Thứ Ba, 24/04/2012 23:21
Sẽ có thêm hai đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu vào Quảng Ngãi để nghiên cứu thực địa vùng xảy ra “bệnh lạ”
Ngày 24-4, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết tổ chức này chưa chính thức nhận được yêu cầu giúp đỡ từ Bộ Y tế Việt Nam đối với “bệnh lạ” ở huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi. “Chúng tôi sẽ không đưa ra bình luận nào về căn bệnh này” - đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định.
Nhiều đoàn công tác đến Quảng Ngãi
Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết hôm nay (25-4), một đoàn công tác của cơ quan này sẽ tiếp tục đến Quảng Ngãi để đánh giá và tìm nguyên nhân gây ra “hội chứng viêm da lòng bàn tay, bàn chân có tăng men gan”.
Ngoài ra, từ ngày 25 đến 28-4, sẽ có thêm hai đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu vào địa phương này nghiên cứu thực địa vùng xảy ra “bệnh lạ”. Đây là lần thứ 2 kể từ đầu tháng 4, Bộ Y tế tổ chức các đoàn công tác đến tỉnh Quảng Ngãi để đánh giá và tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh làm 172 người mắc, 19 trường hợp tử vong trong một năm qua.
Vết thâm tím do “bệnh lạ” trên tay em Đinh Thị Nhưng - Trường Tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Hà. Ảnh: QUẢNG NGÃI ONLINE
PGS-TS Trần Hậu Khang, Viện trưởng Viện Da liễu Trung ương, thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế, cho biết các mẫu máu, da, móng tay chân, nước, đất, thực phẩm, hóa chất, trái cây vẫn đang trong quá trình xét nghiệm nên chưa thể khẳng định căn nguyên của bệnh này. Tuy nhiên, theo tính chất dịch tễ, nhiều chuyên gia cho rằng chưa có bằng chứng của sự lây lan từ người này sang người khác. “Nếu lây qua đường tiếp xúc thì bệnh phải có biểu hiện khắp cơ thể chứ không chỉ mắc tại bàn tay, bàn chân và một số vùng da ở đầu gối” - ông Khang nhận định.
Về phác đồ sửa đổi điều trị căn bệnh này, Bộ Y tế cho biết đã được các chuyên gia họp bàn, cập nhật những phương pháp điều trị hiệu quả nhất và sẽ sớm ban hành. Tuy nhiên, do chưa có kết luận chính xác nguyên nhân gây bệnh nên phác đồ mới này cũng vẫn chỉ điều trị bệnh nhân căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng.
Xuất hiện thêm “bệnh lạ”
Cùng ngày, BS Phạm Văn Trường, Trưởng Trạm Y tế xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà - Quảng Ngãi, xác nhận địa phương này vừa phát hiện thêm một trường hợp mắc bệnh ngoài da là em Đinh Thị Hên (12 tuổi, học sinh Trường THCS Sơn Ba), nâng số người mắc lên 19.
Biểu hiện tổn thương ngoài da của một học sinh Trường Tiểu học Sơn Ba, huyệnSơn Hà - Quảng Ngãi. Ảnh: XUÂN LONG
Theo BS Phạm Văn Trường, các trường hợp mắc bệnh đều có biểu hiện da đỏ, tím tái ở các vùng mặt, ngực và chân tay. Trong đó, 2 trường hợp là Đinh Thị Hiền và Đinh Thị Nhung (cùng 10 tuổi, học lớp 4) bị nặng phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để điều trị.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho rằng đây không phải là “hội chứng viêm da lòng bàn tay, bàn chân có tăng men gan” như ở huyện Ba Tơ vì hầu hết các trường hợp mắc bệnh không có biểu hiện đau và vùng da nhiễm bệnh chỉ tím tái. “Chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh và đề nghị ngành y tế cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân gây bệnh cũng như hướng dẫn điều trị” - ông Dũng nói.
Có thể do nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật
Theo ThS-BS Nguyễn Thị Đào, Khoa Khám da liễu - Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), với những mô tả bị dày sừng bàn tay, bàn chân, có thể những bệnh nhân ở huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi bị nhiễm độc hóa chất, kim loại nặng như crôm, arsenic trong thuốc bảo vệ thực vật.
“Đây là dạng ngộ độc mãn tính, gây tổn thương chức năng gan, suy đa phủ tạng và phải mất rất nhiều thời gian để điều trị” - bà Đào nói.
Ng.Thạnh
|
Nhóm phóng viên