THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 March 2012

Nhạc sĩ Việt Dũng trả lời phỏng vấn RFA


2012-03-08

Hơn 130.000 chữ ký của người Mỹ gốc Việt gửi tới Nhà Trắng để yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ xem xét lại chính sách nhân quyền và dân chủ của Hà Nội đối với dân chúng Việt Nam à một sự kiện đáng chú ý nhất trong một tháng qua.

Photo courtesy of viendongdaily.com

Nhạc sĩ Việt Dũng trong dạ tiệc tối 5-3-2012 sau khi phái đoàn đến gặp đại diện Tòa Bạch Ốc

Mặc Lâm phỏng vấn nhạc sĩ Việt Dũng, một thành viên trong Uỷ ban vận động để biết thêm quan điểm của ông về vấn đề này.

Mặc Lâm :  Xin gửi lời chào đến Nhạc sĩ Việt Dũng và cũng xin anh nhận nơi đây lời cảm ơn của chúng tôi về thì giờ anh đã dành cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Như chúng ta đã biết, với con số hơn 130,000 chữ ký thì có thể nói đây là một hình ảnh ấn tượng mà người Việt hải ngoại từ khi năm 1975 cho tới nay đã đạt được trong vòng một tháng vừa qua. Với thành quả này thì dĩ nhiên là ai cũng vui mừng và nó mở ra  một vận hội, một kỷ nguyên mới về cách vận động sự đồng ý chung của tập thể đồng bào hải ngoại. Và đây là một kinh nghiệm rất quý giá cho những đợt về sau mà người Việt có thể theo đó lập lại những kinh nghiệm vừa rồi.

Thưa anh, anh có thể cho biết khởi đầu cuộc vận động thu thập chữ ký phát xuất từ ý tưởng nào và diễn tiến của nó ra sao?

Nhạc sĩ Việt Dũng : Lúc đầu chúng tôi tưởng rằng sẽ là một chiến dịch khởi đầu bằng các nhạc sĩ mà nhạc sĩ Trúc Hồ là người đầu tiên phát động chiến dịch này và kêu gọi các anh em nghệ sĩ khác cùng tiếp tay, nhưng qua Đài Truyền Hình SBTN thì lúc đó sự hưởng ứng của đồng bào đã tiến nhanh đến một mức độ không ai ngờ. Sau khi chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư được phát động thì trong vòng có 4 ngày mà con số cần thiết 25,000 chữ ký đã đạt được, và kể từ đó trở đi thì con số tăng nhanh với tốc độ khoảng chừng 5,000 người mỗi ngày, vì thế cho nên trong 3 tuần lễ thì con số đạt được đã lên tới 100,000 người. Tất cả những điều này đã xảy ra một cách nhanh chóng đến nỗi, mặc dù đã đoán trước được sự hưởng ứng nồng nhiệt của mọi người, nhưng mà không ngờ là nó nhanh như vậy. Và con số một trăm ngàn đã đạt được trước ngày anh em đề ra là một tháng, tức là ngày 8 tháng 3, thưa anh.

Mặc Lâm : Có một thắc mắc chung là khá nhiều người ký tên trong danh sách này là những vị cao niên, họ không rành lắm về cách thức sử dụng computer để gửi chữ ký về Nhà Trắng, anh có thể cho thính giả biết là Ủy Ban Vận Động đối phó với tình trạng này bằng cách nào hay không?

Nhạc sĩ Việt Dũng : Vâng. Chương trình đã được phổ biến mạnh mẽ đến mức độ gần như là tất cả các hội đoàn, các đoàn thể trẻ, họ đã tiếp tay bằng cách là họ đã cử người đi xuống giứp đỡ cho đồng bào. Họ đã tổ chức những buổi thu thập chữ ký Thỉnh Nguyện Thư ở các nơi, và tại những nới đó thì các anh em trẻ ngồi sau laptop và ngồi ngay tại chỗ lấy "information" của đồng bào và điền ngay mẫu đơn lấy chữ ký trong Thỉnh Nguyện Thư qua trang mạng của Tòa Bạch Ốc. 

Thật ra đây là hoạt dộng phối hợp nhịp nhàng giữa các hội đoàn trẻ để giúp cho những người lớn tuổi làm được công việc đó. Rất nhiều người đã đến tình nguyện tại Đài Truyền Hình SBTN và làm việc suốt trong cả mười mấy hai mươi mấy ngày như vậy, từ 7 giờ sáng cho đến 11 giờ đêm, và cứ liên tục như vậy suốt 7 ngày một tuần, thành ra sự đóng góp của các bạn trẻ trong chiến dịch này là một trong những đóng góp rất là lớn đó, thưa anh. 

Cũng như ở các tiểu bang khác, những nhóm trẻ cũng đã hợp tác với cộng đồng để giúp cho những người lớn tuổi có thể ký vào Thỉnh Nguyện Thư trên trang mạng của Tòa Bạch Ốc.

Mặc Lâm : Trưa Thứ Hai, ngày 5 tháng 3 vừa rồi đã có hơn 160 người vào Nhà Trắng như chương trình đã được dự kiến, theo anh thì diễn tiến trong buổi gặp gỡ này có đúng như những gì mà anh và ban vận động chữ ký kỳ vọng hay không? 

Nhạc sĩ Việt Dũng : Câu trả lời cho việc này cũng hơi tế nhị một chút xíu, tại vì qua sự tiếp xúc ngay lúc ban đầu của buổi họp ở Tòa Bạch Ốc vào hôm Thứ Hai 5 tháng 3 thì chúng tôi nghĩ rằng là đây chỉ là bước đầu tiên để hai bên đặt quan hệ với nhau thôi, chứ còn chúng tôi chưa nghĩ là Tòa Bạch Ốc đã thực sự nhìn thấy sức mạnh của cộng đồng cũng như là nhìn thấy mối quan tâm của cộng đồng về vấn đề nhân quyền cho Việt Nam. 

Thế nên chúng tôi nghĩ rằng sẽ cần có thêm những bước kế tiếp nữa để hai bên có sự tin tưởng lẫn nhau cũng như có những cuộc đối thoại qua lại để tìm hiểu những nguyện vọng của người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi nghĩ rằng việc đó cần phải được tiến hành một cách tuần tự hơn và có hệ thống hơn để hai bên có thể có được tiếng nói chung về vấn đề này và đạo đạt cái nguyện vọng của người Việt tị nạn, tức là người Mỹ gốc Việt, lên chính phủ của Tổng Thống Hoa Kỳ hiện nay đó, thưa anh.

Mặc Lâm : Vâng. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý đây là một tiềm năng rất là lớn của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Thưa anh, có một câu hỏi được đặt ra là trong tương lai gần thì lãnh vực nào cần được tận dụng sức mạnh này của người Việt một lần nữa?

Nhạc sĩ Việt Dũng : Vâng. Để trả lời câu hỏi đó thì chúng tôi nghĩ rằng trong kỳ bầu cử lần này sẽ là một dịp rất là tốt để cho cộng đồng người Việt chứng tỏ sức mạnh của mình bằng lá phiếu, vì thế cho nên chúng ta có thể sử dụng lá phiếu đó một cách chính đáng, cũng như là để cho các chính trị gia Hoa Kỳ nhìn thấy được sức mạnh của Cộng Đồng (Người Mỹ Gốc Việt) và họ biết được là Cộng Đồng sẵn sàng ủng hộ những người nào, những chính trị gia nào ủng hộ vấn đề nhân quyền cho Việt Nam, cũng như là nhân quyền cho cả thế giới. 

Thật ra từ giờ cho đến cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới sẽ là một giai đoạn rất quan trọng cho Cộng Đồng Người Việt tại Hải Ngoại. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải vận động thêm nhiều hơn nữa để đồng bào hiểu được chuyện đó để sử dụng lá phiếu của mình một cách thích đáng cho việc này đó, thưa anh.

Mặc Lâm : Xin cảm ơn Nhạc sĩ Việt Dũng đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. 

Nhạc sĩ Việt Dũng : Vâng. Cảm ơn anh.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.