cùng nhau giúp đỡ cho đứa em còn ở lại Việt Nam nghèo khổ này".
Hội Bạn Của Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp do ông Nguyễn Quang Hạnh làm Hội Trưởng cùng một số hội viên trong Ban Chấp Hành đã hoạt động rất tích cực trong công tác tương trợ các anh thương phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ hơn mười năm qua. Hoạt động của Hội ngày nay đã được biết đến trong cộng đồng người Việt ở châu Âu nhờ Ban Chấp Hành đã cho lưu hành những đặc san NẠNG GỖ để gởi đến đồng bào những bài viết, những hình ảnh tàn phế của những người thương binh ở quê nhà, danh sách thương phế binh xin được giúp đỡ, những lời kêu cứu và hình ảnh thảm thương trong cuộc sống bị vất bên lề xã hội của các anh. Ông Hội Trưởng Nguyễn Quang Hạnh cùng những vị có cùng tấm lòng nhân ái hướng về các anh thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã luôn dằn vặt trong lòng nỗi xốn xang:
Khẳng định rằng ngày 30.4.1975 là ngày đại họa, một cái tang lớn phủ trùm xuống đồng bào Miền Nam. Quyền sống của con người không còn nữa, tiếp theo là sự trả thù của chế độ mới tiến hành đối với những người phục vụ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Đau thương và tủi nhục hơn hết, tột cùng đau khổ nhiều hơn hết là những anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Đó là những người lính chiến đã từng hy sinh và chịu nhiều gian khổ ngoài chiến trường bởi lý tưởng tự do, vì sự sống an bình cho đồng bào ở hậu phương. Các anh đã không may bị súng đạn cướp mất một phần thân thể, lại bị chế độ kỳ thị, phân biệt đối xử, cuộc sống của các anh bị đặt ra ngoài lề xã hội thực tại. Từ hơn 30 năm qua, đối với gần ba triệu người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại này, sự kềm kẹp, kiểm soát của CSVN về mọi biện pháp giúp đỡ các anh TPB, và chính vì thiếu sự nhân đạo đã gây khó khăn cho việc giúp đở TPB của VNCH một cách công khai.
Trong tình thế mới khi đảng CSVN càng o bế quốc tế, sự chấp nhận cho giúp đỡ các anh em TPB có phần khá hơn, Hội Bạn Của Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa đã kêu gọi và đã nhận được rất nhiều sự hưởng ứng nồng nhiệt của người Việt ở Pháp và nhiều nước châu Âu. Nhờ sự giúp đỡ này, Hội đã có thể gởi về các anh thương binh ở quê nhà những món tiền tình nghĩa, nhiều chiếc xe lăn tay. Những đồng tiền của đồng bào hải ngoại gởi về cho các anh thương phế binh và gia đình đâu đã là nhiều, nhưng khi nó đến đúng lúc thì cũng có thể giúp cho các anh một niềm vui nhỏ và vượt qua được hoàn cảnh thắt ngặt. Thư cảm ơn của các anh gởi sang rất nhiều với những giòng chữ đơn sơ diễn tả những lời chân thành mộc mạc từ tận đáy lòng của các anh. Có còn cảnh ngộ tuyệt vọng tận cùng nào hơn nữa không đối với anh Võ Văn Huề như trong bức thư này:"Tôi ký tên dưới đây là Võ Văn Huề, hiện ở tại số 97, Khối 5. Thị trấn Kiến Đức – Dak Rlăp – Đăk Lak – Việt NamKính gởi: Hội cùng Ân Nhân.Tôi nhận được thư của Hội ngày 21.7.2002, còn tiền vào ngày 27.7.2002. Nay tôi viết thư này để Hội biết lòng biết ơn sâu nặng của tôi. Đối với bản thân, tôi phải khóc, không thể nói hay viết hết lời cho Hội và ân nhân, hội đã hiểu nên tôi không viết thêm. Hiện gia đình tôi có 6 con, đứa đầu đi không vững, nói không rõ, không lớn được và không biết chữ. Còn 5 cháu sau vì đông nên việc học rất khó khăn. Nếu bên đó ai có nhu cầu xin con nuôi, gia đình đồng ý cho không điều kiện, Một lần nữa xin nói lên lòng biết ơn sâu nặng của gia đình tôi đến với Hội và ân nhân đã cho gia đình tôi có sự sống lẫn tinh thần. Xin chúc Hội và ân nhân được nhiều ơn riêng của trời đất. Kính thư. Huề."
Mẹ Việt Nam ơi, đồng bào ruột thịt ta ơi hãy cùng cứu lấy những linh hồn cô đơn bị lãng quên! Anh em chúng tôi viết bài này vì mùa Xuân 2006 những tổ chức khắp nơi Âu châu, Úc và Bắc Mỹ đã gia tăng nỗ lực cứu giúp. Những đoàn thể tại Nam và Bắc Cali đã gây quỹ lạc quyên cho các anh em Thương Phế Binh. Chúng tôi vừa được biết sẽ có một Đại Nhạc Hội tại Nam Cali, ngay thủ đô của người tị nạn Việt Nam, Đại Nhạc Hội mang tên: "CÁM ƠN ANH - NGƯỜI THƯƠNG BINH VNCH".
Cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến cho các anh Thương Binh VNCH. Đồng bào tại hải ngoại sẽ không quên các anh, chúng ta sẽ gặp nhau một ngày không xa, cầu mong các anh sẽ tiếp tục hiện hữu chứng kiến sự cáo chung của những người đi ngược lại ý nguyện của dân tộc Việt Nam. Sau cùng anh em chúng tôi xin kết thúc bằng bài thơ dành cho các anh:

“Xưa đồng đội như rừng
Gót giầy vang mặt phố
Nay xa cách muôn trùng
Một thân nơi xó chợ
Những người ba mươi năm
Thoảng như cơn mộng dữ
Còn một khúc thân tàn
Vinh danh ngày tháng cũ"
(Trích “Tạ Ơn Anh”, thơ Đỗ Tiến Đức)
Phạm Phong Dinh và Trần Việt Hải
 Tin về “Đại Nhạc Hội CÁM ƠN ANH -
NGƯỜI THƯƠNG BINH VNCH - Kỳ 6″
Chủ Nhật ngày 12 tháng Tám, 2012 tại Garden Grove, California.
“Hải ngoại không quên tình chiến sĩ,
Đồng hương nhớ mãi nghĩa thương binh”.Năm nay, tiếp tục truyền thống gây quỹ cứu trợ “Người Thương Binh VNCH”, Ban Tổ Chức đã quyết định chọn lại địa điểm của kỳ I, II, IV và kỳ V là sân vận động trường Bolsa High School ở Garden Grove, Nam California để tổ chức đại nhạc hội “Cám Ơn Anh kỳ VI”. Theo như thông cáo của Ban Tổ Chức cho biết:
“Hội H.O. Cứu Trợ TPB&QP/VNCH , Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Miền Nam California, Tổng Hội Sinh Viên, Trung Tâm Ca Nhạc ASIA, Đài Truyền Hình SBTN & SET với sự yểm trợ của nhiều Hội Đoàn, Đoàn Thể, Các Cơ Quan Truyền Thông Báo Chí Hải Ngoại với sự tham gia của gần 100 Ca Nhạc Sĩ, sẽ cùng hợp tác để tổ chức:
Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH-Kỳ 6″
Ngày giờ và địa điểm:
* Ngày Chủ Nhật, 12 tháng 8 năm 2012
* Từ 12:00 PM tới 6:00 PM
* Ðịa điểm: Sân vận động Trường Trung Học Bolsa Grande Garden Grove, 9401 Westminster Ave., Garden Grove, CA 92844.
Có thể nói đây là một đại nhạc hội yểm trợ những người thương binh Việt Nam Cộng Hòa lớn nhất từ trước đến nay ở California với sự đóng góp của gần 100 nghệ sĩ từ khắp các tiểu bang Hoa-Kỳ cùng về tham dự. Việc tổ chức văn nghệ và sắp xếp các tiết mục trình diễn vẫn do nhạc sĩ Trúc Hồ và Trung Tâm Asia thực hiện. Ðài Truyền Hình SBTN do nhạc sĩ Trúc Hồ làm giám đốc cũng đảm nhận trách nhiệm trực tiếp thu hình tại chỗ và truyền đi khắp nước Mỹ cũng như Canada. Theo dự đoán của ban tổ chức thì đại nhạc hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH, kỳ 6” năm nay cũng sẽ thu hút hàng chục ngàn đồng hương và bạn bè ngoại quốc tham dự trong thời tiết ấm áp ở những ngày cuối cùng của mùa Hè 2012.
Như nhà văn Huy Phương đã viết trong bài tạp ghi “Chuyện Trò Cùng Ðồng Ðội” trước đây trên báo Người Việt khi nhắc về những kỳ đại nhạc hội “Cám Ơn Anh” đầu tiên đã được tổ chức, thì “sở dĩ có được kết quả to lớn này là vì đồng hương tỵ nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ tin tưởng vào Trung Tâm Asia và Ðài SBTN, cũng như ban Giám Ðốc Asia-SBTN tin tưởng vào uy tín và phương thức làm việc lâu nay của hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH.
Tất cả số tiền thu tại chỗ cũng như của đồng hương gởi qua đài truyền hình SBTN đều được trao lại cho Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH nhờ gởi giúp cho các thương binh, quả phụ VNCH ở quê nhà, mà không tính một chi phí, hay giữ lại một số tiền nào cả.
Chúng ta cũng biết Trung Tâm Asia đã cung cấp toàn bộ chương trình văn nghệ, bằng cách vận động các ban nhạc, các MC, các ca sĩ trình diễn không nhận thù lao và đài truyền hình SBTN đã thu hình tại chỗ và trực tiếp truyền hình suốt buổi trình diễn 7 tiếng đồng hồ liên tục với hằng trăm nhân viên kỹ thuật túc trực ở trong đài phát hình và trên sân cỏ của buổi văn nghệ gây quỹ. Cũng như hằng trăm thiện nguyện viên và đoàn thể cựu quân nhân đã làm việc trong nhiều ngày để có một buổi gây quỹ có tầm vóc như vậy.”
Những kết quả trong các năm vừa qua đã cho chúng ta thấy được biết bao tấm lòng cùng nhau tri ân “Hải ngoại không quên tình chiến sĩ, đồng hương nhớ mãi nghĩa thương binh”.
Xin quý vị và các bạn tiếp tục gởi chi phiếu cho thương binh VNCH về:
HỘI H.O. CỨU TRỢ THƯƠNG PHẾ BINH & QUẢ PHỤ VNCH
(DISABLED VETERANS AND WIDOWS RELIEF ASSOCIATION)
Non Profit Corporation No. 3141107 EIN: 26 – 4499 – 492
PO Box 25554
Santa Ana CA 92799
Hoặc:
Ðài truyền hình SBTN-Asia
P.O. Box 127, Garden Grove, CA 92842.
Chi phiếu xin đề: ÐNH Cám Ơn Anh kỳ VI.
Xin tiếp tay với Ban Tổ Chức để gởi đi những lời kêu gọi thương yêu và biết ơn những người thương binh VNCH đã một thời xả thân cho lý tưởng tự do. Rất mong là sự mời goi trên đây sẽ được đồng bào và khán giả SBTN, SET TV khắp nơi nồng nhiệt hưởng ứng.
Món quà chúng ta gởi về cho anh em thương binh và quả phụ tử sĩ VNCH có thể không lớn, nhưng niềm vui đem lại cho những người bất hạnh ở quê nhà sẽ là sự an ủi quý báu mà đồng hương hải ngoại luôn luôn muốn cùng nhau bày tỏ.
Ðại Nhạc Hội Cảm Ơn Anh
Người Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa Kỳ 6Tham chiếu: Quyết định tổ chức “Ðại Nhạc Hội Cảm Ơn Anh Kỳ 6” tại Nam California của Ðài SBTN, TT Asia, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ và Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh/VNCH.
I. Mục đích: Ðại nhạc hội nhằm mục đích:
-Vinh Danh Người Chiến Sĩ/QLVNCH
-Gây quỹ cứu trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Tử Sĩ/VNCH.
II. Thành phần tham dự:
A) Ban Tổ Chức:
1. Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH
2. Liên Hội Cựu Chiến Sĩ (CCS) VNCH Nam California:
- Hội Không Quân Miền Trung California
- Hội Hải Quân Hàng Hải Nam California
- Hội Thủy Quân Lục Chiến Nam California
- Hội Biệt Ðông Quân Nam California
- Gia Ðình Mũ Ðỏ Nam California
- Hội Cựu SVSQ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Nam California
- Hội Nha Kỹ Thuật QLVNCH
- Hội Pháo Binh Nam California
- Hội Thiếu Sinh Quân Nam California
- Hội Quân Cảnh Nam California
- Hội Cảnh Sát Quốc Gia Nam California
- Hội Nữ Quân Nhân Nam California
- Hội Quân Cán Chính Hải Ninh
3. Hội Cựu SVSQ Trường Bộ Binh Thủ Ðức
4. Trung Tâm ASIA
5. Ðài truyền hình STBN, đài truyền hình SET
6. Tổng Hội Sinh Viên Nam California (THSV)
B) Thành phần yểm trợ:
1. Các cơ quan truyền thông báo chí
2. Các văn nghệ sĩ và ký giả Việt Nam hải ngoại.
3. Hội Ái Hữu Truyền Tin QLVNCH.
4. Hội Ái Hữu Thiết Giáp Nam California
5. Hội Ái Hữu SÐ18BB
6. Hội Ái Hữu LLÐB/QLVNCH
7. Hội Ái Hữu Quân Trường Ðồng Ðế Nha Trang
8. Hội Hướng Ðạo Trưởng Niên Làng Quảng Tế
9. Ðoàn Thiếu Nhi Thánh Thể
10. Ðại Ðạo Thanh Niên Hội Cao Ðài
11. Ðoàn Thanh Niên Phật Giáo Hòa Hảo
12. Ðoàn Thanh Niên Phan Bội Châu
13. Bác Sĩ Bùi Thế Chung & BS Vũ Thanh Vân
14. Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ
15. Các hội đồng hương
III. Ngày giờ và địa điểm:
1. Ngày Chủ Nhật, 12 tháng 8 năm 2012
2. Từ 12:00 PM tới 6:00 PM
3. Ðịa điểm: Sân vận động Trường Trung Học Bolsa Grande Garden Grove, 9401 Westminster Ave., Garden Grove, CA 92844 (Xem không ảnh ở Phụ Bản F).
IV. Thành phần ban tổ chức:
A) Ban Tổ Chức:
1. Trưởng Ban Tổ Chức:
2. Phó Trưởng Ban Tổ Chức đặc trách Tổng Quát:
3. Phó Trưởng Ban Tổ Chức đặc trách Ngoại Vụ:
4. Phó Trưởng Ban Tổ Chức đặc trách Hành Chánh: Mr. Nguyễn Quang Ngọc
5. Truyền Thông & Báo Chí: Mr. Huy Phương
6. Ðiều hợp chương trình:
7. MC Chương Trình Nghi Lễ:
8. MC Chương Trình Văn Nghệ:
9. Chánh Thư Ký: Mr. Võ Trung Tin
10. Phó Thư Ký: Mr. Phan Ngọc Lượng
B) Khối Hành Chánh
11. Văn Phòng Thường Trực: Bà Hạnh Nhơn,
12. Ban Nghi lễ & Giao Tế:
13. Toán Quốc Kỳ Việt Mỹ: Liên Hội Cựu Chiến Sĩ.
14. Ban Tiếp Tân: Tổng Hội Sinh Viên, Hội HO , Võ Bị, Liên Hội CCS
15. Ban Tài Chánh: Nguyễn Hàm, Phạm Ðức Cường, Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, anh Nguyễn Văn Triệu, chị Ðặng Tú Quỳnh
16. Thủ Quỹ: Chị Nghiêm Thị Thanh Hà
C) Khối Truyền Thông:
17. Ban truyền hình, truyền thanh, báo chí: Huy Phương, Nam Lộc, Nguyễn Tự Cường, LH/CCS
18. Ban ấn loát: Văn phòng thường trực.
D) Khối Yểm Trợ: Gồm các thành viên tình nguyện đã được chỉ định
V. Chương trình các ngày tổ chức đại nhạc hội:
Ngày Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012: Có mặt tại sân vận động trường Bolsa Grande, đem equipment... vào * để xác định vị trí lều và vật liệu:
Ngày Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012: (Sắp đặt sẵn sàng hiện trường)
* Tất cả các hội trưởng và thiện nguyện viên có mặt đầy đủ lúc 10:00AM để trang trí khán đài, sắp ghế, dựng cột cờ... từ 12PM đến 7PM.
- 10:00AM-4:00PM - Cần 1 Custodian: Open gate đưa chair, stage, 30 restroom, sound equipments...vào sân trường. (*** Khóa nước, vị trí máy quay phim)
- Stadium fr 10:00 to 18:00
- 21.00 giờ-5.00 giờ cần (1) Security guard.
- 20.00 giờ-5.00 giờ light on
Ngày Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012
2 Custodian fr 08:00 to 16:00; 2 Custodian fr13:00-2100
Stadium fr 07:00 to 23:00
Light on fr 19:00 to 23:00
(Tất cả các hội trưởng và thiện nguyện viên có mặt đầy đủ lúc 8.00AM để nhận công tác như đã phân phối. Các HÐ thành viên trong toán Hiệu Kỳ và QQK đem theo Hiệu Kỳ, Ðại Kỳ, găng tay, giây biểu chương, mặc quân phục tề chỉnh. TSQ sẽ cung cấp 4 hội viên để thượng kỳ)
- 8.00 giờ: Tổng kiểm soát hiện trường, bổ túc thiếu sót.
- 10:00 giờ: Mở cửa phòng bán vé ngoài cổng, chào đón quan khách, tiếp tân.
- 12:00 giờ khai mạc.
http://www.caulacbotinhnghesi.net/index.php?option=com_content&view=article&id=1142:eai-nhac-hoi-cam-on-anh-ky-vi-chu-nhat-12-thang-8-2012&catid=98:thong-bao&Itemid=347