THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 May 2012

'Phụ huynh đạp đổ cổng trường là gương xấu cho con'



Trong khi nhiều bố mẹ lý giải việc chen lấn làm đổ cả cổng trường thực nghiệm Hà Nội hôm 12/5 chỉ vì nhu cầu chính đáng - có được chỗ học tốt cho con - thì không ít người và chuyên gia tâm lý lại cho rằng, việc này nêu một gương xấu cho trẻ về văn hóa ứng xử.
Đạp đổ cổng trường, xô đẩy xin học lớp 1 / 'Phụ huynh đạp đổ cổng trường là tai nạn đáng tiếc'

Sự việc gây xôn xao dư luận mấy ngày qua và có không ít ý kiến trái chiều xung quanh việc này.
Gửi thư về Vnexpress.net, độc giả Nguyễn Hoàng viết: "Lớp trẻ sẽ thế nào và học tập được gì khi thấy các bậc phụ huynh thế này, liệu chúng có biết đoàn kết cảm thông và chia sẻ hay không khi chứng kiến người lớn chen lấn xô đẩy nhau như thế". Theo anh, đây là hình ảnh quá phản cảm, bởi ngay cả thời bao cấp ngày trước đi xếp hàng mua lương thực cũng không đến nỗi như vậy.
Bạn đọc Lê Văn Hoàng Giang cho rằng, việc xếp hàng, đội mưa, thậm chí xô đẩy nhau để đăng ký học cho con là nghĩa cử cao đẹp của các bậc làm cha làm mẹ, vì muốn tốt cho con mà bất chấp tất cả. Tuy nhiên, nếu bản thân phụ huynh có sự quan tâm chăm sóc và giáo dục con đúng cách thì đứa trẻ nào chẳng nên người, hà cớ phải đặt nặng vấn đề trường này hay trường kia dở.
"Gia đình là gốc rễ đầu tiên của sự hình thành nhân cách và trí tuệ con người. Bản thân làm cha làm mẹ mà không gương mẫu, có hành động thiếu văn hoá như vậy thì con cái nào mà nên người được chứ", độc giả này bày tỏ.
Trên webtretho.com, một thành viên có nick Bonaicon viết "Mình phản đối vụ xô đẩy để đăng ký đơn, nhưng là mình thì mình cũng sẽ sẵn sàng xô đẩy để cho con được học chỗ tốt thôi. Biết ý thức của con mới là quan trọng nhưng môi trường học tốt cũng đâu có kém quan trọng hơn".
Ảnh: Hoàng Hà.
Cảnh chen lấn đăng ký học cho con trước cổng trường thực nghiệm Hà Nội hôm 12/5. Ảnh: Hoàng Hà.
Người trong cuộc cũng có những lý lẽ riêng. Là một trong những phụ huynh thức thâu đêm chầu chực trước cổng trường thực nghiệm và đến hôm nay vẫn còn "dấu vết" của cuộc xô đẩy với vết bầm tím trên ngực và bàn chân sưng húp vì bị giẫm đạp, chị Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: "Chẳng ai muốn phải khổ, nhục thế, nhưng đã đâm lao đành theo lao, cũng chỉ vì mong con có được tuổi thơ trọn vẹn".
Chị Ngọc cho biết, con gái lớn của chị đang học lớp 4 tại Tiểu học thực nghiệm Liễu Giai, Hà Nội. 4 năm trước, chị cũng đã dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu các trường và cuối cùng chấp nhận xếp hàng, đợi chờ mới có được suất học cho con. "Đó đúng môi trường tuyệt vời cho những năm học đầu đời của con. Con không bị áp lực chuyện học hành, và 'mỗi ngày đi học là một niềm vui' nên bố mẹ cũng yên tâm", chị nói.
Vì lý do đó, năm nay, dù cơ quan đã chuyển địa điểm, không còn tiện đưa đón con tới trường, nhưng chị Ngọc vẫn cố gắng để cô con gái thứ hai có thể vào học.
"Lúc mọi người xô đẩy, mình vừa thấy sợ, vừa oải, ngực thì chảy máu, chân tuột mất dép, nhưng thương con, lại đã mất công đợi chờ từ đầu, rồi bị đẩy dồn từ phía sau, nên chẳng thể bỏ cuộc", chị Ngọc chia sẻ.
Chị cho biết, rút cục chị đã có được đơn đăng ký học ở Thực nghiệm, nhưng cũng lên "phương án 2" tại một trường gần nhà vì không hy vọng con có thể giống như mẹ, "chen" với hàng trăm bạn khác để lọt vào trường.
Từng là giáo viên trường thực nghiệm Liễu Giai nhiều năm, cô Diệu Lý, hiệu trưởng trường quốc tế Dream House cho rằng, không thể trách phụ huynh trong sự việc đổ cổng trường hôm 12/5.
"Bố mẹ lo lắng cho con cái là việc đương nhiên. Những người phải xếp hàng, thậm chí chen lấn - đều mong muốn cho con em mình vào học ở một ngôi trường tốt và điều đó hoàn toàn chính đáng. Việc xô đẩy, thậm chí đổ cổng trường là điều khó tránh", bà Lý bày tỏ.
Theo bà, không nên lên đổ lỗi cho phụ huynh về "văn hóa xếp hàng" hay cách ứng xử nơi công cộng, bởi vấn đề nằm ở cách tổ chức của các nhà quản lý.
"Có một hình ảnh mà tôi nhớ mãi, là lần đi sang cửa khẩu Lang Sơn. Vẫn là những con người ấy, khi ở bên này cửa khẩu thì xô đẩy nhau, nhưng khi sang bên kia thì hoàn toàn đi theo trật tự. Đơn giản vì các nhà tổ chức đã tính toán hết và có sự sắp xếp hợp lý", bà kể lại.
Tuy nhiên, trong một khảo sát nhanh của Vnepxress.net mới đây, trong số hơn 3.600 độc giả tham gia thì có tới gần một nửa số người được hỏi cho rằng hành vi đạp đổ cổng trường của phụ huynh xin học cho con là quá phản cảm. Trong khi đó, có gần 1/5 số bạn đọc cho rằng đây là là kém ý thức nhưng chấp nhận được.
Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, những hình ảnh của phụ huynh đăng ký học cho con vào trường thực nghiệm hôm 12/5 quá phản cảm, thể hiện cách hành xử thiếu văn minh. Theo nhà tâm lý, chen lấn, xô đẩy là một nhược điểm của số không nhỏ người Việt và đây chỉ là một tình huống thể hiện, trong rất nhiều các hoàn cảnh khác như khi mua hàng, tại sân bay... và ngay cả đi vệ sinh ở nơi công cộng.
"Ở Nhật, khi động đất, sóng thần, người dân vẫn rất bình tĩnh, không hề có cảnh chen lấn xô đẩy. Nhưng nếu ở Việt Nam, chỉ một đám cháy có thể khiến người ta hoảng loạn mà giẫm đạp lên nhau chạy thoát thân", nhà tâm lý dẫn chứng.
Bà Quý cho rằng, cách ứng xử này là thiếu văn hóa và không thể chấp nhận, nhưng cũng không thể đổ lỗi cho mỗi cá nhân, mà gốc rễ của nó chính là do cách giáo dục, từ nhà trường, tới gia đình, khi chưa thực sự quan tâm tới kỹ năng sống, cách hành xử ở từng hoàn cảnh.
Theo nhà tâm lý giáo dục, tính cộng đồng kém là điều đáng buồn của người lớn và có thể trở thành một gương xấu cho con trẻ. Điều tối thiểu cần dạy trẻ em là có hành vi văn hóa nơi công cộng, biết nhường nhịn, chia sẻ với người khác. Nhưng nếu người lớn hành động ngược lại thì con em họ sẽ học theo.
Không những thế, khi phải xô đẩy để giành giật suất học cho con, người lớn vô tình cũng tạo một áp lực với trẻ, đặt kỳ vọng vào con, kiểu như "bố mẹ phải vất vả thế, kiểu gì con cũng phải học cho tốt". Bản thân những người phải cố giành giật chỗ học cũng sẽ sinh ức chế tâm lý và cố tìm một chỗ xả trong gia đình, khiến trẻ chứng kiến và có thể tạo cho các em ấn tượng không hay về chính ngôi trường của mình.
Tuy nhiên, bà Quý cũng thừa nhận, thực tế một nền giáo dục "có vấn đề", khi trường công thì quá đông, lại đi theo lối mòn, nặng về giảng giải, nhồi nhét, còn hệ thống trường tư chưa hoàn thiện, học phí cao, cũng đẩy phụ huynh vào hoàn cảnh phải giành giật suất học cho con ở một nơi được tiếng là "chất lượng Tây, giá ta". Và khi đó, vô hình chung, họ trở thành nạn nhân.
"Các gia đình hiện nay đều có ít con nên ai cũng chăm chút cho con, dành cho con một môi trường tốt nhất để phát triển toàn diện. Bởi miếng bánh - trường lớp đáp ứng được nhu cầu này của họ quá bé, mà nhiều người cùng muốn ăn, nên mới tạo ra sự chộp giật, tranh giành", chuyên gia lý giải.
Vương Linh