68 công nhân Việt Nam đang làm việc cho một công ty cung ứng lao động vệ sinh ở bang Penang bị chủ nợ lương và không gia hạn giấy phép làm việc theo hợp đồng.
Ông Trịnh Vĩnh Quang, Phó đại sứ VN tại Kuala Lumpur, cho Thanh Niên biết phần lớn số công nhân này là nữ. Họ sang Malaysia thông qua môi giới lao động là Công ty CP Việt Hà - Hà Tĩnh (VIHATICO), trụ sở tại thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, phối hợp với một công ty môi giới ở bang Penang.
| | | Một số thông tin trên báo chí Malaysia không chính xác lắm đâu... Có thể khẳng định sai sót và trách nhiệm ở đây là công ty sử dụng lao động Asmana | | | Phó đại sứ Trịnh Vĩnh Quang | |
|
Theo hợp đồng ký kết giữa các bên, những công nhân này làm việc cho Công ty Asmana Sdn Bhd, chuyên làm dịch vụ vệ sinh cho các bệnh viện, tòa nhà và khu công cộng ở thủ phủ George Town của bang Penang, với mức lương 546 ringgit (khoảng 3,7 triệu đồng)/tháng. Asmana cũng có trách nhiệm gia hạn khi giấy phép làm việc mỗi năm của công nhân hết hạn.
Phía Malaysia vi phạm hợp đồng
Từ tháng 2.2012, công nhân phản ánh họ không được trả lương, giấy phép làm việc hết hạn cũng không được làm mới. Và mọi sự bùng nổ sau khi nghị sĩ Koay Teng Hai của bang Penang đến thăm ngôi nhà có 42 lao động nữ VN, tuổi từ 30-50, đang tạm trú vào chiều 16.3. Báo The Star ngày 17.3 đăng bức ảnh những phụ nữ khóc lóc thê thảm khi kể về thảm cảnh của họ với ông Koay.
Họ kể bị công ty môi giới Malaysia ngược đãi "như nô lệ" trong suốt 20 tháng làm việc tại đây, bị giảm lương từ mức 50 ringgit (340.000 đồng) xuống còn 25 ringgit/ngày, bị thu giữ hộ chiếu. Và từ tháng 2.2012, họ không được trả lương, cũng không được cung cấp thực phẩm, hoặc chỉ được cấp duy nhất 20 kg gạo mỗi 3 ngày. Vì thế họ chỉ ăn cơm trắng với muối, và ở chen chúc trong một ngôi nhà 2 tầng có 4 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, phòng khách và nhà bếp. Giờ đây, visa hết hạn đã lâu, họ chỉ mong được giúp đỡ để trở về VN.
Báo The Star cũng cho hay ông Koay đã báo với cơ quan chức năng Malaysia và Đại sứ quán VN tại Kuala Lumpur. Cảnh sát địa phương đã vào cuộc. Phó trưởng phòng cảnh sát thành phố George Town Gan Kong Meng được báo này trích lời nói vụ việc đang được điều tra theo khoản 14, đạo luật Chống buôn người năm 2007 của Malaysia. Interpol cũng đã được thông tin để truy lùng chủ công ty môi giới (không được nêu tên) của Malaysia.
Sáng 18.3, toàn bộ công nhân VN và 34 công nhân Nepal trong tình trạng tương tự đã được đưa về các trung tâm bảo vệ người lâm nạn ở thủ đô Kuala Lumpur theo yêu cầu của tòa án bang Penang.
Một bức hình chụp cảnh công nhân nữ VN khóc đăng trên báo The Star, với chú thích: Hãy giúp đưa chúng tôi về nhà
|
Nhiều người muốn tiếp tục làm việc
Trao đổi với Thanh Niên qua điện thoại, Phó đại sứ Trịnh Vĩnh Quang nói: "Một số thông tin trên báo chí Malaysia không chính xác lắm đâu... Có thể khẳng định sai sót và trách nhiệm ở đây là công ty sử dụng lao động Asmana". Ông cũng nói thêm, mặc dù không trả lương, nhưng Asmana cũng có tạm ứng lương cho công nhân. Công ty VIHATICO cũng có tạm ứng tiền cho lao động VN.
Về phía sứ quán, ông Quang cho biết khi được tin công nhân VN bị nợ lương và không được gia hạn giấy phép lao động, sứ quán đã vào cuộc. Ngày 14.2.2012, Tham tán Nguyễn Tiến San, Trưởng ban Quản lý lao động và chuyên gia VN tại Malaysia, đã gửi thư yêu cầu Asmana thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng. Thư này cũng được gửi đến Sở Lao động bang Penang, Cục Lao động thuộc Bộ Nhân lực Malaysia và Công ty VIHATICO. Tuy nhiên, Asmana đã không thực hiện yêu cầu này.
Ngày 26.2, Tham tán Nguyễn Tiến San đã có cuộc làm việc 3 bên ngay tại Công ty Asmana với sự tham dự của đại diện VIHATICO từ VN sang. Cuộc họp đã đi đến bản cam kết thực hiện đúng hợp đồng lao động do Giám đốc Asmana và ông Nguyễn Tiến San ký. Dù vậy, Asmana vẫn tiếp tục chây ì. Vì thế, ngày 7.3, Tham tán Nguyễn Tiến San lại tiếp tục làm việc với Asmana. Cuộc họp có cả đại diện Sứ quán Nepal, bảo vệ các lao động từ nước này.
Ông Quang cũng cho biết trước khi mọi việc trở nên ầm ĩ trên mặt báo, ngày 15.3, Asmana đã gửi cho Đại sứ quán VN một bức thư, hứa hẹn ngày 19.3 sẽ lên cơ quan lao động và xuất nhập cảnh để giải quyết visa cho các công nhân. Trong 68 lao động VN, có 45 người có nguyện vọng tiếp tục làm việc ở đây, số còn lại muốn về nước.
"Bây giờ các công nhân đã ở Kuala Lumpur, ngày mai (19.3), sứ quán sẽ cùng Asmana trình với Cục Lao động và Xuất nhập cảnh Malaysia nguyện vọng của những người muốn ở lại để xin giấy phép làm việc cho họ. Số còn lại sứ quán sẽ lo giấy tờ hợp lệ cho họ về nước", ông Quang nói.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)