Chưa hết, 3.700 hộ giết mổ gia súc, gia cầm khác cung cấp trên 47% lượng thịt trâu bò, 37% lượng thịt heo và 57% lượng thịt gia cầm cho toàn Hà Nội nhưng lực lượng thú y gần như không kiểm soát được. 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán thủ công cũng chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, chưa thực hiện đúng quy trình giết mổ theo quy định: giết mổ trên sàn, không có móc treo, vận chuyển bằng xe máy, không bao gói…
“Có tới 80% số người tiêu dùng được khảo sát cho biết sẵn sàng chấp nhận sử dụng sản phẩm chưa qua kiểm soát thú y, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là nguồn tiếp sức cho người sản xuất, kinh doanh không chấp hành quy định của pháp luật, luôn có ý thức chống đối, gây khó khăn cho công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Đăng nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, các vi phạm về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng nhưng chế tài xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe, khiến người vi phạm “nhờn thuốc” và sẵn sàng tái phạm chỉ vì nghị định hướng dẫn thi hành luật An toàn vệ sinh thực phẩm chưa được ban hành. “Chúng tôi phải mật phục cả đêm mới bắt được một xe gà lậu nhưng xử lý còn vất vả hơn nhiều. Mức xử phạt tối đa là 15 triệu đồng, chưa thấm vào đâu so với số tiền cơ quan hữu trách phải bỏ ra để tiêu hủy tang vật, lên đến hàng trăm triệu đồng. Vì thế, khi bị bắt, các chủ hàng thường bỏ của chạy lấy người, để lại một đống khó khăn cho lực lượng chức năng. Thời gian qua, chúng tôi bắt được nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, trong đó tỷ lệ tái phạm rất cao”, bà Mai bức xúc.
Quang Duẩn